Ăn nơi phố cổ

ANTĐ - Nhận được tin nhắn mời gặp mặt ở một nhà hàng cơm trên phố Hàng Hòm thấy ngần ngại quá. 

Ăn nơi phố cổ ảnh 1

Thiếu gì nơi ăn tiện lợi mọi bề không đến lại rúc đầu vào chỗ đất chật người đông ấy. Loay hoay tiến, lui chán chê tôi mới tìm được chỗ gửi xe là một trường học. Buổi tối trường vắng vẻ nên tranh thủ cho xe ô tô tá túc kiếm chút kinh phí. Âu cũng tiện lợi cho cả hai.

Nhà hàng có biển đề cơm phố cổ hẳn hoi. Tôi ngờ rằng đó là mốt thịnh hành dạo này ở Hà Nội. Có không ít nhà hàng kiểu này và họ trương biển cơm phố cổ một cách đầy tự tin.

Nhà hàng cơm tôi được mời đến dự có hai tầng chỉ xếp được mươi bàn ăn. Cơm kiểu gia đình truyền thống có các món thịt gà, canh cua, nem rán, đĩa rau bắp cải luộc chấm xì dầu dằm trứng vịt, đậu rán tẩm hành, chả rươi và mực xào, dưa, cà và cơm đựng trong liễn.

Thú thật là dân nhậu, tôi ngán ngẩm với các món dùng để ăn với cơm này trừ chả rươi và mực xào. Tôi ăn uống cho phải phép. Chỉ khi mấy khách mời tấm tắc khen ngon đầy xúc động thì tôi mới thay đổi quan điểm. Hóa ra họ từ Sài Gòn ra và từ nước ngoài về và họ chính là dân phố cổ gốc. Thảo nào.

Người xa xứ giờ được trở về quê cha đất tổ, được ăn những món ăn xưa làm gì chả thích, chả xúc động. Tôi lặng lẽ quan sát những vật dụng của bữa cơm như mâm, bát, đũa, cách bài trí phòng ăn, bàn ăn. Không thật chuẩn kiểu bài trí gia đình truyền thống Hà Nội nhưng nó gợi được cái không khí bảng lảng, chậm rãi của một bữa ăn hoài cổ. Nhất là món tráng miệng chè hạt sen, long nhãn, nước xanh ngọt dịu. Quá hấp dẫn, quá Hà Nội. 

Có lẽ chẳng mấy phố cổ giờ thiếu những quán ăn như quán tôi vừa kể. Bên cạnh những nhà hàng truyền thống lâu năm như chả cá Lã Vọng, chả cả Thăng Long, cơm tám giò chả phố Huế, chim quay Tạ Hiện… là một loạt nhà hàng xinh xắn nho nhỏ bán cơm với các món đặc trưng cỗ bàn Hà Nội. Bánh chưng xanh ngày Tết giờ có mặt thường nhật chả thiếu ngày nào.

Giò chả thì khỏi bàn. Những hàng giò chả thương hiệu như Quốc Hương phố Hàng Bông vẫn hút khách. Các món thuộc về đặc sản dạo nào như thịt quay Hàng Buồm vẫn được duy trì. Lại nhớ hàng thịt quay luôn phải xếp hàng quanh năm suốt tháng này. Dạo hết chiến tranh từ chiến trường miền Nam ra, mấy thằng lính chiến bọn tôi người xanh mướt vì sốt rét vì đói ăn kham khổ sau khi mang ba lô về nhà trình diện bố mẹ, gia đình xong, ngay lập tức tụ tập tại hàng thịt quay Hàng Buồm (phố này có tận mấy hàng).

Chúng tôi thửa nguyên con ngỗng nóng hổi và cả tảng thịt mông thêm ít thịt dọi quay rồi phi xuống Cổ Tân. Hàng mét vuông bia sau mấy lượt xếp hàng được bày uy nghiêm như những người lính trong hàng ngũ trên vỉa hè. Cổ Tân là quán bia hơi có lẽ nổi tiếng nhất Hà Nội dạo đó vì bia ngon và không bị bán kèm. Khách mua phải xếp hàng. Sau khi trả tiền được cô mậu dịch viên chuyển cho những đồng xèng chạy di động trên sợi dây thép căng dọc. Mỗi đồng xèng là một vại bia 3 hào.

Chắc chắn đây là mô hình xếp hàng tiên tiến và công bằng nhất không thể có kẻ chen ngang tranh lượt. Bia đã tập kết, cánh lính mở bọc giấy báo gói thịt quay giờ đã thấm mỡ loang lổ chỉ nhìn, nước miếng đã tứa bủm chân răng. Bữa tiệc lại thành (về lại thành phố) với sự hưởng thụ của cảm giác sung sướng tột cùng là một bữa ăn chẳng thể nào quên đối với những người lính may mắn yên lành trở về.

Bây giờ thì thịt quay, giò chả và những món ăn giàu chất đạm, chất béo lại là nỗi sợ là sự kiêng khem của rất, rất nhiều người. Cuộc sống người Hà Nội đi lên, kinh tế khá giả lại tương đồng với sự trở về với những món ăn truyền thống. Trong phố cổ, bạn có thể tìm bất kỳ ở phố nào, thậm chí là trong những con ngõ, những ngách nhỏ các món ăn dân giã có từ rất lâu. Đậu rán mắm tôm hiện là món khoái khẩu của cư dân Hà Nội.

Đậu mơ xắt vừa phải, rán giòn hoặc “lướt ván” tùy khẩu vị từng người. Mắm tôm được chưng qua hoặc rưới dầu ăn nóng, chanh ớt, rau thơm. Có thể thêm ít chả, nem rán hoặc thịt luộc, lòng lợn. Tất cả được bày trên đĩa nhưng cũng có một số cửa hàng bày biện trên chiếc mẹt đan bằng tre, nứa rất bắt mắt.

Bữa ăn mộc mạc nhưng ngon vô cùng. Nó vừa là bữa ăn chính đồng thời cũng là bữa quà trưa chiều dù từ lâu quan niệm quà chỉ thích ứng với những món ăn sáng như phở, bún, bánh cuốn…Ngoài đậu thì những món khác như các loại nem, chả cua bể, các chủng gà, ngan, ngỗng, vịt với măng với miến, cháo, phở len lỏi khắp các ngách cùng ngõ hẻm phục vụ nhu cầu ẩm thực.

Cuộc sống hiện đại, người dân phố cổ cũng như tất cả cư dân Hà Nội chấp nhận kinh tế thị trường và thứ văn hóa ẩm thực thời thượng. Bên cạnh những nhà hàng sang trọng bán đủ đồ ăn cao cấp của thế giới và trong nước thì có rất nhiều những hiệu ăn bình dân bán thập cẩm món ăn. Có không ít nhà hàng cà phê, giải khát truyền thống đã chấp nhận chia sẻ bán những món ăn công chức như cơm đĩa, những món ăn nhanh.

Cũng phải nói ngay ăn kiểu này đa số là dân văn phòng. Tôi biết không ít bạn bè có thói quen ăn sáng muộn. Họ tìm đến những quán cà phê quen và gọi đồ ăn sáng một cách cầu kỳ. Bữa trưa cũng vậy với một số người. Người Hà Nội là vậy, đồ ăn thức uống bao giờ cũng rất cầu kỳ nhưng không hề diệu vợi. Giá đồ ăn trong phố cổ cao hơn hẳn những vùng ven và khu đô thị mới. Hình như người phố cổ có thị trường ẩm thực của riêng mình.

Bia hơi là thứ thức uống kèm với cách nhậu của người Hà Nội vẫn bao năm nay xâm nhập nội thành. Mạn Phùng Hưng, Hàng Vải, Lãn Ông…tồn tại những quán bia kinh điển. Gọi là kinh điển vì chúng có từ rất lâu rồi cũng với chỉ tưng ấy món ăn cũ kỹ. Khu phố cổ trung tâm với những phố đi bộ cuối tuần như Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ ngoài cái sự chơi thì đó cũng là phố ẩm thực dành cho cả khách du lịch nước ngoài. 

Phố cổ nói không ngoa là một thị trường ẩm thực đa dạng nhưng vẫn rất đặc trưng Hà Nội. Những quán ăn phố cổ kiểu như quán ăn phố Hàng Hòm tôi kể ở trên là những dẫn chứng sống động cho một nét rất riêng về thưởng thức  về cách ăn của người Hà Nội. Đó là sự giữ gìn bản sắc của ẩm thực truyền thống. Liệu có phải nhờ thế mà Hà Nội dù du nhập quá nhiều thứ bên ngoài của thời hiện đại, dù vật đổi sao dời với bao biến thiên thay đổi thì vẫn là một Hà Nội kinh kỳ truyền thống.