Phục vụ nhân dân từ những việc làm nhỏ nhất

ANTĐ - Trong buổi làm chứng minh thư, khi được các cán bộ của Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm tận tình giúp đỡ, cụ Ngô Đình Cần đã rất cảm động. Cụ nói: “Việc làm tận tâm của các đồng chí thật đáng trân trọng. Đây không chỉ là sự quan tâm đối với người dân mà còn thể hiện rõ nét nhất tinh thần vì nhân dân phục vụ của lực lượng Công an Thủ đô”. Nói rồi cụ lấy chiếc kèn Ác-mô-ni-ca và thổi tặng các chiến sĩ Công an Hà Nội nhạc phẩm “Tiến quân ca” khiến cho tổ công tác hết sức xúc động. 
Phục vụ nhân dân từ những việc làm nhỏ nhất ảnh 1

Ảnh: Nguyễn Huy Quý

Thay vì phải lặn lội một quãng đường dài dưới trời nắng nóng với sự “hộ tống” của những người thân trong gia đình để đến trụ sở công an làm chứng minh thư nhân dân. Giờ đây những những trường hợp người già yếu, bệnh tật, đi lại khó khăn có nhu cầu được làm chứng minh thư đều được các cán bộ công an TP Hà Nội tận tình đến tận nhà để giúp đỡ. Việc làm tuy nhỏ của của các cán bộ chiến sĩ trong lĩnh vực quản lý hành chính nhưng đã lan tỏa được những niềm vui lớn đến với người dân, giúp cho tình cảm của người dân với lực lượng công an ngày một thêm gắn bó.

Gặp các anh tôi mới tin đó là sự thật

Hà Nội trong những ngày nắng nóng kỷ lục, theo chân Thượng úy Trần Thái Hòa - Phó đội trưởng đội Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an quận Ba Đình chúng tôi tìm đến phố An Dương. Như thường lệ, đây là một chuyến khảo sát của đội Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an quận Ba Đình để chuẩn bị cho việc cấp Chứng minh nhân dân lưu động tại nhà cho người dân. So với việc cấp chứng minh thư 9 số trước đây, những công đoạn của việc cấp chứng minh thư mới loại 12 số phức tạp hơn với nhiều loại máy móc nên nhiều trường hợp yêu cầu bắt buộc cần phải khảo sát trước địa điểm.

Thông qua lời giới thiệu của Thượng úy Trần Thái Hòa, tôi được biết đây là một trường hợp khá đặc biệt. Bà Phạm Thị Tuyết SN 1936 có hộ khẩu thường trú ở tại quận Ba Đình, tuy nhiên nhiều năm qua bà Tuyết sống cùng con dâu theo diện KT2 ở phố An Dương, quận Tây Hồ. Thời gian gần đây do cần phải làm một số giấy tờ thủ tục người nhà mới phát hiện ra bà Tuyết đã bị mất giấy Chứng minh nhân dân. Dù đang sống cùng con dâu ở trên địa bàn quận Tây Hồ, tuy nhiên do hộ khẩu vẫn đang có tại quận Ba Đình nên muốn được làm chứng minh nhân dân bà Tuyết buộc phải quay về Công an quận Ba Đình.

Trước thời điểm của chuyến khảo sát này không lâu, chị Bùi Thị Hiền con dâu của bà Tuyết đã tìm đến đội Quản lý hành chính để hỏi về thủ tục cấp giấy Chứng minh thư nhân dân. Đích thân Thượng úy Trần Thái Hòa đã tiếp chuyện chị Hiền ngày hôm đấy. Khi nghe chị Hiền nói về hoàn cảnh của mình, Thượng úy Trần Thái Hòa đã động viên chị Hiền về nói với cụ Tuyết yên tâm, đội Quản lý hành chính của Công an quận Ba Đình sẽ trực tiếp xuống tận nhà để làm chứng mình nhân dân cho cụ. Và chuyến đi này là việc tiền trạm để phục vụ việc làm chứng minh nhân dân cho cụ Phạm Thị Tuyết.

Đón chúng tôi từ đầu ngõ, chị Bùi Thị Hiền không giấu được vẻ vui mừng của mình. Vừa rót nước mời khách, chị Hiền vừa tâm sự rất chân thành: “Chưa bao giờ tôi nghĩ gia đình mình lại nhận được sự quan tâm lớn như vậy từ phía các anh công an. Mẹ chồng tôi đã gần 80 tuổi cụ bị liệt từ nhiều năm nay không thể đi lại, tôi cứ đinh ninh rằng việc làm chứng minh nhân dân cho cụ chắc chắn sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức nhưng tôi không ngờ rằng khi biết nguyện vọng của gia đình các anh cảnh sát quản lý hành chính lại nhiệt tình và tận tâm như vậy. Tôi thực sự rất cảm động và không biết nói gì hơn”.

Chị Hiền đưa chúng tôi lên thăm cụ Phạm Thị Tuyết trong căn phòng nhỏ trên gác 2. Trong thời tiết nắng nóng, cụ Tuyết dù đang khá mệt và yếu nhưng khi được con dâu giới thiệu có đồng chí công an đến khảo sát để chuẩn bị làm chứng minh nhân dân cụ vui vẻ và phấn khởi hơn hẳn.

Tuy không nói chuyện được nhiều nhưng khi Thượng úy Trần Thái Hòa giới thiệu về việc chỉ sau 2 ngày cụ Tuyết sẽ được làm chứng minh nhân dân mới trong mắt cụ ánh lên niềm vui sướng. Cụ Tuyết đưa đôi tay run run nắm lấy tay Thượng úy Trần Thái Hòa cảm động nói: “Dù đã được con dâu nói trước là sẽ có các cán bộ công an sẽ đến tận nhà làm chứng minh thư nhưng hôm nay được gặp các anh tôi mới tin đó là sự thật. Cám ơn các đồng chí công an đã giúp đỡ cho tôi có được chứng minh thư mà gia đình không gặp phải khó khăn gì”.

Tâm sự với chúng tôi Thượng úy Trần Thái Hòa cho biết, không phải chỉ riêng những trường hợp đặc biệt như của cụ Phạm Thị Tuyết mà tính từ tháng 8 năm 2014 đến nay, đội Quản lý hành chính của Công an quận Ba Đình đã thực hiện việc cấp chứng minh nhân dân lưu động tại nhà cho gần 70 trường hợp và trong thời gian tới sẽ tiếp tục tiến hành rà soát tất và cấp cho tất cả những trường hợp người già yếu, bệnh tật, đi lại khó khăn. Trường hợp của cụ Tuyết, sau buổi khảo sát này chúng tôi sẽ cử tổ làm chứng minh nhân dân xuống tận nơi để tiến hành làm chứng minh thư cho cụ.

Rời nhà của cụ Phạm Thị Tuyết, Thượng úy Trần Thái Hòa đưa tôi đến gia đình của bà Nguyễn Thúy Bình SN 1953, một trong những công dân đầu tiên của quận Ba Đình được cấp giấy chứng minh nhân dân lưu động tại nhà. Căn nhà nằm trên tầng 2 ở sâu trong một căn ngõ hẹp của phố Hòe Nhai. Gần 1 năm trôi qua nhưng bà Bình vẫn còn nhớ như in câu chuyện về lần được các cán bộ công an quận đến nhà làm Chứng minh nhân dân.

Chồng bà bị bệnh thiểu năng tuần hoàn não không đi lại được, chứng minh nhân dân cũ của cả hai ông bà đều bị thất lạc đã lâu, cũng nghĩ đến lúc sẽ phải sử dụng đến, nhưng chưa biết làm thế nào. Có đôi lúc bà cũng nghĩ sẽ cố gắng nhờ con cháu đưa chồng đến công an quận để làm thủ tục xin cấp lại chứng minh nhân dân mới. Tuy nhiên phần vì ngại, phần vì bận nhiều công việc nên ông bà vẫn chưa thực hiện được ý định của mình.

Bà Bình tâm sự, khi có anh Cảnh sát khu vực đến nhà thông báo sẽ có tổ công tác của Công an quận Ba Đình đến tận nhà làm thủ tục cấp Giấy chứng minh nhân dân mới cho hai vợ chồng tôi bất ngờ và vui lắm, tôi không thể nghĩ được rằng hoàn cảnh của mình lại được các đồng chí công an quan tâm đến như vậy. Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, bà Tuyến còn không quên kể câu chuyện nhân dịp Tết vừa rồi khi bà về quê và đem câu chuyện các anh công an đến tận nhà để làm Chứng minh nhân dân để kể với mọi người, ai cũng đều hết sức cảm động trước sự tận tình của lực lượng công an Thủ đô.

Phục vụ nhân dân từ những việc làm nhỏ nhất ảnh 2

Cụ ông 104 tuổi thổi kèn bài Tiến quân ca

Cho đến bây giờ tổ cấp Chứng minh thư của Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Hoàn Kiếm vẫn chưa quên được câu chuyện cảm động ở nhà cụ Ngô Đình Khẩn tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm. Vào một buổi chiều đầu tháng 6 nắng như đổ lửa, theo chương trình kế hoạch đã được vạch sẵn, tổ công tác của Công an quận Hoàn Kiếm có mặt ở nhà cụ Ngô Đình Khẩn để tiến hành làm chứng minh thư cho cụ.

Trường hợp của cụ Ngô Đình Khẩn cũng khá đặc biệt. Cụ Khẩn sinh năm 1911, như vậy tính đến thời điểm hiện nay cụ đã tròn 104 tuổi. Cụ Khẩn hiện vẫn còn giữ lại được chiếc chứng minh thư nhân dân được cấp từ những năm 1978 của mình. Tuy nhiên do Chứng minh thư của cụ Khẩn đã quá hạn nên Đội quản lý hành chính của Công an quận Hoàn Kiếm quyết định sẽ cấp lại chứng minh nhân dân mới theo mẫu 12 số cho cụ Ngô Đình Khẩn. Hôm các cán bộ trong tổ công tác có mặt tại nhà để làm chứng minh nhân dân, cụ Khẩn vui lắm, cụ ngóng đoàn công tác từ buổi sáng và nhờ anh con trai phải tìm cho mình bằng được chiếc áo mới để chụp ảnh làm chứng minh nhân dân.

Cụ Ngô Đình Khẩn tuy đã ở tuổi ngoài 100 nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Cụ từng là bếp trưởng của Nhà khách Chính phủ, cụ rất giỏi các món ăn đặc biệt là những món Âu, do vậy trước đây mỗi lần Chính phủ mở tiệc đãi khách nước ngoài, cụ Khẩn luôn là người được Bác Hồ lựa chọn làm đầu bếp chính để đãi khách. Trên tường trong căn phòng của cụ Khẩn vẫn còn treo nhiều bức ảnh được chụp chung cùng với Bác trong những sự kiện lớn. 

Trong buổi làm chứng minh thư hôm đó, khi được các cán bộ của Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Hoàn Kiếm tận tình hỗ trợ và giúp đỡ cụ bảo với con cháu rằng cảm nhận được sự chu đáo và tận tình của các cán bộ công an. Khi công việc kết thúc, các cán bộ của tổ công tác còn nán lại để trò chuyện với cụ, lúc này cụ Khẩn nói muốn tặng mọi người một món quà đặc biệt. Và món quà đó khiến cho tổ công tác có mặt lúc đó hết sức xúc động. Cụ Khẩn nhờ anh con trai lấy cho mình chiếc kèn ắc-mô-ni-ca quen thuộc rồi thổi bản nhạc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngô Văn Chưởng con trai của cụ Khẩn cho biết, bản thân ông và gia đình hết sức xúc động và bất ngờ khi được thông báo về việc đội Quản lý hành chính của Công an quận sẽ trực tiếp xuống nhà để làm Chứng minh nhân dân cho cụ Khẩn. “Chứng kiến những việc làm của các đồng chí cán bộ công an quận Hoàn Kiếm nói riêng và của Công an TP Hà Nội nói chung gia đình tôi cảm thấy vô cùng đáng trân trọng. Điều này không chỉ là sự quan tâm của lực lượng Công an với người dân mà nó còn thể hiện rõ nét nhất tinh thần vì nhân dân phục vụ của lực lượng Công an Thủ đô”.

Lan tỏa niềm vui với nhân dân

Tính đến thời điểm hiện nay đã là gần tròn 1 năm Công an TP Hà Nội triển khai việc cấp Chứng minh nhân dân 12 số lưu động tại nhà cho người dân. Điều dễ dàng nhận thấy đó là công việc của người cán bộ cấp phát chứng minh nhân dân thêm một phần bận rộn hơn rất nhiều. Việc cấp chứng minh nhân dân lưu động hầu hết diễn ra vào ngày nghỉ để đảm thời gian hành chính vẫn thực hiện tốt những yêu cầu của người dân. Ngoài ra để thực hiện được một buổi như vậy bên cạnh việc khảo sát, người cán bộ Công an còn phải mất khá nhiều thời gian cho việc di chuyển đến các đại điểm khác nhau với nhiều máy móc lỉnh kỉnh.

Bởi vậy nói như Trung tá Phạm Văn Hiển, Đội trưởng đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Hoàn Kiếm, công việc này đòi hỏi sự tận tâm, hết mình của mỗi các cán bộ, chiến công an mỗi khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Dù phải hy sinh thời gian của ngày nghỉ cho công việc tuy nhiên bù lại với những cán bộ chiến sự trực tiếp thực hiện nhiệm vụ họ nhận được niềm vui không dễ gì có được. Đó chính là mức đo thái độ tín nhiệm, sự tin yêu của người dân với lực lượng công an nói chung và của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính nói riêng đang ngày một tăng lên.

Trung tá Phạm Văn Hiển tâm sự, khi nghe các cán bộ chiến sĩ của tổ công tác kể lại câu chuyện từ nhà của cụ Ngô Đình Khẩn, bản thân anh cũng cảm nhận được đầy đủ niềm vui, hạnh phúc của một người làm công tác phục vụ nhân dân. Anh bảo, chính từ những niềm vui nhỏ này mà chúng tôi sẽ có thêm tinh thần phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn và qua đó sẽ lan tỏa tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với nhân dân đến những mảng công tác khác, tuy nhiên điều quan trong hơn đó là tình cảm của người dân với lực lượng công an ngày một thêm gắn bó.