Ẩm thực ở làng cổ Đường Lâm: Các món ăn thơm ngon, hấp dẫn thực khách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sức hấp dẫn của làng cổ Đường Lâm đối với du khách đến từ tài nguyên du lịch, vị trí, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào. Đặc biệt ẩm thực địa phương với các món ăn mang đặc trưng riêng đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng du khách.

Thống kế của phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây cho thấy, các món ăn được du khách yêu thích khi đến với làng cổ Đường Lâm là kẹo các loại (lạc, dồi, vừng), bánh tẻ, chè lam, chè kho, bánh gai, tương nếp, thịt lợn quay đòn, trứng gà Mía. Các món ăn hay các sản phẩm bánh kẹo đều thể hiện sự sáng tạo, khéo léo của người dân Đường Lâm. Đó là sự kế nghiệp gia truyền, không du nhập hay áp dụng từ các địa phương khác, tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu, gia vị, các vật liệu phụ kèm, đến cách thao tác, bày biện. Như để có món thịt lợn quay đòn thơm ngon, quy trình lựa chọn, chế biến khá công phu, đòi hỏi người đầu bếp phải có kinh nghiệm và phương pháp gia truyền thì chất lượng sản phẩm mới đảm bảo. Đầu bếp sẽ lựa miếng thịt ngon nhất của con lợn, sau đó dúng lá ổi, pha chế gia vị, sắp xếp lò quay cùng nhiên liệu (than hoa). Các nấc thang giảm nhiệt dần khi thời gian quay thịt sắp xong (phải thực hiện trong 6 tiếng). Hiện tại, ở thôn Mông Phụ cũng chỉ có 2 – 3 hộ sản xuất, thôn Đông Sàng có 1 – 2 hộ nhưng duy nhất ở hai thôn này có 1 hộ duy trì sản xuất đều đặn và sản phẩm này luôn được du khách, nhân dân trong làng cổ cũng như các địa phương khác ưa chuộng (hộ ông Kiều Văn Lương, xóm Phủ, thôn Đông Sàng).

Làng cổ Đường Lâm nổi tiếng với nghề làm tương bần

Làng cổ Đường Lâm nổi tiếng với nghề làm tương bần

Ngoài thịt quay đòn và gà Mía, trong mâm cơm đãi thực khách còn có các món khác như chả nướng xiên lỗ, nem rán, đậu phụ rán. Trong 3 món này thì món đậu phụ rán có cách chế biến đơn giản hơn, còn 2 món chả nướng và nem cũng đòi hỏi kỳ công và thận trọng thì mới đạt chất lượng cao. Ba món này cũng được khách nước ngoài ưa chuộng, đặc biệt là nem rán. Thịt nướng chắc chắn phải có mùi thơm của nước từ củ hành khô hay mùi lá cây mắc mật. Loại thịt dùng để nướng cũng phải chọn chỗ không nạc quá, không mỡ quá, ăn kèm với đó là nước chấm pha có thêm gia vị (để không mặn chát) và dưa góp. Các món ăn trên (trừ gà Mía hấp) phải được dùng lúc vừa chín tới (ăn nóng), riêng gà Mía luộc phải ăn lúc thịt gà đã nguội.

Các món ăn ẩm thực ở làng cổ Đường Lâm vẫn thường thiên về các phương pháp thủ công truyền thống. Mặc dù ngày nay, một số hộ cũng đã thực hiện các quy trình cơ giới hóa dây chuyền máy móc. Tuy nhiên, có những sản phẩm bắt buộc vẫn phải dùng phương pháp thủ công như cách thức nấu kẹo dồi đòi hỏi phải tập trung và độ chính xác cao, nếu không sẽ bị tổn thất và không cho ra được sản phẩm như ý. Ướp thịt quay đòn cũng vậy. Các loại gia vị được pha chế phù hợp cũng như thời gian tẩm ướp, quay thịt, hay quá trình nghiền bột, cho các chất phụ gia vào bột để nấu được mẻ chè lam như ý, vừa dẻo, thơm, không ngọt quá để chiều lòng thực khách. Ngoài ra còn có món bánh gai. Các nghệ nhận cũng luôn chú ý đến cách lọc nước lá gai, lèn bột, trộn, xào nhân bánh đến quá trình hấp, vớt bánh ra. Bánh gai ở Đường Lâm không thua kém về chất lượng so với bánh Ninh Giang ở Hải Dương hay những vùng khác đã có thương hiệu. Theo thống kê, tỷ lệ tiêu thụ bánh gai hay thịt quay đòn ngay tại chợ Mía cũng rất cao.

Chè Lam ngon nức tiếng của làng cổ Đường Lâm

Chè Lam ngon nức tiếng của làng cổ Đường Lâm

Nhu cầu thưởng thức du lịch và các sản phẩm du lịch thời nay ngày càng được củng cố và nâng cao hơn. Du khách không chỉ biết sử dụng các sản phẩm đã hoàn chỉnh mà còn có nhu cầu muốn xem quá trình làm ra các sản phẩm, từ việc chọn nguyên liệu, các dụng cụ được sử dụng để chế biến, lộ trình thời gian, cách thưởng thức, đồ gói, pha chế. Đáp ứng nhu cầu này của du khách, tại Đường Lâm đã đưa vào khai thác theo các tour du lịch trải nghiệm bao gồm làm kẹo các loại (kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi), gần đây là kẹo hạt bí, gạo lứt; làm bánh gai, chè lam. Hình thức này thu hút sự tham gia của cả khách trong nước và quốc tế. Ngoài các sản phẩm trên thì loại hình thu hái nông sản, rau củ, đi chợ Mía cũng được các tour du lịch xây dựng như: các em học sinh THCS tham gia thu hoạch và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp thu hái từ đồng ruộng, mang về các nhà hàng trong làng cổ để chế biến và thưởng thức. Tour du lịch này cũng hấp dẫn các du khách quốc tế và việc chế biến ẩm thực cũng được thể hiện thông qua các món ăn do chính tay du khách thực hiện như đi chợ Mía từ sáng sớm, mua thực phẩm về làm một số món ăn, trong đó có món nem rán (đặc biệt hấp dẫn khách nước ngoài), hay các món cỗ cổ truyền khác…

Sau sự kiện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010), du lịch ở Làng cổ Đường Lâm phát triển rất nhanh, lượng khách cũng đa dạng hơn, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm du lịch và dịch vụ cũng tăng theo, các hộ chuyển đổi nghề nông sang làm du lịch cũng ra đời nhiều hơn, cả hộ trực tiếp và hộ gián tiếp, có cả nhà cổ và nhà truyền thống. Điều đó nói lên rằng, làng cổ Đường Lâm không chỉ có nhiều giá trị văn hóa lịch sử quý báu này mà còn có một khối lượng giá trị văn hóa ẩm thực đa dạng, giá trị. Đó là hai lực hút lớn luôn chinh phục du khách. Nhưng để cho các giá trị ẩm thực đó được bảo tồn, phát triển một cách khoa học, bền vững và ngày càng thu được những kết quả cao, cần có rất nhiều giải pháo và kết hợp thực hiện giữa nhiều bộ phận. Đó là: nhân dân địa phương, Nhà nước, nhà khoa học, truyền thông quảng bá, sự giao lưu, học tập, trao đổi, trong đó có yếu tố nổi bật nữa là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế cận.

Cụ thể, chính quyền cần tuyền truyền, vận động nhân dân chủ động xây dựng, tìm tòi, tạo ra các sản phẩm mới trên cơ sở bảo tồn, giữ gìn và phát huy các sản phẩm đã có tại làng mình. Đồng thời quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường an toàn, đảm bảo chất lượng, mẫu mã, hình thức phù hợp với thị hiếu của du khách, xây dựng các quy trình để lựa chọn một số sản phẩm xin phép Nhà nước cấp thương hiệu bản quyền. Bên cạnh đó còn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực (nhất là nhân lực chất lượng cao) trong việc bảo tồn, duy trì các sản phẩm ẩm thực tại di tích Làng cổ Đường Lâm như tôn vinh đề xuất phong tặng danh hiệu nghệ nhân; tổ chức các chuyên đề, nội dung phù hợp để truyền đạt cho nhân dân như: nguyên liệu, vỏ hộp, túi đựng, kỹ năng giới thiệu, trưng bày, trang trí, kỹ năng đánh giá phản hồi ý kiến của du khách. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị ẩm thực tại Làng cổ ở Đường Lâm cũng rất cần sự giúp đỡ, tư vấn về các mặt của các cơ quan, tổ chức ở trong nước và quốc tế; sự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và khơi dậy sự sáng tạo của mỗi nghệ nhân và nhân dân cần phải được đề cao…