Trung Quốc leo thang trên Biển Đông: Ra sức gây rối, cố tình tạo tranh chấp

ANTĐ - Trung Quốc lại leo thang ở Biển Đông. Tàu vũ trang dưới vỏ hải giám, hải tuần có máy bay trực thăng đang công khai xâm nhập các vùng nước thuộc chủ quyền và cả quyền quản lý trên thực tế của Việt Nam. 

Trong những ngày đầu tháng 3-2013 Trung Quốc đã cử một số tàu hải tuần thực hiện tuần tra tại Biển Đông, trong đó có khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các tàu Hải tuần 21, Hải tuần 31 và Hải tuần 166 hôm 28-2 xuất phát từ cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc, để ra Biển Đông thực hiện cái gọi là “nhiệm vụ tuần tra định kỳ”. Đây là cuộc tuần tra thứ hai trên vùng biển nước khác của Trung Quốc, sau khi hai tàu khác rời Quảng Châu bắt đầu nhiệm vụ “tuần tra thường xuyên” trên Biển Đông hôm 20-2. Một trực thăng của hải giám Trung Quốc đã tuần tra ở vùng biển gần rạn san hô ở cụm Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa, vào chiều ngày 4-3.

Trước những diễn biến trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã thể hiện quan điểm trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 7-3: “Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động tại các khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam, đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và chúng tôi kiên quyết phản đối”.

Bước leo thang này cùng với việc tăng dần sức ép về quân sự, ngoại giao kinh tế với các nước xung quanh đã cho thấy dã tâm không thay đổi của một số thế lực bá quyền Trung Hoa đang muốn nuốt gọn Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. 

Năm 1995, Trung Quốc đưa ra “Chiến lược khai thác biển” với mục tiêu biến Trung Quốc thành cường quốc thế giới về biển; có khả năng kiểm soát và khống chế đường biển, khai thác tài nguyên biển. Trung Quốc cho rằng không thể trở thành cường quốc toàn diện nếu không phải là cường quốc biển.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc không ngần ngại sử dụng lực lượng quân sự trong việc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng. Trên biển Đông, Trung Quốc cũng đã 3 lần sử dụng vũ lực để nhằm chiếm các đảo mới. Và ngay trong thời điểm này Trung Quốc cũng đang tập trung tăng cường sức mạnh quân sự. Trung Quốc cũng luôn để ngỏ khả năng mở rộng chiếm đóng mới, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra khảo sát tìm kiếm thăm dò tài nguyên, sử dụng lực lượng quân sự mạnh để hỗ trợ, bảo vệ hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trên biển, phát triển trang thiết bị cảnh giới biển và công nghệ khai thác biển sâu.

Để đạt được mục đích của mình, ngoài gây sức ép, ra sức gây rối, cố tình tạo ra các tranh chấp trên Biển Đông với các nước láng giếng, Trung Quốc còn dùng “chiến thuật” ngoại giao xảo quyệt khi thực hiện chính sách vừa lôi kéo, vừa chia rẽ các nước ASEAN, dùng nước này ép nước kia, hạn chế vai trò và ảnh hưởng của các nước lớn khác như Mỹ, Nhật; tập trung mũi nhọn sức ép vào Việt Nam, cho Việt Nam là đối tượng chính, áp dụng thủ thuật “ngoại giao cấp cao”, “đại cục quan hệ”, “trả đũa mạnh” để hạn chế đấu tranh của Việt Nam. Khi buộc phải ký và tham gia vào Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) với ASEAN, Trung Quốc đã cố gắng đưa vào các bổ sung để đảm bảo không gây cản trở đến việc thực hiện ý đồ “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc, không để ASEAN co cụm với nhau trong diễn đàn DOC và quá trình xây dựng quy tắc ứng xử, tìm cách gạt bỏ chủ đề biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của ARF, phong trào không liên kết và đặc biệt Trung Quốc kiên quyết phản đối phương thức đàm phán đa phương, chỉ muốn tiến hành đàm phán song phương, mặc dù có những tranh chấp có liên quan đến nhiều bên. 

Trung Quốc thúc ép mạnh mẽ các nước trong khu vực thực hiện chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”... Thực chất, ngoài khu vực Trường Sa, các khu vực Trung Quốc muốn “cùng khai thác” với các nước liên quan đều là các khu vực nằm trong phạm vi vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa của các nước có tiềm năng dầu khí. Do vậy, đề xuất “gác tranh chấp, cùng nhau khai thác” này của Trung Quốc không thể chấp nhận được trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 

Tóm lại, chủ trương của Trung Quốc từng bước tăng cường, mở rộng khả năng kiểm soát khống chế và tranh giành lợi ích tài nguyên ở biển Đông, dùng vị thế ở biển Đông để răn đe các nước trong khu vực, phá thế bao vây cô lập của Mỹ, Nhật - là nhất quán và bất biến. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, học giả quốc tế thì chính sách của Trung Quốc là nguồn gốc cơ bản gây ra tình hình bất ổn định trên biển Đông. Họ thể hiện một thái độ lì lợm chỉ nhìn thấy lợi ích của mình, bất chấp sự phản ứng của các nước láng giềng và dư luận quốc tế.

Mặc dù chúng ta đang ở cạnh một nước lớn đã từng gây ra hàng chục cuộc chiến tranh xâm lấn, dân tộc chúng ta vẫn luôn mong muốn hòa bình. Chúng ta đã trải qua nhiều cuộc mưu toan xâm lấn của những thế lực bá quyền, song những thế lực bá quyền đó đều thất bại. Vì sao? Vì trước ngoại xâm cả nước ta là một khối đoàn kết cứng rắn kiên định bảo vệ chủ quyền đất nước. Sự kiên định như đá tảng sẽ là vũ khí chống lại mọi âm mưu xảo quyệt. Mỗi khi kẻ thù của chúng ta đụng chạm đến chủ quyền dân tộc, chúng ta đã cho mọi kẻ thù biết đến những thất bại ê chề. Và thái độ của chúng ta bây giờ là gì? Hãy kiên trì đoàn kết, kiên định một mục tiêu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Đó là phương châm của dân tộc ta.