86 người chết và mất tích do mưa lũ

(ANTĐ) - Đó là con số thống kê thiệt hại cuối cùng của BCĐ PCLB về tình hình mưa lũ diễn ra trên địa bàn các tỉnh miền Trung những ngày qua. Các tỉnh miền Trung đã không còn mưa trong vài ngày nay, song, cho đến chiều qua 10-10, 5 xã của 2 huyện Hương Khê và Vũ Quang của tỉnh Hà Tĩnh và 9 xã trên địa bàn 5 huyện của tỉnh Quảng Bình vẫn còn ngập.

86 người chết và mất tích do mưa lũ

(ANTĐ) - Đó là con số thống kê thiệt hại cuối cùng của BCĐ PCLB về tình hình mưa lũ diễn ra trên địa bàn các tỉnh miền Trung những ngày qua. Các tỉnh miền Trung đã không còn mưa trong vài ngày nay, song, cho đến chiều qua 10-10, 5 xã của 2 huyện Hương Khê và Vũ Quang của tỉnh Hà Tĩnh và 9 xã trên địa bàn 5 huyện của tỉnh Quảng Bình vẫn còn ngập.

Thống kê từ BCĐ PCLB Trung ương cho thấy, trận mưa lớn trên địa bàn các tỉnh miền Trung kéo dài từ ngày 1 đến 5-10, với lượng mưa có nơi đạt 1.600mm đã gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề. Trong đó, mưa lũ đã làm 64 người chết và 22 người mất tích.

Thanh niên tình nguyện tham gia dọn bùn đất, làm vệ sinh tại trường học ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) sau trận lũ
Thanh niên tình nguyện tham gia dọn bùn đất, làm vệ sinh tại trường học ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) sau trận lũ

Tổng thiệt hại lên tới 2.500 tỷ đồng. Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất với 59 người chết và mất tích, thiệt hại gần 1.400 tỷ đồng. Hiện tỉnh vẫn còn 6 tàu của ngư dân mất tích, chưa liên lạc được. Tiếp đến Hà Tĩnh thiệt hại khoảng 850 tỷ đồng.

Trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương cần chung tay, sát cánh hỗ trợ đồng bào. Đảng và Nhà nước sẽ hết lòng ủng hộ đồng bào bị thiên tai. Thủ tướng nhận định, trận mưa lũ lịch sử trong vòng 60 năm qua xảy ra đã khiến các tỉnh như Quảng Bình, Hà Tĩnh... phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề.

Yêu cầu địa phương và các ban, ngành liên quan cần kịp thời hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại, mất mát về người và tài sản, đồng thời huy động lực lượng giúp dân khôi phục lại nhà cửa, công trình công cộng, sớm ổn định cuộc sống. Cũng qua đây, Thủ tướng yêu cầu các địa phương khác cần rút kinh nghiệm trong công tác PCLB, đặc biệt đối với các tỉnh miền Trung, nơi thường xuyên xảy ra mưa lũ.

Trận mưa lũ vừa qua, theo đánh giá của ông Đàm Hoà Bình - Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thuỷ lợi (Tổng cục Thuỷ lợi) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các công trình hồ chứa thủy lợi ở khu vực này. Theo đánh giá của Viện Quy hoạch Thuỷ lợi, Quảng Bình là nơi chịu tác động nặng nề nhất, đặc biệt là huyện vùng cao Minh Hoá, Tuyên Hoá (sông Gianh) nơi đây tập trung các công trình thuỷ lợi nhỏ, kênh mương bằng đất, sạt lở nghiêm trọng. “Các hồ chứa ở nước ta có đập ngăn sông hầu hết là đập đất, điều này là tác nhân chính gây mất an toàn cho các hồ chứa khi có lũ tràn qua đỉnh đập, sóng to gió lớn làm sạt mái thượng lưu hoặc thấm lớn qua nền và thân đập gây xói ngầm làm vỡ đập”, ông Lương Ngọc Trung - Trưởng phòng Quy hoạch Bắc Trung bộ (Viện Quy hoạch Thuỷ lợi) cho biết.

Còn theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông những ngày qua đã di chuyển lên phía Bắc và suy yếu. Tuy nhiên, ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa lại vừa xuất hiện một vùng áp thấp. Hồi 13h chiều 10-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 9,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; 110,0 đến 112,0 độ Kinh Đông. Do mới hình thành nên diễn biến của vùng áp thấp còn phức tạp. Trong thời gian ngắn, vùng áp thấp này chưa gây ảnh hưởng đến khu vực đất liền.                    

  Hạ Quỳnh