Chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng

ANTĐ - Ông Trần Duy Hải cho rằng, chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng, không thể có gì đánh đổi được. Vàng rất quý nhưng độc lập tự do, chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng.
Vào lúc 16h30, chiều 23-5, nội dung hỏi- đáp tại cuộc họp báo quốc tế về tình hình biển Đông do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức đã diễn ra.
Chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng ảnh 1
Quang cảnh buổi họp báo quốc tế

- PV: Phía Trung Quốc nói Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi công thư cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa (tức Hoàng Sa), và Nam Sa (tức Trường Sa), điều này có đúng không? Công thư có phải là một tuyên bố có giá trị pháp lý không? Nếu không thì công thư này mang ý nghĩa gì?

Ông Trần Duy Hải (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia): Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đông là một văn bản ngoại giao, có giá trị pháp lý về vấn đề nêu trong công thư, đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Tuy nhiên công thư này không đề cập chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Do đó, công thư đương nhiên không có giá trị pháp lý đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Giá trị của công thư phải đặt vào bối cảnh cụ thể. Khi công thư được gửi cho Trung Quốc, lúc bấy giờ Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa...Bạn không thể cho người khác cái mà bạn chưa có được. Công thư không có giá trị công nhận chủ quyền đối với Tây Sa, Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc. 

- PV: Nhà Trắng hôm qua cũng tuyên bố ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc. Việt Nam đã chuẩn bị cho vấn đề này thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà (Vụ trưởng Vụ luật pháp và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao): Việt Nam là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc và là thành viên của Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS), nên có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Hiến chương LHQ, Công ước để giải quyết tranh chấp liên quan.

Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp phù hợp luật quốc tế, và sử dụng các biện pháp này tốt hơn là để xảy ra xung đột vũ trang. Lãnh đạo Việt Nam khẳng định không loại trừ bất cứ biện pháp nào, chúng tôi với tư cách cơ quan tư vấn pháp lý sẽ chuẩn bị mọi biện pháp có thể sử dụng được.

- PV: Có thông tin quân đội Trung Quốc tập trung đưa quân và khí tài tới giáp biên giới? Thông tin chính xác là như thế nào?

Ông Trần Duy Hải: Hoạt động giao thương tại biên giới Việt - Trung vẫn diễn ra bình thường. Những thông tin nêu trên chưa chính xác. Trong cuộc gặp giữa hai Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc vừa qua, hai bên nhất trí không sử dụng biên pháp quân sự để giải quyết bất  đồng. 

- PV: Có thông tin 4 người Trung Quốc tử vong trong vụ gây rối xảy ra gần đây ở miền Trung. Đề nghị cho biết thông tin?

Ông Lê Hải Bình (Người phát ngôn Bộ Ngoại giao): Các cơ quan chức năng Việt nam cho biết, trong cuộc gây rối ở Hà Tĩnh có 2 người quốc tịch Trung Quốc bị chết. Ở Bình Dương, cũng có 1 người Trung Quốc tử vong. Đây là sự việc xảy ra ngoài ý muốn, do đối tượng xấu kích động.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia Trần Duy Hải

- PV: Việt Nam đã có 20 cuộc tiếp xúc để giải quyết vụ giàn khoan Hải Dương 981, nhưng Trung Quốc vẫn có những hành động tiếp tục leo thang. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói với báo chí nước ngoài rằng: Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông. Có phải thời điểm này đã đến giới hạn sự kiên nhẫn của VN không? Xin bình luận về 16 chữ vàng trong quan hệ Việt - Trung?

Ông Trần Duy Hải: Vấn đề chủ quyền hết sức thiêng liêng, không thể có gì đánh đổi được. Vàng rất quý nhưng độc lập tự do, chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng.

- P.V: Gần đây RIA Novosti có bài quan hệ Việt - Trung đưa ra nhiều thông tin không khách quan, xin ông bình luận? Phía Trung Quốc cũng sử dụng thông tin đưa công nhân về nước để bóp méo sự thật về tình hình an ninh trật tự ở Việt Nam. Bình luận của ông về vấn đề này?

Ông Lê Hải Bình: Bài báo thể hiện ý kiến cá nhân hết sức sai trái, xuyên tạc lịch sử, tôi lấy làm tiếc khi một tờ báo đăng tải ý kiến như vậy. Theo làm việc của chúng tôi với Đại sứ quán Nga, đây chỉ là phản ánh ý kiến cá nhân đối với bài báo này.

Những vụ việc gây rối vừa qua xảy ra tại một số địa phương, Việt Nam rất đáng tiếc. Bằng các biện pháp đồng bộ của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, các cấp ngành đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, đưa tình hình trật tự, hoạt động sản xuất kinh doanh trở về bình thường, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục sản xuất. Chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp đảm bảo trật tự, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, đảm bảo không để xảy ra sự cố đáng tiếc. Nước ngoài đánh giá cao phản ứng của Việt Nam. Theo chúng tôi được biết, ngoại trừ Trung Quốc, không có nước nào khác nào rút công dân về nước. 

- Phó Đại sứ Úc tại VN: Giàn khoan của Trung Quốc đã hoạt động 3 tuần. Việt nam đã có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc chuẩn bị tiến hành khoan thăm dò ở vùng biển đó chưa? Thỏa thuận gần đây giữa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc hai bên kiềm chế không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, xin khẳng định thông tin?

Ông Đỗ Văn Hậu (Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia): Theo quy trình của việc định vị và các công tác chuẩn bị tiến hành khoan bình thường thì thời gian đã đủ để tiến hành khoan, tuy nhiên phía Việt Nam chưa tiếp cận được vào giàn khoan nên không có thông tin chính xác giàn khoan đã thăm dò hay chưa. Xin lưu ý theo quy trình thời gian thì đã đủ.

Ông Trần Duy Hải: Trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam đã kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, hai bên sẽ tiến hành trao đổi để sớm ổn định tình hình, tìm biện pháp phù hợp giải quyết. Đến nay Trung Quốc không chỉ vẫn khước từ  thiện chí của Việt Nam, mà còn đưa ra nhiều luận điệu sai trái liên quan chủ quyền của Việt nam ở Biển Đông. Việt Nam nói rõ, hai bên không thể và không nên sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng vì không phù hợp xu thế hiện nay, không phù hợp các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.