Ai dám nhận mình dốt?

ANTĐ - Ở cái tuổi “đất gần, trời xa” ta vẫn có thể “đo” được sức khỏe của trái tim theo nhịp điệu và nhịp đập của cuộc sống.

- Trà nhạt, trà suông đâu phải cà phê đen đặc không đường hay rượu Tây “xịn”, mà sao ông cứ hay triết lý, triết luận thế?

- Nhân tình thế thái bây giờ cứ như một nồi lẩu thập cẩm, nhưng dù sao dưới đáy nồi cũng lắng đọng một chút gì đấy. Chẳng hạn vừa mới đây, giữa một thị trường sách, thị trường văn hóa quá nhiều vụ bê bối, một “lão gia” dịch giả nổi tiếng đã lên tiếng thừa nhận: “Nếu bản dịch kém thì do trình độ tôi còn yếu, chứ không phải do dịch bừa, dịch ẩu”.

- Thật lòng, văn hóa đọc của tôi hơi bị “thấp bé, nhẹ cân”. Chuyện đó ra sao, ông có thể kể vắn tắt được không?

- Số là thế này! Hội Nhà văn Hà Nội vừa trao giải thưởng Văn học cho bản dịch gây tranh cãi: Tiểu thuyết Lolita. Trong khi đó, trên các trang mạng hải ngoại và trong nước lại chỉ trích là “thảm họa dịch thuật”.

- Đâu phải Nobel Văn học mà ầm ĩ, om sòm cả lên.

- Không thể cạn nghĩ như vậy! Đối với người làm nghề văn, nhất là một dịch giả lão luyện với nhiều tác phẩm nổi tiếng, thái độ làm nghề quan trọng hơn trình độ. Vì thế trong lễ nhận giải thưởng ông đã tự nhận mình dốt chứ không phải do ẩu.

- Nếu vậy thì lại là chuyện mang tính khái quát xã hội rồi. Một nhà văn lớn Việt Nam từng nói: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”.

- Quá đúng cho mọi thời. Nhà dịch giả lão luyện ấy đã bỏ ra hai năm để dịch tiểu thuyết nổi tiếng đó. Bởi thế ông thà bị chê trình độ kém, thà tự nhận mình dốt, chứ không phải vì làm bừa, dịch ẩu. Bằng chứng là ông được trao giải với số phiếu tuyệt đối 9/9.

- Một người giỏi mà tự nhận mình dốt thì quả là người thật sự giỏi, trong khi bao người dốt lại không dám nhận mình dốt thì chỉ càng dốt hơn, dốt mãi.

- Người dám nhận sai, nhận trách nhiệm vốn đã hiếm. Ai dám nhận mình dốt lại càng hiếm hoi.