Rất khó không giật cục

ANTĐ - Biểu đồ lạm phát tính theo năm so với cùng kỳ cho thấy, sự đảo chiều đi lên sau khi đã xuống đáy 5,04% vào tháng 8. Nếu nhìn vào diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tính theo năm thì nước ta chỉ mới thoát khỏi lạm phát cao 2 con số từ tháng 1-2011 đến tháng 8 vừa qua với CPI bình quân 9 tháng tăng 9,96% so với cùng kỳ năm 2011. Lạm phát tháng 9 tăng mạnh là không bình thường. Nỗi lo lạm phát tăng mạnh từ nay đến cuối năm không phải là vô cớ.

Không phải là lạm phát cao có dấu hiệu quay trở lại, mà thực sự đã “có mặt” rồi. Bất chấp tổng cầu tiêu dùng tăng chậm, chỉ số hàng tồn kho tăng cao và sức mua yếu, việc điều chỉnh giá các nguyên nhiên vật liệu thiết yếu một cách dồn dập khiến cho nền kinh tế đột ngột “sốt cao”. “Quản lý giá cả có dấu hiệu bị buông lỏng”, một chuyên gia về tài chính và giá cả nhận xét.

Bằng chứng là, riêng trong tháng 8 xăng dầu 3 lần tăng giá với mức tăng chung trên 12%. Sau khi đã tăng 1 lần vào cuối tháng 7. Rồi giá điện, dịch vụ y tế tăng khiến cho chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng vọt trên 17%. Cộng hưởng với chỉ số giá nhóm giáo dục tăng trên 10%, nhóm giao thông tăng 3,8% và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng trên 2%.

Trong khi giá cả ngoài chợ không tăng thêm sau đợt điều chỉnh mạnh cuối tháng 8, thì trong hệ thống siêu thị, dấu hiệu tăng giá nhiều mặt hàng xuất hiện khi nhiều nhà cung cấp “đe dọa” rậm rịch tăng giá vào đầu tháng 10. Nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, TP.HCM, sau một thời gian cố gắng giữ giá đang “đau đầu” với bài toán giá cả bởi nhiều nhà cung cấp đã “đánh tiếng” sẽ tăng giá. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô đang đứng trước nhiều thách thức, lạm phát trong tháng 9 đột ngột leo cao. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn phục hồi chậm khiến cho nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, chính sách điều hành bị chuyển hướng, mục tiêu kiềm chế lạm phát đã hạ xuống mức ưu tiên thứ hai, sau mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng. 

Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc hội cũng nhận định rằng, CPI tháng 9 cho thấy việc điều hành chính sách vẫn bị động theo diễn biến, mà không chủ động điều hành bám theo lạm phát mục tiêu. Sự băn khoăn lo ngại về chính sách điều hành thiếu nhất quán cũng được một số tiến sĩ kinh tế chia sẻ khi cho rằng, do không chủ động, lường trước sự điều hành chính sách đã khiến cho cả nền kinh tế đang phải bươn chải. Lạm phát đã có dấu hiệu kiềm chế được, vĩ mô tạm ổn định nhưng lại thiếu cẩn trọng trong điều hành giá cả. Có chuyên gia còn thẳng thắn đánh giá, điều hành chính sách vẫn loay hoay trong “vùng trũng mấp mô”. Những năm qua, nền kinh tế vừa phục hồi được tăng trưởng thì sau đó lại nhanh chóng sụt giảm. Lạm phát vừa được kiềm chế lại tăng vọt, niềm tin vào chính sách, theo đó cũng khó bền vững…

Trong các cuộc họp thường kỳ Chính phủ những tháng gần đây, luôn nhấn mạnh đến vấn đề điều hành chính sách kinh tế sao cho không giật cục. Không phải thấy lạm phát giảm thì lại tăng giá cả, rồi lại lạm phát. CPI tháng 9 chưa bao giờ cao như vậy, cao đột ngột, chứng tỏ rất khó điều hành không giật cục.