Ảnh báo chí Việt Nam: Bao năm vẫn cứ "hiền lành"!

ANTD.VN - Khi đem so sánh ảnh báo chí Việt Nam và ảnh báo chí thế giới, có một điều dễ dàng nhận ra là ảnh báo chí của ta còn quá “hiền lành”; sự gai góc, cá tính nhất có lẽ chỉ thuộc về những bức ảnh chủ đề thiên tai, bão lũ. Trong khi đó, ảnh báo chí thế giới lại rất biết tận dụng những khuôn hình “đánh” thẳng vào thị giác của người xem, được khai thác từ chính cuộc sống của com người…

Ảnh báo chí Việt Nam: Bao năm vẫn cứ "hiền lành"! ảnh 1Ảnh báo chí Việt Nam có nhiều bức ảnh về lũ lụt nhưng lại thiếu những khuôn hình ấn tượng trong đời sống hàng ngày của người dân

Không có những khoảnh khắc “vàng”

Hẳn nhiều người còn nhớ, Triển lãm “Ảnh báo chí thế giới” diễn ra năm 2018 tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã thu hút lượng lớn người xem tới thưởng thức các bức ảnh báo chí thế giới. Cũng tại triển lãm lần này, người xem đã có dịp so sánh về cách chụp, ý tưởng của các tay máy Việt Nam so với thế giới. Và đương nhiên, nếu so sánh với ảnh báo chí thế giới, các bức ảnh báo chí Việt Nam lại dường như tròn trịa hơn hẳn. Không phủ nhận điều này, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, về nghề nghiệp, các tay máy quốc tế đã làm tốt. Kỹ năng tác nghiệp của họ nhanh khủng khiếp, các sự kiện “nóng” diễn ra bao giờ cũng có ảnh ghi lại. Rõ ràng, họ hơn hẳn các nhà nhiếp ảnh Việt Nam phần lớn hiện nay chỉ quan tâm tới bão lũ, thiên tai, môi trường. Còn những cái khác, có thể là phóng viên ảnh chưa chụp được hoặc một vì lý do nào đó mà họ chưa nhìn ra.

Để nói rõ hơn về nhận định  này, ông Vũ Quốc Khánh lấy ví dụ về bộ ảnh người mẹ “điên” - chị Mùi ở bãi giữa sông Hồng, từng được một sinh viên khoa Nhiếp ảnh trường Đại học San Francisco, Mỹ tái hiện. Bộ ảnh đã được giải quốc tế nhưng đó không phải là nhân vật điển hình cho toàn bộ xã hội hiện nay. Vẫn còn đó những gương người tốt - việc tốt cần được khai thác. Đúng hơn, ảnh báo chí quốc tế phần lớn phản ánh mặt tiêu cực nhiều hơn tích cực. Đây cũng là điểm mạnh của ảnh báo chí thế giới. Trong khi đó, ảnh báo chí Việt Nam lại có phần nuột nà hơn, với những khuôn hình ca ngợi cuộc sống và phản ánh một cách trung bình về sự kiện, không nhiều những khoảnh khắc “vàng” được chớp lấy trong một chuỗi các sự kiện diễn ra. 

Ảnh báo chí Việt Nam: Bao năm vẫn cứ "hiền lành"! ảnh 2Bức ảnh đoạt giải thưởng Ảnh Báo chí thế giới lần thứ 61 (World Press Photo 2017)

Thay đổi kỹ năng tác nghiệp

Ngay với Triển lãm ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” được tổ chức thường niên, điểm yếu của ánh báo chí Việt Nam cũng được bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết. Dù chủ đề của cuộc thi là tôn vinh những khoảnh khắc “một đi không trở lại” trong nhiếp ảnh, nhưng các bức ảnh được tuyển chọn trong hàng nghìn các bức ảnh khác vẫn cho thấy một cái nhìn bình lặng, ít biến đổi trong tư duy và cách tác nghiệp. Cụ thể, những hình ảnh biết nói, thậm chí dữ dội trong ảnh còn chưa nhiều, các bộ ảnh dường như mới chỉ ghi lại đơn thuần các sự kiện diễn ra, còn sức mạnh của ảnh về khoảnh khắc, về ánh sáng không được khai thác triệt để…. Do vậy, nhìn toàn cảnh thì Triển lãm ảnh “Khoảnh khắc vàng” chưa mang lại cho người xem cảm giác đã mắt, sự thỏa mãn về cảm xúc, những day dứt, rung động trước các khuôn hình của ánh sáng.

Để nâng tầm ảnh hưởng và sức mạnh của các bức ảnh báo chí Việt Nam, khâu cần điều chỉnh lớn nhất chính là phóng viên ảnh. Trong đó, kỹ năng làm nghề cần nhanh nhạy và tức thời hơn. Đồng thời tư duy làm nghề cũng cần thay đổi sao cho gần gũi với đời sống của người dân hơn nữa. Những bức ảnh về thiên tai, bão lũ đã rất tốt rồi nhưng cần phải tốt hơn thế. Cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ, những bức ảnh không chỉ đóng khung về “đường đi của các cơn bão” mà nên mở rộng ra những hình ảnh chân thật và gần gũi, ấm áp hơn.

Ông Vũ Quốc Khánh, cho rằng, điểm mạnh của ảnh báo chí Việt là tính nhân văn, phải giữ cho được. Cuộc sống còn nhiều cái đáng để tôn vinh. Dù sao đây cũng là một lĩnh vực nhạy cảm, tác động tới xã hội rất nhanh và mạnh. Do vậy, ngay ở khâu lựa chọn đề tài đã rất cần sự chỉn chu. 

“Điểm mạnh của ảnh báo chí Việt là tính nhân văn, phải giữ cho kỳ được. Cuộc sống còn nhiều cái đáng để tôn vinh. Dù sao đây cũng là một lĩnh vực nhạy cảm, tác động tới xã hội rất nhanh và mạnh. Do vậy, ngay ở khâu lựa chọn đề tài đã rất cần sự chỉn chu”.

Ông Vũ Quốc Khánh (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam)