Alo, CAP Thành Công xin nghe!

ANTĐ - Nếu bạn là một người dân gọi điện thoại đến CAP để giải quyết công việc, đầu dây bên kia bạn sẽ nghe được tiếng trả lời từ các chiến sĩ công an: “Alo, Công an phường Thành Công xin nghe”. Cảm giác của bạn đọc thế nào khi nhận được hồi đáp qua điện thoại như vậy? Chắc hẳn là rất dễ chịu. Điều tôi muốn nói trong bài viết này là: Từ chỉ huy cho đến CBCS Công an phường Thành Công đã và đang làm tất cả để xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an trong mắt người dân, kể cả làm những việc nhỏ nhất phục vụ nhân dân, dù việc làm đó chỉ là cách trả lời điện thoại…

“Hãy làm việc bất cứ việc gì, dù là nhỏ nhất để phục vụ nhân dân hàng ngày”

Tôi đến CAP Thành Công vào đúng lúc đồng chí Trưởng CAP đang hỏi chuyện một đồng chí CSKV mà đồng chí ấy còn rất trẻ. Trông đồng chí CSKV mang đai nịt gọn gàng, sắc phục ngay ngắn thì có vẻ chững chạc, chứ nếu nhìn mặt thì chỉ như một cậu sinh viên còn ngồi ghế nhà trường. Chỉ huy và lính nói chuyện với nhau rất thân tình vui vẻ: Đồng chí chỉ huy hỏi - Thế việc của bác đã gọi điện hôm qua sao rồi? Đồng chí lính trẻ trả lời - Bác ấy bảo là công việc đã giải quyết xong và gửi lời cảm ơn CAP đã quan tâm đến người dân như thế. Thế rồi đồng chí chỉ huy lại bảo: Đấy cháu thấy không việc đó nhỏ thôi, nhưng nếu cháu làm được như thế thì chẳng có người dân nào lại không tin, không yêu công an cả. Đồng chí trẻ vừa cười vừa ngượng nghịu.

Hỏi ra tôi mới biết, đó là một việc rất nhỏ. Có một người dân gọi đến số máy của Trưởng CAP để hỏi việc: Con của bác ấy làm chứng minh thư nhưng lại đem ép dẻo, đến khi làm hộ chiếu thì nơi cấp hộ chiếu không chấp nhận, vậy việc đó đúng hay sai, nếu đúng thì có cách nào làm CMT nhanh được không? Đồng chí Trưởng CAP đã trả lời: Việc ép dẻo đã làm mất tính kỹ thuật bảo mật của chứng minh thư do công an cung cấp nên cơ quan cấp hộ chiếu yêu cầu làm lại là đúng, nhưng có cách để làm lại ngay là mời bác ra phường để nhận tờ khai xin cấp lại CMT, trong lúc chưa có CMT thì có thể cầm tờ khai đó lên nơi cấp hộ chiếu họ cũng chấp nhận. Sau đó, người dân tắt máy! Đồng chí Trưởng CAP đã giao cho CSKV từ số điện thoại đã gọi, liên hệ xem nhà bác ấy ở đâu và cần công an giúp thêm gì không. 

Sau khi nói chuyện với CSKV, đồng chí Trung tá Bùi Thanh Thái - Trưởng CAP Thành Công quay sang nói với tôi, đó là việc nhỏ nhưng cũng là để giúp người dân và đây cũng là cách để rèn giũa CBCS trẻ phải chịu khó, phải có ý thức phục vụ nhân dân được tốt, việc gì nhỏ nhất phục vụ nhân dân được thì cứ phải làm, đừng có nghĩ việc to mới làm. Khẩu hiệu của CAP Thành Công là: “Hãy làm việc dù nhỏ để phục vụ nhân dân hàng ngày”.

Gần 30 năm công tác tại CAP Thành Công, thì có đến 15 năm làm CSKV, đồng chí Trưởng Công an phường chắc chắn là người hiểu rất rõ địa bàn và công việc của một người CSKV phải thực hiện. Tôi biết cái thời anh làm CSKV từ những năm 90, khi đó làm gì có điện thoại, CSKV chỉ đi xe đạp đến thăm nhà dân, nhưng nhân dân lại rất quý, rất tin tưởng các chú công an khu vực. Dân coi các chú công an như người trong nhà; dân phố, nhà ai có công to việc lớn, ma chay hiếu hỷ, thì mấy khi vắng chú CSKV. Anh Thái nói:

Thường một người CSKV có trách nhiệm với địa bàn, nếu như được người dân tin tưởng thì không có cái gì là không biết và công việc của CSKV qua đó mới bớt đi. Khi anh làm CSKV, có khi nhà dân kê lại cái tủ hay đổi lại hướng giường anh cũng biết, có khi các bác ấy tổ chức đám cưới cho con, CSKV lại đứng ra đi mượn bàn, mượn ghế, hay nhà ai có công việc gì cần giúp cũng rất sẵn lòng và vui vẻ giúp đỡ. Bây giờ đám cưới đã có nhà hàng, không như ngày xưa, nhưng CSKV vẫn còn có rất nhiều việc phải giúp nhân dân chứ.

Trước đây CSKV rất thân thiện gần gũi với nhân dân nhưng bây giờ, cuộc sống có nhiều thay đổi, mối quan hệ giữa người dân và CSKV có phần xa cách hơn nếu người CSKV không có trách nhiệm, không biết dựa vào dân thì làm sao mà hoàn thành nhiệm vụ được. Có lẽ chính vì thế mà Giám đốc CATP Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo một bước chuyển biến rõ nét về tác phong thái độ phục vụ của lực lượng CSKV, mang lại hình ảnh đẹp người chiến sỹ công an trong lòng nhân dân. Điều đó cũng cho thấy tầm quan trọng của lực lượng CSKV không kém gì các lực lượng nghiệp vụ khác trong công tác đảm bảo ANTT.

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP, CAP Thành Công cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo để phục vụ nhân dân. Đồng chí Trưởng CAP cho biết: Hiện lực lượng CSKV ở phường cũng tương đối khá, phần lớn là các đồng chí trẻ làm việc hăng say, tâm huyết, có nhiều sáng tạo trong công việc, song cũng còn một số đồng chí làm việc cầm chừng, nói năng thưa gửi với người dân còn chưa đúng mực. 

Đồng chí Trưởng CAP đã mời cả Giáo sư đến CAP để giảng cho CBCS nghe về văn hóa ứng xử giao tiếp hàng ngày, từ những cách thưa gửi với người dân, cho đến tác phong thái độ phục vụ nhân dân. Đặt ra câu hỏi với CBCS cứ nói làm việc tốt thì làm thế nào? Cứ nói học tập tấm gương Bác Hồ thì học thế nào. Bác cũng làm những việc nhỏ nhất phục vụ nhân dân, Bác cũng làm những công việc đời thường giản dị, vậy học tập Bác chính là làm việc tận tụy phục vụ nhân dân. Dân có việc gì ở địa bàn thì CSKV phải có mặt ngay để giải quyết, hàng ngày địa bàn có bóng dáng CSKV để người dân yên tâm hơn, CSKV xuống làm việc tại địa bàn để giảm thiểu số lần người dân phải đi lại xin các thủ tục hành chính, đặc biệt những người già yếu, công an phải chủ động làm các thủ tục giấy tờ giúp dân. Làm việc tốt đơn giản là như thế chứ chả có gì cao sang cả - Đồng chí trưởng CAP nói. Tôi đồng tình với anh về điều đó! Có một hòn đá vứt ở lòng đường, nhiều người đi qua vấp ngã, nhưng không ai nhặt hòn đá lên cả. Chỉ cần một người nhặt hòn đá ấy lên đã là việc tốt rồi, đáng để  tôn vinh lắm rồi. Hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, để không phải xấu hổ với chính mình đã là một việc tốt mà không phải khua chiêng gõ mõ làm gì.

Dân được yên tâm đi ngủ, chúng tôi lấy đó làm niềm vui

“2 giờ sáng, tôi có nhận được điện thoại của một người dân nói là cần CSKV đến ngay vì mâu thuẫn gia đình - người vợ báo cảnh sát vì bị chồng đuổi ra khỏi nhà. Đoán là tình thế bức xúc lắm người dân mới gọi vào lúc 2h sáng và họ cần mình thì mới gọi. Thế là tôi lại xách xe ra khỏi nhà phóng đến nhà anh chị nọ. Hóa ra đầu đuôi câu chuyện là do hai vợ chồng đang ly thân và có quy ước với nhau: chồng ngủ nhà trong, vợ ngủ nhà ngoài, nhưng bỗng đến một đêm chả hiểu sao anh chồng lại muốn gần vợ, rủ chị vợ vào nhà trong ngủ cùng, chị này không đồng ý, thế là cãi nhau, thế là đuổi vợ ra khỏi nhà, thế là báo cảnh sát”. Đồng chí Đại úy Phạm Thế Anh - Phó Trưởng CAP phụ trách CSKV kể cho tôi nghe câu chuyện này khi tôi hỏi đồng chí có hay nhận được những cuộc điện thoại “ngoài giờ” của người dân hay không. Đồng chí Phạm Thế Anh còn cho biết CSKV nhận được điện thoại như vậy là chuyện rất bình thường. Đã làm CSKV thì phải vui vẻ chấp nhận chuyện đó, người dân có tin mình thì mới gọi, và dân không gọi cho công an mới là điều đáng sợ, đáng suy nghĩ. 

Mâu thuẫn ở cơ sở rất đa dạng - vợ chồng, anh em mẫu thuẫn, hàng xóm ganh nhau cái vỉa hè, bờ tường cũng đánh chửi nhau, rồi lớn hơn nữa mâu thuẫn do vay nợ, tranh chấp đất đai… Tuy nhiên, từ mâu thuẫn dù rất nhỏ đó mà không được giải quyết, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời thì đó là mầm mống của các vụ việc phức tạp khác. Thế nên dân gọi thì dù cách nào công an cũng phải có mặt, đồng chí này bận thì phải cử ngay đồng chí khác. Một lần người dân gọi công an không được lần sau họ sẽ không gọi nữa và đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất lòng tin, sự xa cách của người dân đối với lực lượng công an. Như chuyện vợ chồng nhà nọ, sau khi thấy đồng chí công an bất chấp vào lúc 2 giờ sáng đã đến tận nhà mình để giải quyết việc riêng đã làm họ bất ngờ và ái ngại. Sau khi, mâu thuẫn được giải quyết ổn thỏa, họ nói lại với đồng chí công an: “Xin lỗi anh, đã làm phiền anh quá, đang đêm hôm thế mà để anh phải đi lại vất vả, tôi cũng thấy ái ngại”. Đồng chí Thế Anh còn chia sẻ: Dù vất vả, nhưng sự việc được giải quyết kịp thời người dân được yên tâm đi ngủ, chúng tôi cũng lấy đó là niềm vui, là năng lượng để chúng tôi tiếp tục làm việc những ngày tiếp theo. 

Và trách nhiệm với công việc, tận tụy với người dân như vậy thì đó là cách hay nhất để CBCS học tập - đặc biệt là những đồng chí cán bộ trẻ tuổi. Qua tìm hiểu những người dân ở tổ dân phố của phường Thành Công tôi thấy đã có nhiều lời khen từ phía nhân dân. CSKV phường Thành Công đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân. Đã có những bức thư khen được gửi tới chỉ huy phường thông qua đường bưu điện, đã có những lời cảm ơn về sự tận tụy của lực lượng CSKV khi đi tìm người thân mất tích, đã có lời nhận xét khu chợ này an ninh trật tự được cải thiện hẳn khi có sự hỗ trợ của CSKV. Bác Vũ Thị Linh - Tổ trưởng tổ dân phố só 35 cụm dân cư số 7 còn vui vẻ nói với tôi về một đồng chí CSKV rất trẻ, đồng chí trung úy có tên là Đàm Quốc Trưởng: “Cái anh công an này mới phụ trách tổ dân phố tôi, mới có mấy tháng mà đã đến tổ dân phố mấy chục lần rồi, nhanh nhẹn, tích cực lắm”….

Trực ban không phải để “rửa bát, quét nhà”

Hiện nay ở nhiều đơn vị có quan niệm cán bộ trực ban là những người gác cửa, bảo vệ đơn vị, thậm chí không làm được việc gì, chuyển làm trực ban; sắp về hưu, chuyển xuống trực ban, bị kỷ luật chuyển trực ban… Tóm lại trực ban được quan niệm như “thùng nước vo” chứa đồ thừa bỏ đi thì tiếc. Song đó là quan niệm sai lầm. Thực tế người trực ban là “nụ cười”, là “lời chào”, là “bộ mặt” của một đơn vị. Trực ban là người đầu tiên mà người dân gặp khi đến trụ sở công an để giải quyết công việc, và có nhiệm vụ hết sức quan trọng là người tiếp nhận thông tin đầu tiên của người dân để từ đó xử lý các thông tin. Tuy nhiên do quan niệm không đúng nên CBCS không thích được giao nhiệm vụ làm trực ban, họ không muốn bị nhìn nhận là những người năng lực yếu kém, còn chỉ huy thì coi việc điều chuyển cán bộ làm trực ban như một hình thức kỷ luật những CBCS yếu kém. Chính vì quan niệm như vậy nên lực lượng trực ban của một số đơn vị chưa thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình.

Đồng chí Bùi Thanh Thái chia sẻ, sau hôm họp công tác tháng 10, những điều đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội nói về công tác trực ban khiến anh suy nghĩ rất nhiều về lực lượng trực ban của đơn vị mình - số anh em trực ban của phường cũng nhiều tuổi, tất nhiên không phải họ ỷ lại thế nhưng để làm như mình mong muốn thì chưa được, còn nếu muốn thay đổi ngay thì cũng là việc khó bởi sự rèn luyện là cả một quá trình.

Theo quy định, chức năng nhiệm vụ của cấp công an phường không đề cập đến tổ trực ban, có tổ CSKV, có tổ phòng chống tội pham, tổ trật tự, tổ tổng hợp. Trong tổ tổng hợp có nội cần trực ban chứ không có tổ trực ban riêng. Sau nhiều ngày trăn trở, trưởng CAP Thành Công quyết định họp bàn trong ban chỉ huy, họp đơn vị và cơ cấu lại công tác trực ban. Tính toán tăng quân số ứng trực hàng ngày lên, lực lượng hình sự, CSKV đều tham gia làm công tác trực ban, chứ không có trực ban chuyên trách và lấy các đồng chí CSKV có trình độ, có trách nhiệm làm trực ban tiếp dân vào buổi sáng, buổi tối - những giờ trực có lịch tiếp dân của CAP. Mỗi ngày có 5 người làm công tác trực ban được chia làm 5 ca trực ban tiếp dân và xử lý thông tin. Tất cả các đồng chí làm công tác trực ban đều được giáo dục về lễ tiết tác phong, thái độ đúng mực khi tiếp xúc với người dân. Thậm chí cả cách nghe điện thoại cũng được chỉ huy CAP “tập huấn” cho CBCS trực ban. Bất kỳ một cuộc điện thoại nào gọi đến, vào bất kỳ giờ nào, dù đêm hay ngày, dù trong giờ làm việc hay ngoài giờ làm việc, khi dân gọi, thì công an phải trả lời: Alo, công an phường Thành Công xin nghe. Theo đồng chí Trưởng CAP, khi dân gọi điện đến CAP thường có những vấn đề bức xúc thắc mắc, CAP lắng nghe họ cũng là để người dân yên lòng. Và khi CAP lịch thiệp, nhã nhặn với người dân thì dù có bức xúc đến mấy họ cũng phải dịu lại. Lắng nghe dân nói  không bao giờ thiệt.

Việc không có trực ban chuyên trách, lấy những người có năng lực trình độ, tâm huyết với công việc làm công tác trực ban đã làm thay đổi quan niệm của đơn vị về những người làm trực ban. Đồng thời, các đồng chí ở lực lượng CSKV làm trực ban cũng có nhiều thuận lợi, các đồng chí hình sự thì cũng được thực hiện thêm một nhiệm vụ mới là tiếp nhận xử lý thông tin, còn các đồng chí trực ban cũ thì hàng ngày cũng phải đi làm nhiệm vụ của những lực lượng khác để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Không những thế, từng lực lượng làm trực ban còn có sự so sánh, tự nhìn lại mình để hoàn thiện mình hơn. Điều quan trọng là CBCS nhận thức được không có nhiệm vụ nào trong công tác công an là nhiệm vụ đơn giản, nhiệm vụ nào cũng quan trọng và dù bất cứ ở vị trí nào thì CBCS cũng phải hoàn thành nhiệm vụ bằng trách nhiệm cao nhất của người chiến sĩ công an nhân dân.

Sau một tháng thực hiện, đồng chí Trưởng CAP cho biết, CBCS đều vui vẻ nhận nhiệm vụ  và cảm thấy gắn bó  với đơn vị hơn, không còn mặc cảm chỉ  là một ông bảo vệ cơ quan, công tác tiếp nhận xử lý thông tin trôi chảy, khoa học, về phía người dân cũng đã có phản hồi tốt về CAP, người dân cho rằng, phong cách tiếp dân như vậy là văn minh hơn, người dân cảm thấy mình được tôn trọng hơn, tin tưởng công an hơn.

Trong câu chuyện với tôi, anh Thái - Trưởng CAP tâm sự khi anh mới ra trường về CAP Thành Công, cũng trải qua nhiều năm làm trực ban. Anh kể chuyện làm tôi bật cười: Trực ban toàn rửa bát quét nhà, hễ có bóng đèn nào cháy là trực ban đi thay mặc dù chả ai bảo. Hễ đơn vị có liên hoan là trực ban Bùi Thanh Thái kiểu gì cũng “được” đi rửa bát. Người trực ban đó, giờ đã là chỉ huy CAP, có lẽ chính những năm tháng đó đã giúp cho người chỉ huy này hiểu hơn tâm trạng của CBCS và dễ thông cảm với suy nghĩ của anh em trực ban. Nên anh trăn trở rất nhiều và quyết định “phá tan” những suy nghĩ sai lầm và cũng để công tác trực ban ở đơn vị có chuyển biến mới, để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Tất nhiên cách làm của CAP Thành Công không phải là mới, nhưng trong con mắt của tôi một người chỉ huy nhìn ra được những tồn tại của đơn vị, nhìn ra được những vướng mắc của đơn vị để có những thay đổi đó là một người chỉ huy dũng cảm. Một người chỉ huy biết trăn trở với suy nghĩ, tâm tư của CBCS là một người chỉ huy có tình. Nếu anh như nhiều người khác, đối với số cán bộ có biểu hiện làm việc cầm chừng anh cứ để họ ngồi ở vị trí trực ban với quan niệm là những người bảo vệ thì mãi mãi họ sẽ chỉ dừng lại là những người gác cửa, rửa bát quét nhà không hơn không kém. Nhưng anh đã không làm như vậy!

Người chỉ huy ấy nói với tôi, lực lượng công an cơ sở, trăm dâu đổ đầu tằm, làm dâu trăm họ, làm trăm điều hay, nghìn việc tốt thì không sao nhưng chỉ một việc không tốt tất cả sẽ đổ xuống sông xuống bể, khó lấy lại lắm. Nhưng anh em CBCS bây giờ cán bộ trẻ rất nhiều, kinh nghiệm chưa có nếu không uốn nắn thì không thể làm được việc. Anh cũng không muốn anh em trong đơn vị thực hiện các mệnh lệnh của chỉ huy một cách máy móc, đối phó theo kiểu thực hiện đầy đủ các “gạch đầu dòng” để hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao, mà anh muốn từng CBCS phải nhận thức được việc phục vụ nhân dân là trách nhiệm của mình, bằng tâm huyết thật sự chứ không phải là những thể hiện giả dối làm “vừa mắt” chỉ huy. Anh mong muốn sự chuyển biến ở CAP phải thành nếp làm việc, thành phong cách riêng của CAP Thành Công chứ không phải chỉ một chốc một lát hay ở một việc cụ thể nào. Muốn làm được điều đó thì chỉ huy phải gương mẫu để anh em cán bộ chiến sĩ nhìn vào. Anh bảo người chỉ huy phải tận tụy, đừng thu vén cho riêng mình. Với CBCS phải hết sức công tâm: khen thưởng phải xứng đáng, mà phê bình phải rõ ràng cụ thể. Khen cũng phải đúng mà phê cũng phải đúng thì lính mới phục. Anh em chiến sĩ đều nhìn vào chỉ huy hết vì thế chỉ huy cũng phải luôn tự soi mình.

Tôi nghĩ nhiều về câu nói của anh! Một lần nữa, tôi lại đồng tình quan điểm với anh!