Tiền dân thất thoát, ai chịu trách nhiệm?

ANTĐ - ĐBQH Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng, tình trạng thất thoát khi sử dụng ngân sách nhà nước vẫn diễn ra. Đây là tiền của nhân dân nên cần làm rõ cá nhân vi phạm cũng như cơ quan sử dụng ngân sách không hiệu quả.

Nhiều khu đất vàng để hoang hóa phản ánh tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát trong
xây dựng cơ bản (Ảnh minh họa)

Hôm nay (25-5), Quốc hội (QH) đã tiến hành thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số thu cân đối NSNN năm 2011 là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN).

Trong đó, thu theo dự toán QH giao năm 2011 là 721.804 tỷ đồng, vượt 126.804 tỷ đồng (21,3%), tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ (tăng thu NSNN 7 - 8% so với dự toán đã được Quốc hội phê duyệt).

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đánh giá, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, nhờ tăng thu NSNN đã có thêm nguồn lực để thực hiện được một số nhiệm vụ quan trọng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Nhưng qua quyết toán thu NSNN vượt cao so với dự toán, tăng gấp 3 lần so với mục tiêu phấn đấu tăng thu của Chính phủ thể hiện công tác lập dự toán chưa sát. Bên cạnh nguyên nhân lập và giao dự toán thu bảo đảm tính an toàn trong điều hành ngân sách còn do công tác dự báo chưa tốt, làm ảnh hưởng nhất định tới công tác chỉ đạo, điều hành NSNN. Đây là hạn chế mà QH đã có ý kiến nhưng chưa khắc phục được.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, xét về tổng thể, cả 4 nguồn thu chủ yếu của NSNN đều tăng so với dự toán được giao, nhưng số thu NSNN vượt dự toán chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố khách quan, chiếm tỷ trọng lớn là do giá cả tăng, điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, tăng thu từ tài nguyên (dầu thô) và các khoản về nhà, đất. Yếu tố tăng thu do sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu. Điều đó phản ánh thu NSNN tuy tăng cao nhưng thiếu vững chắc, chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế.

Ở phần thảo luận, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) phát biểu, qua nghiên cứu nhiều năm QH thông qua quyết toán NSNN, tôi thấy có một số tồn tại lớn, đó là: trong phân bổ ngân sách luôn có tình trạng bố trí dàn trải, phân bổ vốn không bảo đảm thời gian, không đúng đối tượng, trả nợ xây dựng cơ bản chưa nghiêm; nợ thuế kéo dài...

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị Chính phủ cần giải trình thêm về chi: năm 2011 tập trung kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng chi đầu tư phát triển tăng 37%, chi xây dựng cơ bản tăng 34%... con số này nói lên điều gì? Vậy chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô có phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ hay không? Và tăng chi như vậy, hiệu quả của nó như thế nào, có tác động đến năm 2012 không mà GDP năm 2012 chỉ tăng 5,03%?

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng quyết toán cần đóng góp nhiều hơn vào công tác phòng chống tham nhũng. “Báo cáo kiểm toán nêu nhiều cái không”- ông nói- “không đúng thời gian, không phân bổ hết vốn được giao, không đủ thủ tục, không đúng cơ cấu chương trình được duyệt, không đúng đối tượng mục tiêu, không sát thực tế, một số địa phương... Những cái không này là mảnh đất tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực phát triển”. Ngoài ra ĐB Đỗ Mạnh Hùng cũng nêu những con số đáng suy nghĩ: “Thất thu lớn, nợ đọng thuế trên 35.000 tỷ đồng, tăng 35% so với 2010”.

Ý kiến đóng góp của ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) nhận được nhiều sự quan tâm của nghị trường. Bà nói: “Quan nghiên cứu báo cáo quyết toán NSNN 2011 và báo cáo kiểm toán nhà nước, tôi thống nhất với báo cáo thẩm tra. Nhưng kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý sử dụng ngân sách chưa nghiêm, thất thoát ngày càng tăng trong xây dựng cơ bản, tình trạng đầu tư dàn trải chưa được khắc phục. Đây là tiền của của nhân dân, Quốc hội cần xem xét kỹ để xử lý nghiêm minh những ai làm thất thoát nguồn lực Quốc gia. Báo cáo quyết toán cần phân tích, chỉ rõ trách nhiệm những cơ quan, tổ chức sử dụng không hiệu quả NSNN”.