Sinh viên “đói” vốn vay ưu đãi

ANTĐ - Số liệu thống kê ban đầu đến thời điểm này có hơn 1.000 học sinh, sinh viên đang phải xin nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn. Việc chậm trễ, phức tạp trong thủ tục vay vốn ưu đãi đang được không ít sinh viên phản ánh với mong muốn cơ quan chức năng có câu trả lời thỏa đáng.

Vốn vay tín dụng mới chỉ dừng lại ở việc đóng học phí

“Vay nóng” để đóng tiền học

Hàng năm, cứ bước vào năm học mới, hàng triệu học sinh, sinh viên nghèo và từng đấy gia đình lại có chung nỗi lo không có tiền đi học... Ngày 15-10, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã trả lời trực tuyến về vấn đề cho sinh viên vay vốn tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Trước tình trạng học sinh, sinh viên chưa nhận được vốn vay ưu đãi, buộc các gia đình nghèo phải “vay nóng” để có tiền cho con nhập học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết, tình trạng chậm nhận được tiền vay là có. “Chúng tôi đã chỉ đạo các trường có chính sách giãn thu cho các em. Các em thuộc diện cho vay vốn tín dụng sẽ được đóng tiền sau. Chúng tôi đã đề nghị các trường cùng chia sẻ khó khăn với nhà nước, không bắt các em phải nộp ngay. Các em nào diện gia đình nghèo, chưa có điều kiện đóng thì cho các em đóng sau. Các em bị trường thúc ép thì hãy phản ánh với Bộ GD-ĐT. Chúng tôi sẽ can thiệp”.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, Thủ tướng vừa chỉ đạo Bộ GD-ĐT kiểm tra và báo cáo ngay tình hình nhiều học sinh bỏ học. Qua kiểm tra, số lượng này chỉ khoảng 1.000 nhưng rải rác ở các trường. Theo thống kê, các em bỏ học có nhiều lý do khác nhau, có thể có công việc hay do điều kiện bố mẹ ốm phải nghỉ để chăm sóc… Giải thích về tình trạng chậm và khó khăn trong thủ tục vay vốn ưu đãi cho sinh viên, ông Lò Văn Đức, Giám đốc Ban Tín dụng Học sinh sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua có trục trặc nhỏ, khi ngân hàng có ban hành mẫu xác nhận mới, đã công bố nhưng có trường chưa cập nhật kịp. “Do nhiều địa phương chưa cập nhật mẫu mới nên chúng tôi đã tham mưu Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chấp nhận mẫu cũ đến hết tháng 6-2013, sau đó thống nhất thực hiện theo mẫu mới để đảm bảo quản lý chung” - ông Đức cho biết.  Theo quy định của ngân hàng, sinh viên năm đầu tiên chỉ phải mang giấy nhập học tại nơi thôn bản, nơi gia đình cư trú sẽ được vay vốn. 

Chưa thể tăng mức tín dụng 

Một trong những ý kiến phản ánh nhiều nhất hiện nay là sự cần thiết tăng mức vốn vay ưu đãi vì đối với những sinh viên theo học tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì tổng chi phí một tháng ít nhất là 3 triệu đồng/tháng, gấp 3 lần mức vay hiện nay.Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, vốn vay 1 triệu đồng/tháng hiện nay không phải là cao. “Tuy nhiên, với mức vay tối thiểu ban đầu là 800.000 đồng/tháng cho một sinh viên trong 5 năm thì con số nguồn vốn dành cho chương trình đã lên tới từ 45.000-50.000 tỷ đồng. Nếu lên tới 1,5 triệu đồng, chúng tôi chưa thể cân đối nguồn vốn để đảm bảo cho nhu cầu này”. Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Anh, 1 triệu đồng này đã đảm bảo học phí cho các em không chịu sức ép từ nhà trường, các chi phí sinh hoạt khác vẫn kêu gọi sự hỗ trợ thêm từ gia đình, xã hội.

Trước lo ngại về khả năng nhà nước thiếu vốn cho vay, ông Lò Văn Đức khẳng định, đến thời điểm này kể cả nguồn vốn 2.500 tỷ đồng từ nguồn vay giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới cộng với thu nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện 9 tháng đã đạt 2.600 tỷ đồng. Đến ngày 31-12 sẽ có thể đạt 3.000 tỷ đồng, đã sẵn sàng có đủ vốn cho học sinh, sinh viên vay vốn.