Cuộc thi sáng tác Tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”:

“Nghề công an, có những số phận ẩn sâu và âm thầm”

ANTĐ - Sau 3 năm phát động, với 3 trại sáng tác được tổ chức, Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã thu về được rất nhiều “trái ngọt”. 

Đó là những tác phẩm, phản ánh chân thực những góc khuất của những cuộc đời, những số phận, những hy sinh lớn lao mà thầm lặng của người chiến sĩ Công an nhân dân. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Phó Trưởng ban Thường trực tổ chức cuộc thi.

- PV: Lần thứ ba tổ chức cuộc thi viết đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, ông đánh giá như thế nào về chất lượng các tác phẩm dự thi. Ở góc độ thành viên BTC, ông đã cảm thấy hài lòng chưa?

- Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Cuộc thi được khởi động lần đầu tiên vào năm 1999, cứ 5 năm diễn ra một lần. Mỗi lần xét chọn giải, chúng tôi đều tìm thấy được những tác phẩm xuất sắc. Ví như nhà văn Hồ Phương với tác phẩm “Yêu tinh”, rồi cố nhà văn Hữu Mai với “Đêm yên tĩnh”. Sau này có Bùi Anh Tấn với “Một thế giới không có đàn bà”, Chu Thanh Hương với “Hoa bay”. Mùa giải năm nay thì có “Bão ngầm” của Đào Trung Hiếu và “Đơn tuyến” của Phạm Quang Đẩu.

“Nghề công an, có những số phận ẩn sâu và âm thầm”  ảnh 1

 Vui nữa là cuộc thi lần nào tổ chức cũng tìm thấy những cây viết trẻ. Đây là cuộc thi được tổ chức bởi Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam, nói thật là ít có bộ, ngành nào tổ chức được những cuộc thi dài hơi, thường xuyên và có nhân duyên như cuộc thi này. Bạn hỏi BTC đã hài lòng chưa à? Hài lòng thì có, nhưng thỏa mong ước thì chưa. Tôi mong sẽ có thêm nhiều  tác phẩm đa chiều về người chiến sĩ công an nhân dân, để từ đó bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu và thêm chia sẻ với chúng tôi.

- Thật ra, so với những dòng văn học khác, dòng văn học viết về đề tài CAND còn khiêm tốn, bên cạnh đó, những tác phẩm xuất sắc về đề tài này cũng không phải là ít. Hình như hoạt động quảng bá về dòng văn học này còn hạn chế?

- Đúng là do công tác truyền thông quảng bá về dòng văn học này chưa thật sự tốt, hay nói đúng hơn là việc “PR” hình ảnh còn chưa được coi trọng. Các tác giả thì cứ cần mẫn sáng tạo tác phẩm, cũng ngại nói về mình, về tác phẩm của mình; trong khi NXB  cũng ít tổ chức các kỳ cuộc giới thiệu tác phẩm. Các ngành nghề khác thì tôi nghĩ là dễ tiếp cận hơn, chứ công an là nghề có nhiều đặc thù, ở đó có những số phận ẩn sâu và âm thầm.

Cũng chính thế mà từ nhiều năm nay, ở các cuộc thi viết, BTC đều mời những tác giả không công tác trong ngành công an tham dự, tiếp cận lực lượng như: Hồ Phương, Lê Lựu, Chu Lai, Bảo Ninh, Xuân Đức… để từ đó có những phản ánh đa sắc, đa chiều hơn về cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm, giữ gìn bình yên cuộc sống của nhân dân. Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, cách nhìn nhận và tập trung nội lực vào việc tự mình quảng bá hình ảnh cho mình cần phải thay đổi. Ví như cuốn “Đơn tuyến” vừa đoạt giải A chẳng hạn. Tôi nghĩ, bất cứ ai đọc cũng sẽ bị cuốn hút ngay lập tức. 

- Ông vừa nhắc đến “đặc thù nghề nghiệp” có khi phải ẩn sâu và âm thầm. Nhưng, đặc thù nghề nghiệp rất có thể mang lại sự hấp dẫn với công chúng nữa?

- Tôi chỉ nói đơn giản thế này, ngành Công an gắn bó mật thiết với người dân, từ khi sinh ra làm hộ khẩu cho tới lúc già yếu, mất đi thì làm khai tử. Rồi trong cuộc sống bao nhiêu những việc liên quan sát sườn đến cuộc sống người dân. Công an bị “soi” nhiều chiều lắm. Họ như một thanh sắt được đặt trong môi trường axít vậy, phải làm thế nào để thanh sắt không bị mài mòn! Cái khắc nghiệt của nghề công an là vậy.

- Trước đây từng có loạt phim truyền hình về đề tài công an, nhưng một vài trong số đó đã bị ngay những người trong ngành phản ứng, bởi trong phim có sự cường điệu hóa quá mức, kịch quá mức. Hình như những người làm tác phẩm ấy không tìm đâu ra câu chuyện về cuộc đời chân thật để đưa vào phim. Liệu những tác phẩm văn chương có giẫm phải lối mòn này không? 

- Tôi nghĩ là bất cứ việc gì cũng cần phải hoàn thiện dần dần. Ví như bạn đề cập đến chuyện phim truyền hình về đề tài công an thì tôi cũng xin nói về đề tài này. Để tránh những chi tiết “sạn”, đoàn làm phim phải có cố vấn nghệ thuật, cố vấn nghiệp vụ, rồi vai trò đặc biệt quan trọng của đạo diễn nữa. Chuyện này luôn mắc phải không chỉ ở nước ta đâu. Chính vì thế, ngoài việc tổ chức cuộc thi viết, chúng tôi luôn mời những nhà văn ngoài ngành cùng tham gia để họ có thể hiểu hơn về những đặc thù nghề nghiệp của ngành công an. Bên cạnh đó, cuộc thi đều có sự tham dự của những cây viết chủ lực, trưởng thành từ ngành công an. Bởi thế, những thứ cường điệu quá mức đó, tôi nghĩ có thể hạn chế được từ chính sự trải nghiệm thực tế.

- Cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện!