An toàn cho học sinh phải đặt lên hàng đầu

ANTĐ - Đây là chia sẻ của một trong những hiệu trưởng có nhiều kinh nghiệm quản lý của Hà Nội, bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THPT Minh Khai, Từ Liêm: “Đầu tiên là học sinh phải được an toàn, tiếp theo là phải có nền nếp, kỷ cương. Có làm tốt công tác giáo dục đạo đức thì việc học hành sẽ hiệu quả”…

Một buổi hoạt động ngoại khóa về an toàn giao thông của học sinh Thủ đô

Đầu tư mạnh cho ngoại khóa

Không nặng quan điểm học nhồi nhét, đặc biệt là với đối tượng học sinh THPT, chuẩn bị đối mặt với những kỳ thi mang tính quyết định như thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH… bà Vũ Thị Phương Anh cho biết, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai luôn xác định vấn đề quan trọng là an toàn và nề nếp đối với hàng nghìn học sinh hàng ngày học tập ở trường. Tuy nhiên, việc triển khai không dễ khi đối tượng là học sinh THPT, luôn có khuynh hướng muốn khẳng định mình và phản ứng với những gì cho là lý thuyết suông, giáo điều. 

Một con đường tiếp cận nhanh nhất tới suy nghĩ và hành động của học sinh là xây dựng những chuyên đề giáo dục đạo đức có sự chủ động tham gia của cả thầy và trò. “Ở trường tôi, tất cả các lực lượng đều phải vào cuộc. Nếu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên Giáo dục công dân làm nhiệm vụ chính trong việc tuyên truyền, thì những giáo viên khác cũng phải tham gia. Mỗi tổ bộ môn phải báo cáo và thực hiện hai chuyên đề giáo dục đạo đức cho học sinh trong năm học và báo cáo ngay từ đầu năm học để tránh chồng chéo” – bà Vũ Thị Phương Anh cho biết. Các chuyên đề như “khi tôi 18”, “Viết về cảm nghĩ của em về cha mẹ, nhà trường”, “Mái trường tôi yêu”… đều có được những bài viết hay, chân thật từ các em học sinh. Trong đó, các em phản ánh được những mảng sáng, tối trong trường học. Chuyên đề về sức khỏe sinh sản học sinh còn được lựa chọn là đơn vị làm mẫu cho toàn thành phố. 

Không thể “trăm sự nhờ thầy cô”

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên,  Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện tượng học sinh đua đòi, ăn mặc không phù  hợp, nói tục, chửi bậy, đánh nhau, thậm chí gây án mạng… vẫn xảy ra. Ngành giáo dục cũng không thể không biết đến những trường hợp đáng tiếc như câu kết xã hội đen bên ngoài gây sự với học sinh trong trường hoặc trường khác, đặc biệt là vấn đề quan hệ nam – nữ, quay clip đưa lên mạng…

Nhằm hạn chế tai nạn thương tích cũng như tiêu cực phát sinh từ việc lạm dụng điện thoại trong trường học, Hà Nội đã triển khai khá thành công mô hình đảm  bảo an toàn giao thông và sử dụng điện thoại đúng mục đích, quy định. “Thành công sau 2 năm thí điểm và triển khai tới tất cả các trường thuộc 4 quận nội thành trong năm qua đều rất cần có sự phối hợp của phụ huynh. Ngoài việc ký cam kết bằng văn bản, phụ huynh phải thực sự hiểu rõ mục đích và thay đổi cả về quan điểm, nhận thức của bản thân khi dứt khoát không đưa xe máy cho con em mình đi học khi chưa đủ điều kiện” – ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết. Tuy nhiên, ngay cả trong vấn đề này không phải phụ huynh nào cũng có thái độ hợp tác. “Nhiều vị vẫn giao xe cho con tham gia giao thông với đủ mọi lý do khác nhau. Kết quả là năm 2012 có 157 học sinh vi phạm giao thông được CSGT, CATP thống kê, gửi về nhà trường để xử lý kỷ luật. Năm 2013 vẫn còn 102 trường hợp. Có thể nói đây là tình trạng rất khó giải quyết triệt để nhưng ngành giáo dục vẫn kiên trì áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu hiện tượng học sinh vi phạm an toàn giao thông” – ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết.

Với cái gốc là đạo đức để tránh những hành vi tiêu cực trong và ngoài nhà trường, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hiệp Thống khẳng định: “Hiện nay, giáo dục đạo đức chưa được chú trọng như kỳ vọng và vẫn cần được quan tâm hơn”.