Ăn lưu động “mùa… Covid-19”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vậy thì chẳng có cách nào để bạn ăn ngon nếu không tự nấu lấy, hoặc chờ cho hết giãn cách để được ra phố ăn gì tùy thích. Dịch kéo dài hay không đều do ý thức từng người, tạm thời ăn để sống, sống phải ăn, ăn cả thành phố trong thời của các “shipper” và giữ gìn để không là F0, F1, F2… Vậy đã!
Dịch Covid-19 kéo dài hay không đều do ý thức từng người, tạm thời ăn để sống, sống phải ăn, ăn cả thành phố trong thời của các “shipper”

Dịch Covid-19 kéo dài hay không đều do ý thức từng người, tạm thời ăn để sống, sống phải ăn, ăn cả thành phố trong thời của các “shipper”

Giãn cách. Phong tỏa. Cách ly. Loa phường ngày mấy bận đọc khuyến nghị nên ở nhà. Cứ thế, mãi từ sau Tết Nguyên đán đến giờ. Cái năm Covid-19 thứ hai, lần thứ tư này. Nhưng tất nhiên là phải thế, chẳng ai có lý do để phàn nàn việc giãn cách. Một khi dịch bệnh đang tiếp diễn, thì cần nhất với người dân là tuân thủ các quy định mà chính quyền đưa ra.

Ừ thì, ở nhà! Yêu nước là ở trong nhà. Ai ở đâu thì cứ ở nguyên đó, chẳng biết nguồn lây, đâm ra cũng không biết ai F0, F1, F2…, nhỡ đâu lại là mình nếu cứ đi lung tung. Điều này đến trẻ con cũng biết. Trừ mấy anh chị không rõ có vấn đề gì về suy nghĩ mà trốn để khỏi đi cách ly (rồi cũng không trốn được), nói chung chúng ta vui vẻ ở nhà!

Nhưng ở nhà, sau khi nghĩ một cách hết sức tích cực rằng, chẳng mấy khi có cơ hội được nghỉ ngơi, thư giãn, có thời gian sắp xếp nhà cửa, lau chùi quét dọn, thăm hỏi người thân (tất nhiên qua điện thoại, Facebook, Zalo…) mà lâu nay quên mất chưa hỏi thăm. Chẳng mấy khi được nằm khểnh xem phim, đọc sách, trồng cây, học gì đó, tập gì đó… Thì mới chừng 1/3 thời gian giãn cách thôi, dường như đa số chúng ta nhận ra rằng, mình không đủ nghị lực để làm tất cả những điều tử tế mà mình nghĩ khi rảnh rỗi sẽ làm. Rảnh quá sinh buồn. Có lẽ một tỷ lệ rất cao chúng ta mỗi khi buồn thường hay nghĩ đến chuyện ăn. Nghĩ đến chuyện ăn lúc rảnh, là nghĩ đến chuyện ăn cho ngon. Chứ ăn cho no, thì quá dễ. Người nghèo nhất cũng có mỳ tôm cứu trợ hoặc tinh bột từ cây ATM gạo.

Ăn rõ ràng thì là chuyện không thể đừng, ngay cả khi không buồn và không rảnh. Nhưng ăn lúc buồn và lúc rảnh đúng là cả một vấn đề. Bình thường chẳng có gì để nói. Quà sáng. Cơm trưa. Quà chiều. Bữa tối… Nếu không có dịch Covid-19 thì khắp nơi đều sẵn. Phong phú. Ngon lành. Còn giờ thì không được ngồi lê - la - vạ - vật quán cà phê, không được ăn tại quán ăn, kể cả quán ăn có lắp tấm kính ngăn cách trên mỗi bàn cũng không được. Thật là buồn chất lên buồn đối với dân thành thị.

Rất nhiều ngành nghề đối diện với nguy cơ thất nghiệp “mùa… Covid-19” thì các “shipper” trở thành một bộ phận tất yếu không thể thiếu của xã hội

Rất nhiều ngành nghề đối diện với nguy cơ thất nghiệp “mùa… Covid-19” thì các “shipper” trở thành một bộ phận tất yếu không thể thiếu của xã hội

Thời kỳ đầu giãn cách, rất nhiều anh chị học nấu ăn trên YouTube. Nào bánh cuốn làm từ bánh tráng gói nem, nào trứng muối, trứng ngâm xì dầu, nào muối dưa, kho thịt…, tưng bừng một thời gian. Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng trong sự đổ vỡ của nhiều gia đình mà theo báo chí toàn cầu, tỷ lệ ly hôn tăng vọt thời kỳ đại dịch. “Ly hôn Corona” thành hẳn một tên gọi. Nói thật, hàng ngày đối diện nhau, với những món ăn nấu lên không thể gọi tên, thì ly hôn cũng chẳng phải điều gì đáng ngạc nhiên.

“Thời kỳ mà “nghề” giao hàng trở nên thống soái, trong khi nhân lực ở rất nhiều ngành nghề đối diện với nguy cơ thất nghiệp, thì các “shipper” trở thành một bộ phận tất yếu không thể thiếu của xã hội. Một tay cầm ghi đông xe, một tay cầm điện thoại, thùng hàng to tướng đằng sau, vô vàn túi treo đằng trước, lao vù vù trên phố (cũng may mùa Covid-19 đường không đông). Mỗi “shipper” là cả một cửa hàng tổng hợp những món ăn lưu động…”.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Thế là việc nấu ăn học theo YouTube gần đây có lắng xuống. Cũng may! Giờ người ta trông cậy vào việc gọi đồ ăn. Các quán ăn chỉ bán đem về. Những quán có tiếng, “shipper” (người giao hàng) đứng đông trước cửa. “App” (ứng dụng) đủ kiểu cài đầy “smart phone” (điện thoại thông minh), hàng chục ứng dụng gọi đồ ăn nhanh. Bạn đang ở đâu? Bạn muốn ăn gì? Cơm - bún - phở - cháo - mỳ, món Âu - món Tàu - món Ấn...

Nhà hàng nổi tiếng hay nhà hàng bình dân? Bạn muốn món ăn trong khoảng giá nào? Có sẵn vô số chọn lựa. Mất một thời gian ngắn, vài chục phút đến hơn tiếng. Thế là món ăn đến tận nơi, kể cả nhà bạn trong ngõ ngách. Phở xào Bát Đàn mang đến chân cầu Mai Động vẫn còn nóng bỏng, đại loại thế. Bánh cuốn Bà Hoành, cơm sườn Đào Duy Từ, bún chả Mai Hắc Đế..., hàng nghìn món với hàng trăm nơi bán. Chỉ việc vào “app” mà tìm và gọi. Ảnh chụp đẹp đẽ, giá cả rõ ràng, thật đúng là trăm bề tiện lợi. Cứ việc ăn cả thành phố, nếu muốn!

Và thế là thời kỳ mà “nghề” giao hàng trở nên thống soái, trong khi nhân lực ở rất nhiều ngành nghề đối diện với nguy cơ thất nghiệp, thì các “shipper” trở thành một bộ phận tất yếu không thể thiếu của xã hội. Một tay cầm ghi đông xe, một tay cầm điện thoại, thùng hàng to tướng đằng sau, vô vàn túi treo đằng trước, lao vù vù trên phố (cũng may mùa Covid-19 đường không đông). Mỗi “shipper” là cả một cửa hàng tổng hợp những món ăn lưu động. Hệ thống phân phối thực phẩm chế biến rất linh động ở khâu cuối cùng. Hệ thống ấy cực kỳ đáng khen. Chỉ có điều, nó không mang tính chất quyết định với sự ngon hay dở của món ăn.

Rồi một số đông kêu lên rằng, gọi từ quán về nhà, ăn không giống như ở quán. Món ăn kém ngon nhiều lắm. Giống như ngồi sai chỗ, ăn sai món. Thì mua bán online nó thế. Mua một cái quần dài về hóa ra quần ngố, không giống như hình là chuyện thường tình. “Giống như hình” lâu nay là một cam kết bất thành văn của dân bán hàng online, mà hình đẹp cũng nhờ “app”, chẳng bắt bẻ được.

Hôm qua đến nửa trang cá nhân của tôi bạn bè thay “avatar” (hình đại diện) bởi một “app” khiến mặt bạn đang yên lành tự dưng trông như mỹ nữ - mỹ nam Hàn Quốc. Chụp món ăn hay món gì cũng thế thôi, là bạn mà không phải bạn, là nó mà không phải nó. Món ăn không phải cái quần, chẳng ai gọi món ăn rồi trả lại, kể cả quần mua rồi cũng không trả lại được nữa là. Ngon hay không phụ thuộc vào tâm người bán, thiếu đi cái không khí ở quán đã làm một món ăn kém ngon đi nhiều.

Vậy thì chẳng có cách nào để bạn ăn ngon nếu không tự nấu lấy, hoặc chờ cho hết giãn cách để được ra phố ăn gì tùy thích. Dịch kéo dài hay không đều do ý thức từng người, tạm thời ăn để sống, sống phải ăn, ăn cả thành phố trong thời của các “shipper” và giữ gìn để không là F0, F1, F2… Vậy đã!