Cần phân quyền mạnh mẽ hơn để nhanh giải phóng mặt bằng các dự án đường sắt đô thị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chuyên gia kiến nghị cần sớm phân quyền mạnh mẽ hơn cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án đường sắt đô thị. 
Chuyên gia kiến nghị cần phân quyền mạnh mẽ hơn để nhanh giải phóng mặt bằng các dự án đường sắt đô thị

Chuyên gia kiến nghị cần phân quyền mạnh mẽ hơn để nhanh giải phóng mặt bằng các dự án đường sắt đô thị

Sáng 18/1/2024, “Hội thảo phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” bước vào phiên hội thảo 2 với chuyên đề: Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nêu rõ, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là khâu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng… Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng. Bên cạnh đó, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo của người có đất bị thu hồi.

Chuyên đề về Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là tiền đề quan trọng làm cơ sở thực hiện đối với các Dự án đường sắt đô thị, việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất kịp thời là khâu then chốt để hoàn thành dự án đúng tiến độ, tăng hiệu quả dự án đầu tư.

Chia sẻ kinh nghiệm của Hà Nội trong việc thực hiện công tác GPMB Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Đỗ Đình Phan cho biết: Xác định khâu GPMB, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm” phải được triển khai sớm, Hà Nội đã đề xuất tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt. Từ đó, GPMB đã đi trước một bước, giúp đảm bảo có mặt bằng thi công trước khi trao thầu.

Thực tế cho thấy, hoàn toàn có thể triển khai song song công tác bồi thường GPMB đối với công tác lập dự án thành phần GPMB; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần GPMB thường sẽ triển khai nhanh hơn so với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do không có yếu tố kỹ thuật phức tạp, không phải thỏa thuận với nhiều đơn vị quản lý, khối lượng công việc ít hơn… dẫn đến rút ngắn được thời gian thực hiện, việc ứng vốn từ quỹ đầu tư phát triển thành phố chi trả cho các phương án GPMB không phụ thuộc vào dự án được duyệt.

Đặc biệt, Hà Nội đã giao địa phương thực hiện nhiệm vụ GPMB hoặc chủ đầu tư dự án thành phần GPMB trên địa bàn để các địa phương chủ động và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của địa phương góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB chung của các dự án. Tạo được quỹ đất sạch trước khi trao thầu xây dựng.

Nêu loạt vướng mắc trong khâu GPMB cho các dự án đường sắt đô thị hiện nay, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Trường Đại học Việt Đức kiến nghị cần sớm thí điểm phân quyền cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được áp dụng cơ chế đóng góp và thu hồi đất, hoán đổi vị trí, chuyển nhượng quyền xây dựng tăng thêm tại các khu vực hưởng lợi từ hạ tầng đường sắt và cải tạo hạ tầng khu vực; chủ động trong điều chỉnh quy hoạch phân khu, chỉ tiêu và quy chuẩn thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế (Việt Nam chưa có); tổ chức bộ máy và cơ chế ủy quyền ưu tiên mua trước để tạo quỹ đất dự trữ, lựa chọn chủ đầu tư khai thác hiệu quả quyền xây dựng tăng thêm...

Luật sư Lê Nết, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng… nguyên nhân chậm trễ giải phóng mặt bằng không chỉ do cơ chế mà còn do con người.

Ông Nết nêu câu hỏi tại sao cùng một dự án, cùng một quy định pháp luật mà tại dự án vành đai 3, TP HCM và Long An lại làm nhanh hơn Đồng Nai nhiều. Đó là do có sự chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo. Cụ thể nhất là chỉ đạo định giá đất sát với giá thị trường.

Theo ông Nết, sự thiếu phối hợp giữa BQLDA và UBND địa phương có thể dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình thông báo thu hồi đất và quyết định thu hồi đất, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tuy nhiên BQLDA thì không thể “chỉ đạo” UBND địa phương được (vì cùng cấp) mà chỉ có thể tham mưu cho chính quyền thành phố chỉ đạo. "Hay nói cách khác, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thì dự án mới đi nhanh được", ông Nết khẳng định.

Tại phiên hội thảo, các đại biểu, chuyên gia và khách mời cũng thống nhất quan điểm, công tác GPMB đóng vai trò quan trọng, nhiều rủi ro, cần các chính sách đặc thù để tháo gỡ. Đây cũng chính là chất xúc tác giúp mô hình TOD tại các thành phố lớn được phát triển đồng bộ...