Du lịch Hà Nội: Vẫn quẩn quanh... rối nước

ANTĐ - Hà Nội có điều kiện “vàng” để phát triển du lịch văn hóa di sản với hàng nghìn di tích và nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, trong đó phải kể tới 3 di sản đã được UNESCO vinh danh. Vậy nhưng tới giờ du khách đến đây cũng chỉ loanh quanh đi thăm bảo tàng, thư viện với xem múa rối nước.

Du lịch Hà Nội tới nay vẫn chỉ thu hút khách bằng múa rối nước

“Sáng bảo tàng, tối rối nước”

Tại Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, mỗi tháng có tới hơn 10.000 lượt khách, trong số đó tỷ lệ khách đi theo “tour” chiếm tới 80%. Nhiều người cho rằng đây là con số đáng mơ ước với những người làm du lịch văn hóa. Ấy thế nhưng lại có người thở dài bảo nó chỉ bộc lộ sự yếu ớt của ngành du lịch Thủ đô. Nói vậy là bởi thực tế tất cả các “tour” du lịch Hà Nội trước giờ vẫn chỉ quanh quẩn từ bảo tàng, thư viện đến chùa chiền, đình, đền. Và dĩ nhiên kèm trong chuyến thưởng lãm mất phí này có cả dịch vụ xem rối nước. Múa rối nước vì thế mà trở thành “đặc sản” du lịch của Hà Nội.

Không có địa điểm để khai thác du lịch đã đành, đằng này như nhận định của bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Chánh Văn phòng Tổng Cục Du lịch thì: “Hà Nội có bề dày lịch sử văn hóa với hơn 1.000 năm văn hiến và hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa. Theo số liệu thống kê, có tới 40% di tích trên cả nước tập trung ở Hà Nội. Chỉ riêng điều này đã là một sự thu hút đối với các du khách, nhất là du khách nước ngoài vốn rất quan tâm tới lịch sử, văn hóa Việt Nam. Bởi vậy, tập trung xây dựng phát triển sản phẩm du lịch di sản đang là trọng tâm của du lịch Việt Nam”. 

Thế nhưng, xem ra trọng tâm đó đến nay vẫn chỉ là ý tưởng nằm trên… giấy và những sản phẩm du lịch đặc sắc vẫn cứ… ngủ quên. Còn thực tế thì cho tới nay du lịch Hà Nội vẫn chưa xây dựng được hoàn chỉnh một “tour” du lịch văn hóa, di sản. Lướt qua những điểm đến dành cho du khách trong các “tour” du lịch quanh Hà Nội, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những địa danh quen thuộc như: hồ Gươm, hồ Tây, phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, các bảo tàng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… Dĩ nhiên, không thể thiếu trong mỗi “tour” du lịch đó là một “chầu” thưởng ngoạn nghệ thuật múa rối nước. Chẳng vậy mà các hướng dẫn viên du lịch vẫn thường có câu cửa miệng rằng: “Sáng bảo tàng, tối múa rối nước”. 

Tiềm năng vẫn cứ “ngủ quên”

Gần đây, một số công ty lữ hành đã mạnh dạn đầu tư phát triển thêm các “tour” du lịch văn hóa về các làng nghề cổ xung quanh Hà Nội nhưng vẫn chưa thực sự thu hút du khách. Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, mặc dù Hà Nội sở hữu tiềm năng phát triển du lịch văn hóa rất lớn nhưng lại chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhiều khách du lịch còn bày tỏ sự thất vọng khi so sánh du lịch theo “tour” ở Hà Nội và việc tự xách ba lô đi du lịch. Khách du lịch theo “tour” trong thời gian ngắn lại chỉ được nhìn lướt qua, nghe kể qua loa về lịch sử, về các giá trị văn hóa tinh thần to lớn ở địa điểm du lịch mà chưa thể cảm nhận được những giá trị văn hóa được tích tụ từ nghìn năm nay. Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này chủ yếu là do chưa có sự đồng bộ trong việc xây dựng chương trình, lịch trình đồng thời với việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch văn hóa và di sản. 

Đấy là còn chưa kể đến sự thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ thuyết minh viên. Chẳng đâu xa, ngay chùa Bái Đính, với đội ngũ thuyết minh viên được đào tạo bài bản chuyên nghiệp đã thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng. Điều đó cho thấy, những di tích lịch sử có  nghìn năm như ở Hà Nội, nếu được nghiên cứu xây dựng thuyết minh nghiêm túc, hấp dẫn thì chắc chắn sẽ níu chân được du khách. 

Về phía các doanh nghiệp lữ hành và khai thác du lịch, nhiều người cho rằng du lịch Thủ đô còn sơ sài, yếu bởi đường sá đi lại chưa thuận tiện, dễ gặp tắc đường vào giờ cao điểm. Chưa kể nhiều di tích nằm sâu trong các khu vực làng cổ, đường làng quanh co và nhỏ hẹp. Bên cạnh đó, có nhiều di tích không được quan tâm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Chưa kể có di tích sau khi được sửa chữa, tu bổ đã mất đi hình dáng, nét văn hóa vốn có ban đầu. Đã có nhiều kiến giải để du lịch văn hóa di sản của Hà Nội vươn lên xứng tầm với nguồn lực vốn có của nó nhưng rồi đâu vẫn cứ hoàn đấy, những tiềm năng “vàng” của ngành du lịch Thủ đô vẫn cứ bị bỏ rơi và ngủ quên.