Thêm một lao động "chui" tại Angola tử nạn

ANTĐ - Anh Phan Văn Sơn (SN 1973, xóm Phúc Long, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) là lao động tại Angola vừa bị tử nạn vào ngày 12-4. Hiện tại gia đình chưa biết giải quyết việc đưa thi thể anh Sơn về quê như thế nào, vì chi phí quá lớn.

Chiều 13 - 4, bà Nguyễn Thị Kính, 70 tuổi (mẹ nạn nhân Phan Văn Sơn) cho biết, vào rạng sáng 12 - 4 gia đình bàng hoàng khi nhận được cú điện thoại của bạn Sơn từ Angola gọi về thông báo Sơn đã chết. Vào tối hôm trước, Sơn vẫn còn trò chuyện với mọi người bình thường nhưng sáng ra, khi mọi người tỉnh dậy thì thấy Sơn đã chết trên giường ngủ. Mọi người nhận định Sơn chết do đột tử.

Gia đình cho biết, Sơn đi Angola vào cuối năm 2011 bằng con đường du lịch của một đường dây lao động do một người quen ở quê giới thiệu, với chi phí gần 140 triệu đồng Việt Nam. Mức lương hứa hẹn ban đầu là 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên lúc sang đến nơi, Sơn chỉ làm công nhân xây dựng và mức lương không đạt được như lời hứa ban đầu. Hơn một năm làm việc ở Angola nhưng tiền lương Sơn gửi về chưa đủ trả tiền chi phí bỏ ra.

Hai con gái đau đớn tột độ trước cái chết bất ngờ của cha nơi đất khách 

Anh Sơn đã có vợ và hai đứa con, hoàn cảnh gia đình bố mẹ khó khăn nên khi lập gia đình, Sơn bàn với vợ cắm "sổ đỏ" và vay tiền ngân hàng đi xuất khẩu nước ngoài, với mong muốn kiếm thêm thu nhập và trang trải cuộc sống. Ai ngờ chưa thực hiện được giấc mộng thì gặp nạn.

Nhận được tin Sơn tử nạn, gia đình đã lập vội bàn thờ để thắp hương. Còn việc đưa thi thể Sơn về nước thì gia đình cũng chưa biết thế nào. "Anh em bên đó điện về nói, chi phí đưa thi thể Sơn về hết khoảng hơn 600 triệu đồng Việt Nam. Số tiền này quá lớn, gia đình tôi có bán hết gia tài cũng chưa đủ tiền...", bà Kính nói trong nước mắt.

Hiện tại cộng đồng người việt tại Angola cũng đang tìm cách quyên góp tiền và liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola nhờ can thiệp để đưa thi thể anh Sơn về quê mai táng.

Trước đó, vào ngày 5-4 vừa qua, thi thể anh Nguyễn Đức Cao (26 tuổi, ở xã Nghi Kim, thành phố Vinh) và Nguyễn Công Nguyên (SN 1984, trú ở khối Tân Diện, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) là lao động "chui" tại Angola tử nạn hơn 10 ngày trước đó, đã được đưa về quê mai táng. Tất cả số tiền chi phí đều do cộng đồng người Việt tại Angola và Đại sứ quán, Cục lãnh sự (Bộ ngoại giao) ở Angola can thiệp. Như vậy chỉ trong thời hơn 1 tháng, riêng Nghệ An đã có 3 lao động "chui" tại Angola tử nạn.

Ông Nguyễn Hữu Chính - xóm trưởng xóm Phúc Long - cho biết: "Hiện tại chúng tôi đang vận động người dân trong xóm quyên góp ủng hộ, chia sẻ nỗi đau cùng gia đình anh Sơn".

Sở LĐ - TB - XH tỉnh Nghệ An và Bộ LĐ-TB-XH- khẳng định cho đến nay, bộ chưa cho phép bất cứ doanh nghiệp nào đưa lao động sang làm việc tại Angola. Các chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục của Việt Nam đang làm việc tại Angola là đi theo các thỏa thuận về hợp tác lao động ký giữa hai chính phủ từ nhiều năm trước.