Chủ quan với cúm A/H5N1

ANTĐ - Diễn biến và nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1đang trở nên rất “nóng”. PV Báo ANTĐ ghi lại một số ý kiến chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Thói quen chế biến gà bằng tay không, mất vệ sinh dễ làm dịch bệnh lây lan

Bệnh nhân sẽ còn tăng

Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H5N1 trên người, diễn ra chiều 7-2. Theo ông Long, nguyên nhân là do dịch cúm A/H5N1 đang diễn biến phức tạp và gia tăng nhanh chóng, ngoài 3 tỉnh đã được thông báo dịch còn có thêm 5 địa phương khác nghi có dịch trên đàn gia cầm, trong đó có Hà Nội. Trong khi đó, người dân vẫn còn thói quen giết mổ gia cầm bằng tay trần, không mang thiết bị dự phòng, rồi thói quen ăn các món tươi, chưa chín, đặc biệt là ăn tiết canh sống… nên nguy cơ xuất hiện thêm nhiều bệnh nhân mới mắc cúm A/H5N1 là rất lớn.

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển cũng cho rằng, bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 đều liên quan đến ăn, giết mổ gia cầm bệnh nên khi dịch trên đàn gia cầm tăng thì khả năng tăng bệnh nhân là chuyện bình thường.

Có dấu hiệu chủ quan

Xem xét nguyên nhân tử vong ở 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 mới đây, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, cả 2 đều được phát hiện bệnh muộn, thời gian từ khi mắc bệnh đến khi được điều trị theo phác đồ đặc hiệu bằng tamiflu muộn, kéo dài tới 4 ngày, kết hợp với yếu tố nguy cơ có sẵn của bệnh nhân (phụ nữ mang thai) nên đã tử vong. Có thể nói trong 2 trường hợp này, các bác sĩ đã có dấu hiệu chủ quan, không nghĩ ngay đến cúm A/H5N1 nên chậm cho bệnh nhân điều trị đặc hiệu bằng tamiflu. Ngay như trường hợp trẻ sơ sinh là con của thai phụ tử vong do cúm A/H5N1 (ở Sóc Trăng) dù rất yếu, bị suy hô hấp nặng, nhiễm trùng ối cũng chỉ được cho thở máy. Nếu có điều kiện có thể cho kết hợp thở máy với lọc máu liên tục sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

“2 ca mắc và tử vong do cúm A/H5N1 ở Kiên Giang và Sóc Trăng mới đây mở đầu cho sự quay trở lại của dịch cúm A/H5N1 trên người sau 20 tháng không ghi nhận bệnh nhân. Tôi nghĩ nên tổ chức tập huấn lại cho cán bộ y bác sĩ làm công tác điều trị cúm A/H5N1. Vì có thể hơn 20 tháng qua không có bệnh nhân nên nhiều cán bộ y tế đã lơ là, chủ quan với dịch này, thậm chí quên ít nhiều kiến thức” - TS Kính nêu quan điểm.

Điều trị miễn phí cho bệnh nhân

Vấn đề chi trả viện phí cho người nhiễm cúm A/H5N1 ra sao nếu tiếp tục có nhiều bệnh nhân mắc trong thời gian tới cũng là vấn đề được dư luận quan tâm. TS Nguyễn Văn Kính cho biết, theo kinh nghiệm những năm trước, số bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 đến BV là nông dân (vì trực tiếp chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm) chiếm tỷ lệ lớn và phần lớn họ không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nên muốn miễn phí cho họ cũng khó bởi nguồn kinh phí của BV cho vấn đề này hết sức khó khăn. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT cho rằng, theo luật BHYT thì BHYT chỉ thanh toán cho bệnh nhân có thẻ BHYT, vì vậy không có cách nào khác ngoài việc phải vận động người dân tham gia BHYT nhiều hơn…

Tuy nhiên, giải trình về vấn đề này, ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế cho rằng, theo luật tất cả bệnh nhân nhiễm bệnh dịch truyền nhiễm thuộc nhóm A (trong đó có cúm A/H5N1) thì đều được điều trị miễn phí. Còn kinh phí lấy từ đâu, các bên liên quan cần phải dự trù kế hoạch để báo cáo về Bộ chứ không được thu tiền của bệnh nhân, không được để bệnh nhân thiệt thòi.

Cúm gia cầm đã biến chủng

Là lo lắng của hầu hết các thành viên trong BCĐ Quốc gia Phòng chống cúm gia cầm trước tình hình dịch bệnh tái phát và có nguy cơ lây lan rộng như hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, cùng kỳ năm 2011, không có tỉnh, thành nào có dịch cúm gia cầm, song năm nay, đã xảy ra tại 3 tỉnh. Nghiêm trọng hơn, số gia cầm mắc bệnh không nhiều, nhưng lại có 2 người đã tử vong vì nhiễm virus cúm A/H5N1. “Đánh giá đã đặt ra nghi vấn, độc lực của virus H5N1 đã mạnh hơn, nguy cơ biến chủng virus cao”, ông Sơn nói. Do vậy, ông Sơn đề nghị, cần nhanh chóng lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn gia cầm bệnh tại 3 tỉnh đang có cúm để phân tích, đánh giá lại độc lực, sự biến chủng. Bởi, nguy cơ 1 đợt dịch cúm mới, lan rộng đang rất cao.

Ngoài ra, trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, cả nước chỉ có hơn 1.000 trâu bò bị chết rét, so với năm 2011 là hơn 80.000 con đã giảm rõ rệt, khả năng cung cấp thực phẩm trong thời gian tới khá ổn định.