“Lưới đỡ” đủ sức nâng

ANTĐ - Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2018 trở đi, lao động nữ nghỉ hưu phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội và lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi phải có đủ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được nhận mức lương hưu tối đa 75%. Đại diện Bộ LĐ-TB&XH giải thích, tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu của các quốc gia, nhằm tăng thời gian đóng bảo hiểm và giảm thời gian hưởng. Đây là giải pháp để đẩy lùi nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Mặc dù các chuyên gia và lãnh đạo ngành lao động đều khẳng định, Luật BHXH (sửa đổi) không bắt buộc kéo dài tuổi hưu, song hầu hết người lao động đều hiểu rằng, tới tuổi nghỉ hưu, để được hưởng 75% lương, họ phải đóng bảo hiểm liên tục từ năm 25 tuổi, thay vì từ 30 tuổi như hiện nay. Nếu không, để được hưởng mức lương hưu tối đa, họ phải đi làm và đóng bảo hiểm thêm 5 năm dù đã đến tuổi nghỉ hưu. Có nghĩa là, tới lúc đủ điều kiện hưởng mức lương hưu 75%, thì lao động nữ đã 60 tuổi và lao động nam là 65 tuổi.

Dư luận cho rằng, thực tế có những người có trình độ, năng lực và sức khỏe muốn tiếp tục đóng góp cho xã hội, tuy nhiên, với một lực lượng lao động không nhỏ, công thức tính mới này thực sự là một gánh nặng quá sức nếu phải cố gắng “cày” thêm cho đủ 30 năm. Đó là chưa nói với cách tính đó, ngay cả với quy định hiện hành, không ít người lao động khi cầm được sổ hưu cũng đã mắt mờ, chân chậm. 

Tại cuộc họp báo vừa diễn ra về cách tính lương hưu mới, nhiều ý kiến phản ánh BHXH Việt Nam đang thiếu minh bạch, người nộp bảo hiểm không biết tiền của họ được quản lý ra sao, sử dụng thế nào. Nhân sự của cơ quan này quá lớn, cồng kềnh gây tốn kém. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho biết, sau khi đi giám sát thực hiện Luật BHXH ở một số địa phương, đoàn giám sát của Quốc hội nhận xét các địa phương hiện chỉ giao việc cho đại lý bán bảo hiểm là coi như xong việc. Chưa kể BHXH Việt Nam lại đưa ra một số hướng dẫn không thuận với người tham gia bảo hiểm, không đúng với quy định trong luật khiến người dân gặp rắc rối, khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm.

Một vấn đề đang được xã hội rất quan tâm là Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 Luật BHXH cho phép người lao động có thời gian đóng bảo hiểm ngắn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt. Ý kiến của một số chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đều đồng tình với nguyện vọng của người lao động được hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, trước tiên Quốc hội phải có thời gian để lắng nghe ý kiến của người lao động, sau đó kết luận sửa hay không sửa. An sinh xã hội được ví như “tấm lưới đỡ” của người lao động, trong đó BHXH là mắt lưới quan trọng nhất, phải làm sao đủ sức nâng cuộc sống, quyền lợi của hàng triệu người.