Nhìn thẳng thách thức

ANTĐ - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về mức tăng trưởng GDP năm 2012 từ 6-6,5%.
Nhìn thẳng thách thức ảnh 1
Tăng trưởng GDP của năm 2011 dự kiến đạt mức tăng khoảng 5,8-6% (Ảnh minh họa)

Song kèm theo đó là một chữ “nếu”. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP đạt được chỉ tiêu đó thì sẽ là tiền đề để phấn đấu đạt mục tiêu cao hơn là 7% trong ba năm cuối của kế hoạch 5 năm và không mâu thuẫn với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ủy ban Kinh tế cho rằng, chỉ tiêu này có khả năng đạt được nếu phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nền kinh tế. Trên diễn đàn Quốc hội những ngày qua, lạm phát vẫn là vấn đề “nóng” nhất. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vấn đề này cũng được các thành viên Chính phủ phân tích sâu sắc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh rằng, với tinh thần nhìn thẳng thách thức, quyết liệt Chính phủ đã đánh giá những mặt tồn tại gắn với trách nhiệm điều hành. Những kết quả mà Chính phủ thực hiện thời gian qua được đánh giá là bước đầu phát huy hiệu quả, đến nay đã bước qua giai đoạn “bước đầu” với những mặt tích cực đã thể hiện rõ ràng hơn. Các chỉ số kinh tế đều sáng sủa, trong đó đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Điều đó chứng tỏ sự điều hành đúng hướng và sự nỗ lực chung của cả hệ thống. Tuy vậy, tăng trưởng GDP của năm 2011 dự kiến đạt mức tăng khoảng 5,8-6%, thấp xa so với chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua là 7-7,5%. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, chỉ tiêu tạo việc làm mới không đạt được mức như dự kiến, những chỉ báo về giảm điện năng tiêu thụ và tăng lượng hàng tồn kho, chứng tỏ nền kinh tế đang phải đối mặt với ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, có dấu hiệu trì trệ trong tăng trưởng. Mục tiêu kiềm chế CPI khoảng 18% từ nay đến cuối năm vẫn là một thách thức rất lớn. Vì vậy Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11. Trước những khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm pháp, Chính phủ chia sẻ bằng cách nghiên cứu sửa đổi các chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khốn khó, phát triển sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, Chính phủ sẽ sớm xem xét đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là tái cơ cấu ngân hàng phải có lộ trình, không để đổ vỡ và luôn phải đảm bảo an toàn tiền gửi của người dân. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, hệ thống ngân hàng đang đặt mục tiêu cơ cấu lại để lành mạnh hơn. Không phải tái cơ cấu thì ngân hàng lớn sẽ lớn mạnh hơn, còn ngân hàng nhỏ sẽ yếu đi và chỉ tái cơ cấu những ngân hàng nhỏ. Về giá điện, giá xăng Chính phủ cũng có lộ trình với các loại giá để xem xét điều chỉnh vào các thời điểm thích hợp. Đối với giá điện, trước khi có điều chỉnh, Chính phủ có yêu cầu ngành điện phải công khai giá thành cũng như kết quả sản xuất kinh doanh, đồng thời Chính phủ sẽ ban hành các giải pháp đi kèm để đảm bảo người nghèo, thu nhập thấp không bị chịu thiệt. Đặc biệt, vấn đề giao thông bức xúc đã được Chính phủ đặt thành một trong những mối quan tâm hàng đầu trong nhiệm kỳ này với quyết định Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia do một Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đảm nhiệm. Nhiều đại biểu Quốc hội hoan nghênh tinh thần nhìn thẳng thách thức, khó khăn của Chính phủ, song cũng lưu ý rằng, chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5% GDP của năm 2012 chỉ thực sự có ý nghĩa khi đi kèm với việc kiềm chế lạm phát dưới một con số. Nếu để lặp lại như trong năm 2011 sẽ phá hỏng các thành quả kinh tế. Giống như một cỗ xe, muốn chuyển hướng điều hành thiên về tăng tốc sang ổn định vững chắc, phải giảm tốc độ, mặc dù “cỗ xe” kinh tế, tăng trưởng và lạm phát không phải là hai mục tiêu triệt tiêu lẫn nhau.