Áo dài đẹp nhất nón chuông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiếc nón vốn là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam và còn là nét đẹp duyên dáng của những thiếu nữ Hà thành. Cách Hà Nội khoảng 30km có làng nghề truyền thống làm nón lâu đời là làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai. Không ai biết làng Chuông làm nón từ bao giờ, nhưng người cao tuổi trong làng cho hay, từ nhỏ đã thấy bố mẹ làm nón bán khắp các chợ quê, tỉnh thành…

Kinh kỳ một thuở

Nón làng Chuông nổi tiếng khắp các tỉnh thành Bắc bộ xưa. Cho đến giờ, trong Nam, ngoài Bắc hay khách quốc tế đến Việt Nam đều biết đến nón Chuông. Làng Chuông cung cấp nhiều loại nón ra thị trường. Ngày xưa là nón quai thao để các bà, các cô đi lễ chùa, trảy hội xuân, hay nón lá già để người nông dân che nắng, che mưa lo chuyện đồng áng, chợ búa. Rồi có cả những loại nón cho các nữ sinh Hà thành màu trắng tinh khôi, mỏng và nhẹ. Thuở xa xưa ấy, mỗi lần đi qua trường Trưng Vương vào giờ tan học, các chàng trai không khỏi ngẩn ngơ trước hình ảnh từng tốp nữ sinh áo dài trắng, đội nón trắng làng Chuông, tóc dài đen nhánh buông hờ hững sau lưng. Họ đạp xe trên những con phố sao mà duyên dáng, nên thơ đến thế. Mùa hè đi học, cô gái nào cũng mang theo nón. Trước khi vào lớp, những chiếc nón sẽ được xếp gọn ngoài hành lang nên phải đề tên chủ nhân cho khỏi lẫn. Nhiều cô lãng mạn còn ghi thêm vài câu thơ ở trong vành.

Chiếc nón đội đầu thuở ấy không chỉ che nắng, che mưa mà còn là thời trang nên các cô chọn mua nón rất cầu kỳ. Phải là nón Chuông chính hiệu, vành tròn, lá mỏng, trắng, nhẹ, mua về thuê người quang (quét) thêm dầu cho bóng và tránh nước mưa làm thâm. Chỉ riêng chiếc quai nón thôi đã bộc lộ cá tính của mỗi chủ nhân. Người thích loại quai lụa màu sắc rực rỡ, người lại dùng gam màu nhẹ nhàng. Có cô còn cầu kỳ chọn mua vải làm quai xong còn nhờ họa sĩ vẽ sơn mài hình chim bồ câu.

Có một kỷ niệm đến giờ tôi vẫn còn nhớ là ngày sinh nhật cô giáo chủ nhiệm, nhóm học sinh chúng tôi (cả nam và nữ) đến quầy bán hoa ở góc ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay ven hồ Hoàn Kiếm mua hoa tặng cô. Vừa đúng lúc tan trường nên rất nhiều nữ sinh mặc áo dài trắng, đội nón lá đi xe đạp cũng ghé tiệm hoa. Trong lúc các cô đang mải chọn lựa những bó hoa tươi thì một nhiếp ảnh gia người Pháp tiến lại gần hỏi bằng tiếng Pháp, đại ý là xin phép chụp vài kiểu ảnh phụ nữ Việt dưới vành nón. Ít lâu sau, các cô bạn tôi nhận được những tấm hình áo dài, đội nón đang đứng trước quầy hoa. Ảnh rất đẹp và nét, được gửi qua bưu điện đến từng địa chỉ. Cả gần thế kỷ đã trôi qua mà những bức ảnh đen trắng ngày ấy vẫn được các bà bạn tôi giữ đến bây giờ, dù họ đã lên chức bà, chức cụ từ lâu.

Nón lá - biểu tượng của văn hóa, gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam bên tà áo dài thướt tha

Nón lá - biểu tượng của văn hóa, gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam bên tà áo dài thướt tha

Hồn cốt làng nghề

Hình ảnh những thiếu nữ bẽn lẽn dưới vành nón trong buổi ban đầu gặp bạn trai, tay giữ chiếc quai lụa, tà áo dài bay bay trong gió đã thành cảm hứng đi vào thi, ca, nhạc, họa. Nhiều bức ảnh bắt được khoảnh khắc nụ cười rạng rỡ của những cô gái với ánh sáng ven rõ từng sợi tóc dưới vành nón đã được giải thưởng các cuộc thi đề tài chân dung thiếu nữ Việt Nam, rồi được nhiều tạp chí nổi tiếng nước ngoài đưa lên trang bìa. Khách du lịch cũng vì thế mà đến Hà Nội không thể không mua những chiếc nón về làm quà lưu niệm. Nắm bắt được điều đó, người làng Chuông cũng nghiên cứu thị hiếu du khách để tung ra những mẫu mã đẹp, lạ mắt.

Nón truyền thống giờ tiêu thụ chậm vì chị em phụ nữ đã thay nón bằng những chiếc mũ thời trang từ lâu, nhưng không vì thế mà nón làng Chuông bị xóa sổ. Dân làng Chuông bắt đầu tìm tòi thị hiếu du khách để làm ra sản phẩm phục vụ người nước ngoài. Họ sử dụng tay nghề sẵn có của những nghệ nhân cao tuổi, rồi phối hợp với sáng tạo thẩm mỹ của thế hệ trẻ để thiết kế nên những chiếc nón quai thao, nón lụa nhiều màu, rồi đồ lưu niệm, trang trí nội thất, cảnh quan đường phố…

Cũng từ lâu, làng nón Chuông đã đi vào tầm ngắm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên. Họ đều tìm về làng để cho ra đời những tác phẩm ảnh nghệ thuật với đủ loại chủ đề như chân dung nghệ nhân làm nón, cô thôn nữ đan nón với đôi tay mềm mại, những phụ nữ trung tuổi cặm cụi khâu nón dưới hiên nhà… Vào các ngày chợ phiên, làng Chuông tấp nập, nhộn nhịp từ lúc bình minh mới hé đường chân trời. Không khí này cũng được các nhiếp ảnh gia thu gọn vào ống kính.

Chợ Chuông họp theo lịch âm, vào mùng 4 - 10 - 14 - 20 - 30 và phiên phụ vào 1 - 3 - 6 - 8 - 11 - 13. Hội chợ làng tổ chức vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, là hội chợ lớn nhất của tỉnh Hà Đông (cũ). Hội chợ Chuông là nét văn hóa đầy bản sắc của một làng nghề truyền thống. Phiên chợ không chỉ có người trong làng mà còn cả dân các làng, xã lân cận, kể cả người Hà Nội nhớ phiên chính cũng rủ nhau đi chợ nón Chuông. Chợ nằm sát đê sông Đáy, nếu đi trên đê vào sẽ bắt gặp những bãi cỏ bạt ngàn lá nón được phơi như những bức thảm dài hàng trăm mét. Lá cọ - nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm nón Chuông được nhập từ Phú Thọ bằng đường bộ hoặc bằng thuyền trên sông Đáy.

Khách đi chợ Chuông được tham quan, mua những chiếc nón đẹp và chỉ cần ngồi uống chén chè tươi ở quán ven đường sẽ có những phụ nữ đội trên chồng nón cao ngất đến mời chào. Những quầy hàng bán bạt ngàn các loại nón xếp cao bằng đầu người, rồi cả những quầy bán dụng cụ khuôn nón, vành nón, các loại chỉ khâu bằng nilon, kim khâu chuyên dụng. Đến chợ Chuông vào đúng ngày họp phiên sẽ có cảm giác đang quay lại thế kỷ trước với không khí chợ quê của một vùng Bắc bộ trù phú.