32% doanh nghiệp phải "bôi trơn" cán bộ thuế

ANTĐ - “32% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế”, đó là thông tin đưa ra tại buổi công bố kết quả khảo sát đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế - mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014 diễn ra hôm qua, 11-8.

32% doanh nghiệp phải "bôi trơn" cán bộ thuế ảnh 1Biểu mẫu thay đổi thường xuyên khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Mức độ hài lòng 7/10 điểm

Theo kết quả khảo sát được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, chỉ số đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2014 đạt 7/10 điểm hay 71% theo thang điểm 100. 92% doanh nghiệp cho biết pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực. Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là 2 sắc thuế được doanh nghiệp nhận định có sự thay đổi mạnh mẽ và giảm thời gian thực hiện cho doanh nghiệp nhiều nhất.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, kết quả này cũng thể hiện những cải cách mà ngành thuế đang làm là đúng hướng. Trên thực tế, việc cải cách các thủ tục đã giúp giảm được 420 giờ trong số 537 giờ nộp thuế. Với hơn 500.000 doanh nghiệp, việc cải tiến đã giúp tiết kiệm được hàng triệu giờ thực hiện thủ tục thuế. 

Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự hài lòng. Cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 7 doanh nghiệp cho biết từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế. Hai nhóm thủ tục mà doanh nghiệp được gặp vướng mắc nhiều nhất là đăng ký thuế và khai thuế. Các doanh nghiệp cho rằng, phiền hà lớn nhất mà họ gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi. Ngoài ra, cũng có tình trạng cán bộ thuế yêu cầu cung cấp nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết hoặc thời gian giải quyết quá dài. 

Trong lĩnh vực phục vụ của công chức thuế, kết quả khảo sát cho biết, 32% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. Có khoảng 40% doanh nghiệp cho rằng, sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả các chi phí này. Cùng với đó, 26% doanh nghiệp cho rằng nội dung thanh tra, kiểm tra thuế còn trùng lặp. 

Cơ quan thuế phải là “người đồng hành”

Từ phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Nam Thanh - hoạt động trong lĩnh vực dệt may, đánh giá cao những chuyển biến trong công tác cải cách thủ tục hành chính cũng như thái độ của cán bộ thuế khi tiếp doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề vướng mắc.

Tuy nhiên, bà Thanh cũng nêu ra vướng mắc về chính sách mà doanh nghiệp của mình gặp phải. Cụ thể, khi nhập lô máy móc trị giá 13 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, doanh nghiệp tiếp tục phải lo 1,3 tỷ đồng để nộp thuế VAT. Do đã phải cố hết sức khi nhập máy móc nên doanh nghiệp không biết trông vào đâu để có số tiền thuế VAT. Điều đáng nói là doanh nghiệp nhập máy móc về để phục vụ sản xuất nên theo quy định thì doanh nghiệp sẽ được hoàn tiền thuế VAT. “Tôi kiến nghị có cán bộ thuế đến xác nhận việc doanh nghiệp nhập máy về để sản xuất và cho phép treo khoản thuế VAT, chỉ một động tác đó nhưng cũng hỗ trợ được doanh nghiệp rất nhiều”, bà Thanh nói. 

Về kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, khi gia nhập WTO, Luật thuế VAT đã được sửa đổi, theo đó máy móc doanh nghiệp nhập về phải nộp VAT và sau khi nhập xong thì cơ quan thuế có trách nhiệm hoàn thuế cho doanh nghiệp trong thời gian ngắn nhất. 

Ông Trương Đình Vấn - đại diện Công ty dệt may Châu Giang (tỉnh Hà Nam) cho rằng, việc hàng trăm giờ nộp thuế là rất tốt song với doanh nghiệp, đó mới chỉ là những đánh giá về mặt thời gian. Ông Vấn chia sẻ: “Cái chính là phải làm sao giảm căng thẳng cho doanh nghiệp. Một trong những tồn tại của ngành thuế hiện nay là chưa đồng hành với doanh nghiệp, cơ quan thuế vẫn đóng vai trò thu thuế chứ chưa giúp đỡ để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế”.