Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của các hộ chăn nuôi, hướng đến xây dựng nền chăn nuôi sạch và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập. Chương trình vận động sẽ kéo dài từ 20-4-2016 đến 30-9-2016 trên toàn quốc với các hoạt động chính bao gồm vận động 100.000 hộ chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm; tổ chức chuỗi tập huấn phổ biến kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn, hiệu quả và tuyên truyền nâng cao nhận thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chương trình vận động “100.000 hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm” không chỉ thể hiện quyết tâm của các ban ngành từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức xã hội mà còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và nỗ lực đáng biểu dương của doanh nghiệp ngành chăn nuôi trong việc đồng hành cùng người chăn nuôi tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) và Hội Chăn nuôi Việt Nam tại lễ ký kết ngày 20-4
Trước tình hình sử dụng cấm gốc beta-agonist (clenbuterol, salbutamol, ractopamine) trong chăn nuôi lợn thời gian qua đã trở thành vấn đề gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng và tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành chăn nuôi trong nước, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn và giải quyết dứt điểm nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Cụ thể, từ tháng 11-2015, Bộ NN&PTNN đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) thành lập nhiều chuyên án kiểm tra các trang trại và cơ sở chăn nuôi lợn cả nước, điều tra và triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol - đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật Dược sửa đổi. Nhờ đó, tính đến thời điểm tháng 4-2016, tình hình nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có bước chuyển biến lớn.
Cùng với đó, Bộ luật Hình sự sửa đổi chính thức áp dụng từ ngày 1-7-2016 sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Cụ thể, các cá nhân, tổ chức sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt hành chính từ 50 – 200 triệu, phạt tù từ 1 – 5 năm, trường hợp nặng có thể bị phạt tiền 1 tỷ đồng, phạt tù 20 năm...