136 câu chuyện pháp luật thời phong kiến trong "Luật xưa án cũ"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuốn sách "Luật xưa án cũ" của PGS.TS Bùi Xuân Đính nghiên cứu về những câu chuyện pháp luật trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam vừa được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ra mắt bạn đọc.

Trong lịch sử phát triển của quốc gia Việt Nam, thời kỳ phong kiến tự chủ (từ đầu thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XIX) có một vị trí trọng yếu. Đây là thời kỳ cha ông ta phát triển và nâng cao một bước các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa pháp lý hình thành từ thời các Vua Hùng, được thử thách qua hàng ngàn năm chịu ách đô hộ của phong kiến phương Bắc.

Khái niệm “Văn hóa pháp lý” hay “Văn hóa pháp luật” có nhiều cách hiểu khác nhau. Đến nay, ở nước ta, đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa pháp lý thời phong kiến ở Việt Nam với những góc độ tiếp cận khác nhau, thể hiện qua các sách chuyên khảo, các luận án tiến sĩ, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp tập trung phân tích nội dung pháp luật qua các vương triều, thông qua các bộ luật, những vị vua chúa hay quan lại cao cấp có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành các bộ luật và thực thi pháp luật.

Nhằm mục đích “ôn cố tri tân”, hiểu xưa để ngẫm nay, đồng thời cung cấp thêm cho bạn đọc một cách tiếp cận mới về đề tài “văn hóa pháp lý” và một tư liệu quý nghiên cứu về những câu chuyện pháp luật trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Luật xưa án cũ", do PGS. Bùi Xuân Đính sưu tầm và biên soạn.

Trong cuốn sách, tác giả đã công phu tập hợp 136 câu chuyện pháp luật thời phong kiến, được ghi lại trong các bộ chính sử của nước nhà; phân tích kỹ các tình tiết của các câu chuyện pháp luật, trong đó nhiều câu chuyện là những vụ án nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, với sự có mặt của đủ các giai tầng xã hội từ vua chúa, đội ngũ quan lại các cấp, đến những người dân bình thường; liên quan tới rất nhiều mặt của đời sống xã hội như: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh...

Cuốn sách cung cấp nhiều kiến thức bổ ích với cách dẫn chuyện và luận bàn hấp dẫn qua những vụ án nổi tiếng trong lịch sử chế độ phong kiến, giúp độc giả hiểu thêm các vấn đề pháp luật, vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật... của thời kỳ này.

Trên cơ sở đó, tác giả làm rõ mối quan hệ giữa các giá trị pháp luật và các giá trị về văn hóa, rút ra nhiều bài học vẫn đậm tính thời sự và có giá trị tham khảo đối với việc ban hành và thực thi pháp luật trong xã hội ta hiện nay, góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, “của dân, do dân và vì dân”.