Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân:

Sẽ có những sản phẩm khoa học xứng tầm thế giới

ANTĐ - Trao đổi với PV xung quanh dự án Luật khoa học và công nghệ (KH&CN) sửa đổi được Quốc hội thảo luận chiều 20-11, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, nếu được quan tâm và có chính sách đầu tư phù hợp hơn, đến năm 2020, chắc chắn Việt Nam sẽ có những sản phẩm khoa học công nghệ thực sự lớn.

- PV: Được đầu tư không nhỏ nhưng đa phần các công trình nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay chỉ để “đắp chiếu”, ít áp dụng được vào thực tiễn, Bộ trưởng nghĩ thế nào về thực trạng này?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Những người làm nghiên cứu khoa học đều hiểu nguyên lý 10 sản phẩm nghiên cứu thì chỉ ứng dụng ngay được một vài sản phẩm. Những sản phẩm, công trình nghiên cứu khác phải chờ thời. Ví dụ, hiện nay chúng ta nghiên cứu thành công tên lửa đẩy, nhiên liệu rắn nhưng chúng ta chưa sản xuất được. Hay sản xuất vaccine sinh phẩm, chúng ta có thể nghiên cứu thành công, nhưng nghiên cứu xong phải qua thử nghiệm, cấp phép rất nghiêm ngặt, có khi vài ba năm sau mới dùng được. Nói cách khác, sản phẩm nghiên cứu khoa học bao giờ cũng có độ trễ.

- Bao giờ Việt Nam mới có được các công trình nghiên cứu  khoa học thực sự tầm vóc, không chỉ trong nước mà cả trên bình diện quốc tế, thưa Bộ trưởng?

- Trong KH-CN, một số lĩnh vực hiện nay chúng ta đã đứng ở top đầu ASEAN, thậm chí một số lĩnh vực đã đứng ở top đầu thế giới. Ví dụ: công nghệ giàn khoan của chúng ta đang trong top 10 thế giới, mổ nội soi cũng trong top 10 thế giới, xuất khẩu gạo và cà phê dẫn đầu thế giới, xuất khẩu thủy sản dẫn đầu khu vực, công nghệ đóng tàu biển được xếp hạng thứ 5 thế giới, nhiều lĩnh vực khác cũng được thế giới đánh giá rất cao… Tuy nhiên, đây mới chỉ là những đỉnh nhọn đơn lẻ, còn trên bình diện chung nền KH-CN của chúng ta vẫn còn yếu kém so với thế giới.

Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng mới đây đã đặt mục tiêu, đến năm 2020 chúng ta sẽ nằm trong top các nước đứng đầu ASEAN về trình độ phát triển KH-CN. Nghị quyết cũng xác định phải đưa nghiên cứu khoa học công nghệ là quyết sách hàng đầu. Tôi hy vọng với Nghị quyết Trung ương 6 về KH-CN, cộng thêm Luật KH&CN với nhiều nội dung sửa đổi rất thiết thực khi được ban hành, những người làm khoa học sẽ có động lực để làm tốt hơn. Khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ có những sản phẩm khoa học lớn, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như xứng tầm thế giới.

- Theo Bộ trưởng, đâu là mấu chốt căn bản để thay đổi diện mạo lĩnh vực nghiên cứu KH-CN, thúc đẩy nền KH-CN của nước ta phát triển xứng đáng với kỳ vọng?

- Như nhiều ĐBQH cũng đã chỉ ra trong phiên thảo luận dự án Luật KH&CN, một trong những điểm căn bản cần phải sửa đổi là khắc phục tình trạng phân bổ ngân sách một cách dàn trải, kém hiệu quả. Hiện nay, mỗi năm ngân sách Nhà nước cấp 2% tổng chi ngân sách cho công tác nghiên cứu khoa học. Đây là nguồn lực không nhỏ (mức hiện nay vào khoảng 15.000 tỷ đồng, tương đương 700 triệu USD). Nếu giao quyền cho Bộ KH-CN, chúng tôi sẽ cơ cấu lại việc phân bổ cho phù hợp và hiệu quả hơn. Cùng đó chúng tôi sẽ có cơ chế để huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp. Với cơ chế hiện tại, các doanh nghiệp không bị bắt buộc dành quỹ cho nghiên cứu khoa học, hoặc có trích quỹ KH-CN, chẳng hạn Viettel hiện dành ra hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng không dùng được, bởi số tiền này bị Nhà nước quản lý giống như là ngân sách Nhà nước. Cũng vì thế không có mấy doanh nghiệp mặn mà với nghiên cứu KH-CN.

- Cảm ơn Bộ trưởng!