Giảm bớt người để tăng lương

ANTĐ - Trước kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất hoãn lộ trình tăng lương trong năm tới. Tuy nhiên, với nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn, Quốc hội đã chấp nhận đề xuất tăng lương. Theo đó, 5 triệu người thuộc 3 nhóm đối tượng sẽ được tăng lương đầu năm 2015, bao gồm người nghỉ hưu, người có công và cán bộ công nhân viên chức hưởng mức lương 3 triệu đồng/tháng. Mức tăng dự kiến khoảng 8% mức lương tối thiểu, tương đương 90.000 đồng mỗi tháng. 

Bộ Tài chính cho biết, mặc dù phương án tăng lương khá “khiêm tốn” song  ngân sách cũng phải chi thêm 11.000 tỷ đồng. Trước đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, chỉ cần tăng lương thêm 100.000 đồng mỗi tháng, phải cần đến 40.000 tỷ đồng trong năm 2015, một gánh nặng quá lớn trong bối cảnh hiện nay.

Ghi nhận cố gắng lớn của Chính phủ, song Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn cho rằng, phần lớn người hưởng lương có đồng lương, trợ cấp quá thấp, trong khi giá cả luôn trực chờ tăng. Ai cũng biết, hiện nay công chức không thể sống với đồng lương nên họ chỉ làm việc tương ứng với mức lương và ra ngoài làm thêm khiến năng suất lao động càng xuống thấp.

Một chuyên gia về tiền lương nhận định, với mức tăng sẽ thực hiện, lương dần trở thành trợ cấp, chứ không phải tiền lương đúng nghĩa. Hàng năm, ngân sách bố trí hành chục nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương, nhưng chất lượng cán bộ, công chức, viên chức không được nâng cao. Bộ máy vẫn trì trệ gây phiền hà và lãng phí lớn cho ngân sách.

Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức trở nên giàu bất thường, không quan tâm đến đồng lương của mình. Bài toán tăng lương ngày càng trở nên nan giải trong khi kết quả điều tra cho thấy, 75% số công chức trả lời tiền lương không đáp ứng đủ nhu cầu sống. Vì vậy, có tới 33% người được hỏi cho biết phải dùng giờ hành chính để làm thêm. Dù mức lương thấp, nhưng 36% người được khảo sát vẫn thừa nhận làm việc trong khu vực Nhà nước cho họ cơ hội kiếm thêm thu nhập. 

Để có nguồn tăng lương, một giải pháp trong tầm tay, hoàn toàn khả thi đã được bàn luận từ rất lâu nhưng chưa được thực hiện quyết liệt: tinh giản biên chế bộ máy Nhà nước. Bộ Nội vụ đã đề xuất, giảm 100.000 công chức, chưa đầy 0,5% đội ngũ 2,8 triệu người mà cũng vấp phải trở ngại. Trong khi, rõ ràng, muốn tăng lương, buộc phải cắt giảm những người làm việc không hiệu quả.