Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Bỏ pháp y công an tỉnh sẽ rất lãng phí

ANTĐ - Hôm qua, 29-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giám định tư pháp. Đa số ý kiến ĐBQH cho rằng, nên giữ pháp y trực thuộc Công an cấp tỉnh. 

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật do Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, về mô hình tổ chức giám định tư pháp, do còn những ý kiến khác nhau, UBTVQH trình Quốc hội xem xét 2 phương án. Phương án 1 giữ như dự thảo, đồng thời, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết thi hành Luật Giám định tư pháp, trong đó, xác định rõ lộ trình chuyển giao nhiệm vụ giám định ở cấp tỉnh từ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh sang tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế. Phương án 2, căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế địa phương, Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.

Phát biểu tại phiên họp, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đồng tình cao với quy định mở rộng quyền cho đương sự trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp nhằm tạo sự bình đẳng trong quan hệ tố tụng và phù hợp với cải cách tư pháp. ĐB này còn đề nghị mở rộng hơn nữa đối tượng được yêu cầu giám định tư pháp: “Nên quy định đương sự trong các loại án kinh doanh, thương mại và lao động; người bị hại trong vụ án hình sự cũng có quyền yêu cầu giám định. Như vậy mới bao quát được đầy đủ các lĩnh vực xét xử, bảo vệ công lý”. Tuy nhiên, để tránh việc đương sự lợi dụng sự thông thoáng này để kéo dài quá trình xét xử, trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng chỉ nên cho phép yêu cầu giám định trong thời hạn giải quyết vụ án. 

ĐB Nguyễn Đức Chung, Đại tá, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, thẳng thắn: “Với điều kiện hiện nay, đội ngũ giám định viên của ngành y tế phải nhiều năm nữa mới đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng, kịp thời để phục vụ công tác điều tra. Trong khi đó, ngành công an đã có những cán bộ pháp y dày dạn kinh nghiệm, đáp ứng tốt yêu cầu thực tế, nếu bỏ đi sẽ rất lãng phí.

Ngoài ra, toàn bộ số cơ sở vật chất đã được trang bị trong nhiều năm qua lại phải chia, tách, nhập vào các đơn vị khác. Đây là một sự lãng phí kể cả về vật chất cũng như chất xám. Do đó, tôi đồng tình phương án nên để lại bộ phận giám định pháp y tử thi ở Phòng Kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh”. ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nói thêm: “Ngành y tế hiện nay đã quá tải, nên tập trung vào nhiệm vụ chăm sóc tốt cho sức khỏe nhân dân”. Cũng theo Đại tá Nguyễn Đức Chung, sự tồn tại 3 cơ quan giám định pháp y (giám định pháp y của ngành y tế, của quân đội và công an) có ý nghĩa quan trọng trong công tác giám định tư pháp. Sự tồn tại của các cơ quan này lại tạo điều kiện cho thân nhân các gia đình nạn nhân có nhiều quyền lựa chọn hơn, mỗi ngành đều có một thế mạnh riêng, hỗ trợ, bổ sung cho nhau tốt hơn.

Chiều cùng ngày, Quốc hội góp ý về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhiều ý kiến ghi nhận, dự thảo Luật lần này đã khắc phục được đáng kể tình trạng chung chung. ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị bổ sung vào nội dung phổ biến giáo dục pháp luật nhiều chính sách pháp luật thiết thực với người dân như các luật, pháp lệnh về giao thông, văn hóa, xây dựng...