Áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật cho đường sắt đô thị ở Việt Nam như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 19/1, trong khuôn khổ hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã diễn ra phiên chuyên đề quy chuẩn, tiêu chuẩn kĩ thuật, công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị
Toàn cảnh phiên chuyên đề

Toàn cảnh phiên chuyên đề

Chậm tiến độ, lãng phí nguồn lực

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) gồm 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 75,6km đi ngầm.

Cụ thể, Hà Nội sẽ có tuyến số 1: Yên Viên - Ngọc Hồi dài 38,7km; tuyến số 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 35,2km; tuyến số 2A: Cát Linh - Hà Đông dài 14km; tuyến số 3: Nhổn - Hoàng Mai dài 48km; tuyến số 4: Đông Anh - Mê Linh dài 54km; tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc dài 39km; tuyến số 6: Nội Bài - Tây Ngọc Hồi dài 43km, kết nối với tuyến số 4 và tuyến số 7: Hà Đông - Mê Linh dài 35km; tuyến số 8: Hoài Đức - Gia Lâm dài 28km.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ hoàn thành được 13km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đang thi công 12,5km của tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, hiện nay, các dự án phát triển đường sắt đô thị đều chậm tiến độ và một trong những nguyên nhân chính là do thiếu hệ thống quy chuẩn. Vì vậy, hội thảo là cơ hội tốt cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà quản lý cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm; tạo nền tảng để triển khai các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới.

Các chuyên gia đã thảo luận và chỉ ra các vấn đề tiềm tàng khi sử dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật khác nhau như: gây lãng phí nguồn lực khi không tận dụng được thiết bị, các sản phẩm kỹ thuật (bản vẽ, tính toán, kinh nghiệm thi công…); không có sự thống nhất trong cách vận hành và khai thác; khó khăn trong việc kết nối giữa các tuyến đường sắt được thiết kế và vận hành theo các tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau; khó khăn cho công tác thẩm tra, thẩm định vì mỗi tiêu chuẩn đòi hỏi sự hiểu biết và kinh nghiệm khác nhau…

Thực trạng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho đường sắt đô thị tại Việt Nam

Thực trạng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho đường sắt đô thị tại Việt Nam

Áp dụng phù hợp với đặc thù Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng áp dụng đồng bộ, thống nhất cho các tuyến ĐSĐT sắp xây dựng tại Việt Nam là rất cần thiết.

Tại hội thảo, ông Yu Tao, Kỹ sư Trưởng, Tập đoàn Cục 16 Đường sắt Trung Quốc cho biết, hệ thống giao thông vận tải đường sắt đòi hỏi một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất để đảm bảo hoạt động trơn tru.

Dựa trên nghiên cứu các dự án giao thông vận tải đường sắt đã hoàn thành và đang xây dựng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Việt Nam có thể thiết lập một hệ thống quy phạm về giao thông vận tải đường sắt thống nhất để đảm bảo tính tương thích và khả năng tương tác của các tuyến đường sắt trong thành phố, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng, nâng cao hiệu quả giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Ông Yu Tao chia sẻ kinh nghiệm, trong quá trình xây dựng tàu điện ngầm ở các thành phố của Trung Quốc, việc thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật giữa nhiều đơn vị chủ thể là “chìa khóa” cốt lõi để thiết lập tiêu chuẩn. Để đảm bảo chất lượng và an toàn cho các công trình tàu điện ngầm, đơn vị thiết kế và đơn vị thi công có sự hợp tác chặt chẽ để cùng lập ra phương án thiết kế và kế hoạch thi công chi tiết.

Về tiêu chí lựa chọn tiêu chuẩn áp dụng cho đường sắt đô thị, TS Phan Hữu Lê Quốc đưa ra một số tiêu chí như: Đã được áp dụng và kiểm chứng qua nhiều dự án ở nhiều nơi trên thế giới; dễ dàng tìm kiếm thông tin, dễ dàng tiếp cận tư liệu; thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa những thực thể liên quan công tác thiết kế, tư vấn, và xây dựng; thúc đẩy việc huy động nguồn nhân lực quốc tế, đảm bảo tính toàn cầu hoá trong đội ngũ kỹ thuật khi thực thi các dự án; không có sự xung đột với hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn của Việt Nam; không có rào cản lớn về ngôn ngữ cho người sử dụng…

TS Lê Công Thành, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tảu cho rằng, cần thiết phải có tổng hợp và so sánh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) của ĐSĐT tại các nước phát triển trên thế giới và Việt Nam, từ đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đề xuất xây dựng tiêu chuẩn, QCKT, định hướng danh mục các tiêu chuẩn của hệ thống tiêu chuẩn cho ĐSĐT phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại Việt Nam, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến, đang ứng dụng phổ biến trên thế giới…

TS Nguyễn Thị Hoài An (Trường Đại học Giao thông vận tải) kiến nghị, việc áp dụng các tiêu chuẩn châu Âu và Việt Nam cần tính đến điều kiện vận hành đặc thù của nước ta như: Hệ thống luật pháp; khí hậu nhiệt đới; hạ tầng đô thị; hành vi tham gia giao thông địa phương; các loại phương tiện giao thông khác...

Từ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn này, mới xác định được công nghệ ĐSĐT nào được lựa chọn tại Việt Nam.