44% người tiêu dùng im lặng khi bị xâm hại quyền lợi

ANTD.VN - Mặc dù biết mình bị xâm hại quyền lợi nhưng có đến 44% khách hàng chọn giải pháp im lặng.

Người tiêu dùng ngại lên tiếng khi bị xâm hại quyền lợi

Kết quả khảo sát nêu trên được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết ngày 12-8.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) tiến hành khảo sát ý kiến, nhận thức của 3.000 người tiêu dùng tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Kết quả cho thấy, hơn 70% số người tiêu dùng được hỏi có biết đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và biết các quyền lợi cơ bản của mình.

Tuy nhiên, có đến 56% người được hỏi cho biết từng bị xâm hại quyền lợi trong giai đoạn 2011-2015. Song đáng chú ý là có tới 44% số người được hỏi chọn phương án “Im lặng và bỏ qua sự việc”, 20% chọn phương án “Yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, 36% thực hiện việc “Khiếu nại đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ lớn người tiêu dùng chọn cách im lặng là vì giá trị tranh chấp nhỏ (38,56%); Thủ tục khiếu nại phức tạp (22,05%)…

Kết quả khảo sát cho biết, các nhóm hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng phản ánh đã từng bị xâm phạm quyền lợi trong thời gian qua gồm: Thực phẩm, nước giải khát (19,69%); Đồ điện tử, gia dụng (13,05%); Hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (12,88%); Điện thoại, viễn thông (9,17%); Du lịch, nhà hàng (5,6%), Y tế, chăm sóc sức khỏe (5,29%).