Kỳ họp thứ 5, HĐND TP khóa XIV:

1,1 triệu tỷ đồng cho giao thông

ANTĐ - Hôm qua, 13-7, Kỳ họp thứ 5, HĐND TP khóa XIV đã bế mạc sau 4 ngày làm việc. Trước đó, HĐND TP đã thông qua bản Quy hoạch GT-VT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 và Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2012 - 2015.

TP Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực để giải quyết tình trạng giao thông hiện nay. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Bức tranh hoành tráng

Quy hoạch GT-VT Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua sáng 13-7 được đánh giá là bức tranh tổng thể về giao thông Thủ đô trong vòng hơn 20 năm tới. Ước tính, tổng nhu cầu vốn cho cả 4 loại hình giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, sân bay) lên tới con số khổng lồ: 1.145.043,9  tỷ đồng! Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết, nguồn vốn thực hiện quy hoạch sẽ được huy động tổng hợp từ các nguồn như vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại...

Theo thông tin từ đồ án, TP Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường cao tốc 6 - 8 làn xe song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn. Đồng thời, cải tạo, mở rộng 9 tuyến quốc lộ hướng tâm hiện tại lên thành đường có 4 đến 6 làn xe cơ giới; xây dựng mới các đường vành đai 4 - 5. TP sẽ có 16 công trình đường bộ vượt sông Hồng; 8 cầu qua sông Đuống; 3 cầu qua sông Đà. Thủ đô sẽ hình thành hệ thống đường sắt đô thị bao gồm 8 tuyến. Đồng thời, xây dựng 5 cầu cho đường sắt đô thị qua sông Hồng gồm: cầu Long Biên mới (tuyến số 1), cầu Nhật Tân (tuyến số 2), cầu Vĩnh Tuy (tuyến số 4), cầu Thượng Cát (tuyến số 7), cầu Lĩnh Nam (tuyến số 8). TP cũng quy hoạch 9 tuyến xe buýt nhanh có độ dài từ 14,3 tới 53,2km. Bên cạnh việc nâng cấp các sân bay, cảng hàng không hiện có như Nội Bài, Gia Lâm, Bạch Mai, Hòa Lạc, Miếu Môn... TP cho biết, Chính phủ đã định hướng xây dựng sân bay quốc tế thứ hai cho vùng Thủ đô tại Tiên Lãng - Hải Phòng.

Đặt tên đường Văn Tiến Dũng

Theo Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2012 - 2015 vừa được HĐND TP thông qua, Hà Nội sẽ đầu tư 1.944 tỷ đồng để cải thiện tình hình giao thông trong 3 năm tới. Cụ thể, TP đặt ra mục tiêu giảm tối thiểu 27 điểm ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại trong giai đoạn 2012 - 2015 và duy trì không để phát sinh điểm ùn tắc mới. Với nguồn lực có hạn, TP sẽ phải chia sẻ cho cả hệ thống hạ tầng cũng như tổ chức mạng lưới giao thông. Trong đó, tập trung phần lớn cho hệ thống đèn tín hiệu, phương tiện giao thông công cộng và cải tạo, sửa chữa các nút, trục giao thông chính, hay xảy ra ùn tắc. TP cam kết sẽ không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô theo quy hoạch cũng như di chuyển dần các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện… ra ngoài trung tâm theo đúng lộ trình quy hoạch và ưu tiên bố trí quỹ đất này dành cho giao thông.

Chiều cùng ngày, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn. Theo đó, Hà Nội sẽ có 34 đường, phố mới. Trong đó, có những tuyến phố đáng chú ý như phố Đặng Thùy Trâm - quận Cầu Giấy (đoạn từ ngõ 477 đường Hoàng Quốc Việt đến điểm giao cắt với phố Nghĩa Tân và phố Phạm Tuấn Tài); đường Văn Tiến Dũng - huyện Từ Liêm (đoạn từ ngã ba giao với Quốc lộ 32 (thôn Đình Quán, xã Phú Diễn) đến ngã ba đường Cổ Nhuế - Tây Tựu)...

Không để các phần tử xấu lợi dụng


Tại phiên bế mạc kỳ họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã làm rõ thêm một số vấn đề được dư luận cử tri và ĐB HĐND TP quan tâm. Đánh giá nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là “rất nặng nề”, Chủ tịch UBND TP cho rằng, để cả năm tăng trưởng kinh tế đạt 10-10,5%, TP phải có sự lãnh đạo, điều hành hết sức linh hoạt. TP cam kết tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thêm việc làm và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Liên quan tới quản lý đô thị, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh quyết tâm chấn chỉnh, lập lại kỷ cương trong xây dựng, xử lý nghiêm khắc các trường hợp xây dựng không phép, sai phép. Ông thẳng thắn: “Mức độ, tính chất vi phạm ở một số công trình là rất nghiêm trọng. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, có biểu hiện không chỉ nể nang, né tránh mà còn dung túng, thậm chí bị thao túng. Đây là những khuyết điểm và yếu kém nhất hiện nay trong quản lý đô thị của chính quyền các cấp”.

Về an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, Chủ tịch UBND TP cho biết, CATP Hà Nội đã tập trung các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; thành lập các đội đặc nhiệm 141 để truy quét tội phạm, mang lại hiệu quả cao, được dư luận nhân dân hoan nghênh. TP cũng đã xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự liên quan tới tôn giáo, an ninh nông thôn...

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng cho biết, trong 2 tuần vừa qua, vào ngày chủ nhật, tại trung tâm TP đã diễn ra việc tụ tập, biểu tình phản đối Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo nước ta. Tuy nhiên, đa số những người tham gia là những người khiếu kiện về đất đai bị lợi dụng để gây phức tạp về an ninh - trật tự. Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là: Kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, đồng thời ra sức giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng phát triển đất nước. Nhà nước ta kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình, sử dụng tổng hợp các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý; chúng ta rất coi trọng việc duy trì, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc. Chủ tịch UBND TP nói: “Thực hiện nhất quán chủ trương trên và từ tình hình thực tiễn, UBND TP yêu cầu các cấp, ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, không bị các phần tử xấu, cơ hội lợi dụng xúi giục xuống đường, tụ tập biểu tình gây mất trật tự an ninh ở Thủ đô”.