1 nhiệm kỳ nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần

ANTĐ - Ngày 13-6, Quốc hội đã thảo luận về sửa đổi quy định lấy phiếu tín nhiệm. Đa số các ĐBQH đều cho rằng, nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ để đánh giá cán bộ sát hơn. Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).
1 nhiệm kỳ nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần ảnh 1
“Chúng ta nên lấy phiếu tín nhiệm cả những giám đốc sở, ngành, không phải thành viên UBND,
bởi nhiều sở quản lý những lĩnh vực rất nóng” - ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) kiến nghị


2 hay 3 mức tín nhiệm?

ĐB Lò Hải Ươi (Lai Châu) cho rằng, dự thảo nghị quyết quy định mỗi nhiệm kỳ lấy phiếu một lần là chưa phù hợp, khó nâng cao chất lượng hoạt động công tác của người được lấy phiếu. “Nếu lấy định kỳ hàng năm thì quá gần nhau, không đủ thời gian khắc phục hạn chế, yếu kém. Đề nghị lấy 2 lần trong 1 nhiệm kỳ, vào cuối năm thứ hai và thứ tư”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cùng quan điểm: “1 nhiệm kỳ lấy 1 lần là ít, chưa đánh giá hết được cán bộ. Nên chia làm 2 lần mới có ý nghĩa, mới đánh giá được họ có tiến bộ hay không. 3 mức tín nhiệm là không hợp lý. Nên lấy 2 mức: tín nhiệm và tín nhiệm thấp”. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, cần lấy phiếu ít nhất 2 lần một nhiệm kỳ, để người lấy phiếu có thời gian rèn luyện, sửa chữa. “Lấy phiếu một lần sao biết tiến bộ hay vẫn giậm chân tại chỗ” - ĐB tỉnh Cà Mau nói. 

ĐB Danh Út (Kiên Giang) lên tiếng: “Lấy phiếu tín nhiệm là bước tiến quan trọng trong hoạt động giám sát. Lấy phiếu hàng năm là quá nhiều, quá ngắn, chưa đủ thời gian để người lấy phiếu sửa mình. Nhưng nếu chỉ lấy 1 lần vào giữa nhiệm kỳ lại quá ít và còn 2 năm rưỡi cuối nhiệm kỳ coi như không đánh giá nữa hay sao?”. ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) không đồng tình lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức như hiện nay: “Như thế an toàn quá. Nên nghiên cứu 2 mức: tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Song như vậy lại giống với bỏ phiếu tín nhiệm. Do vậy, tôi đề xuất vẫn để 3 mức song nên ghi rõ là: tiếp tục công việc được giao, bố trí công tác khác và nên từ chức”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) kiến nghị: “Chúng ta nên lấy phiếu tín nhiệm cả những giám đốc sở, ngành, không phải thành viên UBND, bởi nhiều sở quản lý những lĩnh vực rất nóng”. ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nên lấy phiếu ở 2 mức để “hợp quy luật, không bị phân tán số phiếu và đánh giá sát cán bộ”. ĐB Đỗ Văn Đương kiến nghị, Quốc hội nên phát phiếu thăm dò về các nội dung quan trọng của nghị quyết. Cũng đồng tình việc lấy phiếu thăm dò, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) nói: “Như thế sẽ rõ chính kiến của ĐBQH về vấn đề quan trọng này”.

Đề nghị giữ 3 mức tín nhiệm, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nói: “Lấy phiếu phải khác với bỏ phiếu tín nhiệm, nếu để 2 mức thì khắc nghiệt quá. Tôi nghĩ có thể để 3 mức, nhưng cần thay đổi một chút thành: tín nhiệm cao, tín nhiệm và không tín nhiệm...”.

Ngăn chặn thất thoát

Sáng 13-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho rằng, hiện có một thực tế là nhiều dự án đăng ký lượng vốn đầu tư lớn, nhưng nguồn vốn đầu tư thực lại thấp hơn rất nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này là do luật hiện hành chưa có công cụ, chế tài kiểm soát. Vì vậy, ĐB Nguyễn Minh Quang kiến nghị, dự thảo nên bổ sung quy định về công cụ, chế tài kiểm soát quản lý dòng vốn đầu tư thực của nhà đầu tư để thực hiện chức năng quản lý vĩ mô.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhận xét, dự thảo đã có tiến bộ đáng kể trong việc đơn giản thủ tục hành chính là chỉ áp dụng thủ tục đăng ký đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Các dự án còn lại chỉ áp dụng thủ tục thông báo đầu tư. Tuy nhiên, dự thảo cần rà soát để đảm bảo cơ chế đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành khác, nếu không sẽ làm phát sinh các thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư.

Một số đại biểu cũng cho rằng cần phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đầu tư ra nước ngoài để kịp thời ngăn chặn thất thoát vốn của Nhà nước, đảm bảo hiệu quả của đồng vốn đầu tư, không gây ảnh hưởng tiêu cực, mất cân đối tài chính và ưu tiên đảm bảo vốn phát triển đầu tư trong nước, nhất là trong bối cảnh đất nước đang cần vốn để phát triển kinh tế.

ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) kiến nghị: “Hiện nay, nhiều dự án chuyển nhượng vì nhiều lý do khác nhau. Điều kiện chuyển nhượng dự án đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, cần xem xét, quy định cụ thể đối với trường hợp chuyển nhượng dự án, nhằm đảm bảo tính thống nhất”. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về một số quy định liên quan đến ưu đãi đầu tư, lĩnh vực và địa bàn đầu tư, về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với những dự án đầu tư ra nước ngoài... nhằm hoàn thiện và thể chế hoá các quy định hiện hành thành bộ luật hoàn chỉnh, đảm bảo tính pháp lý cho hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.