Hành vi "hung hăng" của Trung Quốc khiến biển Đông nổi sóng

(ANTĐ) - Lược dịch phát biểu của Thượng Nghị Sỹ Mỹ Mccain tại Hội thảo Về an ninh Hàng hải trên Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức.

Điểm nóng Biển Đông

Từ Mianma, tôi đã đi đến Xinhgapo tham dự Đối thoại Shangri La, nơi mà một trong những chủ đề chính của cuộc thảo luận là chủ đề của hội nghị này: an ninh hàng hải ở biển Đông. Vấn đề này gây xúc động mãnh liệt trong các nước tuyên bố chủ quyền trên vùng biển và vùng lãnh thổ. Và các chuyên gia thực sự hiểu những vấn đề phức tạp về lịch sử và pháp lý của những tuyên bố chủ quyền này, thì rất ít. Tôi đến từ Arizona, nơi mà chúng ta biết việc tranh đấu sử dụng đất và nước phức tạp như thế nào.

Tôi cũng là một cựu lính Hải quân đã dành phần lớn cuộc đời của mình đi đây đó và làm việc về các vấn đề an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và tôi ngày càng lo ngại, rằng biển Đông đang trở thành một điểm nóng xung đột.

Thượng nghị sĩ John Mccain

Những năm vừa qua cho thấy sự leo thang nhanh chóng về tình trạng căng thẳng giữa các nước trong khu vực hàng hải đang tranh chấp và hay thay đổi này. Tôi không cần phải nói lại cho quí vị ở đây nghe tất cả các sự cố này. Dĩ nhiên, điều quan trọng là tất cả các bên thực hiện sự kiềm chế. Và để chắc chắn, các đối tác ASEAN của chúng ta sẽ cần phải thỏa hiệp, đặc biệt là các nước thỏa hiệp với nhau, để đạt được một kết quả hòa bình và cùng có lợi, như nhiều nước trong số các nước này thừa nhận.

Điều đó có nghĩa là, tình hình này cần phải nói thẳng một chút: Một trong những lực lượng chính làm cho các căng thẳng trên biển Đông trầm trọng hơn, và làm cho việc đạt được giải pháp hòa bình cho các tranh chấp này khó khăn hơn, đó là hành vi hung hăng của Trung Quốc và việc đòi chủ quyền lãnh thổ vô căn cứ mà họ tìm cách theo đuổi.

Tôi chẳng vui vẻ gì để nói điều này. Tôi tin rằng một trong những lợi ích quốc gia hàng đầu của Mỹ là việc duy trì và tăng cường quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc. Tôi muốn Trung Quốc thành công và phát triển một cách hòa bình. Và tôi tin rằng không một định mệnh lịch sử nào bắt chúng ta phải xung đột. Thật vậy, phạm vi hợp tác toàn cầu của chúng ta là rộng hơn bao giờ hết, kể các các vấn đề an ninh hàng hải, điều rõ ràng đối với tất cả mọi người khi chứng kiến trong các hoạt động chung của chúng ta ngoài khơi bán đảo Somali (Horn of Africa).

Điều gây lo ngại cho tôi, và tôi nghĩ nó cũng gây lo ngại cho nhiều quí vị ở đây, đó là các tuyên bố mở rộng mà Trung Quốc đưa ra trên biển Đông; lý do căn bản đem ra cho các tuyên bố này, điều không có cơ sở luật pháp quốc tế; và những hành động này ngày càng quyết đoán mà Trung Quốc đang thực hiện để thực thi quyền tự nhận của họ, gồm cả các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý ngoài khơi bờ biển của các nước ASEAN, như là trường hợp gần đây trong các sự cố riêng biệt liên quan đến Việt Nam và Philippines.

Bản đồ về cái gọi là đường chín đoạn của Trung Quốc tuyên bố tất cả các đảo trên biển Đông là chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc và tất cả các vùng lãnh hải của nó là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Hơn nữa, những giải thích cụ thể về luật pháp quốc tế của Trung Quốc sẽ làm xói mòn nguyên tắc lâu dài về tự do hàng hải – bóp méo nó từ khái niệm mở cửa đi lại sang khái niệm hạn chế đi lại (vùng biển). Một số người Trung Quốc thậm chí còn đề cập đến học thuyết này như, xin trích dẫn, “chiến tranh pháp lý”.

Tại sao điều này quan trọng đối với Mỹ? Đây là câu hỏi mà nhiều người Mỹ sẽ hỏi, đặc biệt là khi chúng ta liên quan đến ba cuộc xung đột đã xảy ra, và khi nợ quốc gia của chúng ta thực sự ngoài sức chịu đựng. Tại sao Mỹ nên quan tâm đến tranh chấp lãnh hải của các nước bên ngoài cách xa nửa vòng trái đất?

Chắc chắn có lý do kinh tế để vẫn can dự. Khu vực biển Đông là nguồn quan trọng về công việc làm và tài nguyên thiên nhiên có lợi cho nhiều  người Mỹ. Tuy nhiên, có lẽ xét rộng hơn là yếu tố chiến lược. Trọng tâm địa chính trị thế giới đang chuyển sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một khu vực, trong đó nhiều nước đang trỗi dậy cùng một lúc về sự giàu có và sức mạnh. Điều này tạo ra sự va chạm giữa các quốc gia, nơi các tranh chấp cũ vẫn chưa được giải quyết. Mỹ có một lợi ích an ninh quốc gia trong việc duy trì sự cân bằng chiến lược thuận lợi trong khu vực quan trọng này. Và trọng tâm trong đó là để bảo vệ quyền tự do hàng hải chung và tự do đi vào các vùng biển như một nguyên tắc căn bản của trật tự quốc tế.

Những nỗ lực phủ nhận tự do hàng hải trên biển Đông đặt ra một thách thức nghiệm trọng đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Mỹ và đồng minh của chúng tôi đã duy trì trong nhiều thập kỷ. Nếu những nỗ lực này thành công, nghĩa là nếu việc liên tục bắt nạt, cho phép một nước áp đặc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình bằng vũ lực và biến biển Đông thành một khu vực không cho các tàu thương mại và quân sự của các quốc gia khác, kể cả Mỹ, đi vào, hậu quả sẽ thật thảm khốc.

Điều đó có thể đặt ra một tiền lệ nguy hiểm để làm suy yếu luật pháp quốc tế, theo cách mà những người có ác ý chắc chắn sẽ áp dụng ở những nơi khác. Điều đó có thể tạo ra sự khuyến khích gây rắc rối đối với các cường quốc đang trỗi dậy khắp mọi nơi, sử dụng vũ lực để chiếm đoạt những gì mà các phương tiện hòa bình hợp pháp không thể thực hiện được. Và nó sẽ đưa chúng ta đến gần hơn vào một ngày, khi hải quân Mỹ thấy rằng không thể đi vào và hoạt động một cách an toàn ở Tây Thái Bình Dương.

Lập trường của Mỹ về Biển Đông

Vậy thì Mỹ nên làm những gì? Cho phép tôi đưa ra một vài đề xuất để kết thúc.

Thứ nhất, về lập trường của Mỹ trên biển Đông, chúng ta cần công nhận rằng, ở nơi có thể, một chính sách rõ ràng có thể đem lại ổn định hơn so với một chính sách không rõ ràng. Tôi hoan nghênh Ngoại trưởng Clinton khi tuyên bố rằng các yêu sách đòi chủ quyền đối địch trên biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán đa phương, và chúng ra sẽ tìm cách tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán. Đa số các nước châu Á hoan nghênh tuyên bố đó. Rốt cuộc, đây là về mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng, không phải giữa Trung Quốc với Mỹ.

Tuy nhiên, rất hữu ích cho chúng ta tiếp tục nối rõ quan điểm của Mỹ, để các nước khác có thể biết, Mỹ chấp nhận những yêu sách nào, yêu sách nào chúng ta không chấp nhận, và những hành động nào chúng ta chuyển bị để hỗ trợ các chính sách và các đối tác của chúng ta, đặc biệt là Philippines, một nước đồng minh có ký hiệp ước.

Thứ hai, Mỹ nên hỗ trợ các đối tác ASEAN của chúng ta trong việc giải quyết tranh chấp của họ trên biển Đông, như một phương tiện cổ vũ ASEAN đoàn kết hơn để đối mặt với Trung Quốc. Trung Quốc tìm cách khai thác sự chia rẽ giữa các thành viên ASEAN – làm cho họ chống đối nhau, để phục vụ cho kế hoạch riêng của Trung Quốc. Giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các nước ASEAN, như Malaixia và Brunây gần đây đã thực hiện, sẽ cho phép các đối tác của chúng ta thiết lập một mặt trận thống nhất hơn.

Thứ ba, Mỹ cần giúp đỡ các đối tác ASEAN của chúng ta tăng cường sự phòng thủ trên biển và khả năng phát hiện – để phát triển và triển khai các hệ thống cơ bản như radar cảnh báo sớm và các tàu an ninh ven  biển. Bù đắp sự thiếu khả năng này và tăng cường tập trận chung với chúng ta, sẽ đem lại một hình ảnh hoạt động chung hơn trên biển Đông và khả năng đối phó tốt hơn với các mối đe dọa.

Thứ tư, Thượng viện Mỹ cần quan tâm hơn đến Công ước LHQ về Luật Biển. Tôi biết điều này không được một số người bảo thủ ưa thích.

Chính tôi cũng đã nghi ngờ về công ước. Nhưng thực tế là, chính phủ các nhiệm kỳ kể tiếp của cả hai đảng đã tôn trọng những quy tắc cơ bản của Công ước, mặc dù không tham gia ký. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc đang lợi dụng công ước để thúc đẩy những quan điểm bên lề nhằm không cho các nước đi vào vùng biển quốc tế. Điều này làm cho Mỹ phải dựa vào ân huệ của các nước ngoài cũng như dựa vào sức mạnh lớn hơn của chính mình để đảm bảo quyền đi lại của Mỹ. Nhưng những điều kiện này, không thể được xem như lúc nào cũng có sẵn, đó là lý do Hải quân Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Công ước [LHQ về Luật Biển] và những đảm bảo pháp lý mà nó đem lại cho các hoạt động hải quân của chúng ta. Do đó, vì lý do an ninh quốc gia, Thượng viện cần phải quyết định, đã đến lúc phê chuẩn Hiệp ước Luật Biển.

Thứ năm, chúng ta cần phải chuyển đổi tư thế lực lượng khu vực của Mỹ, chú trọng nhiều hơn vào những khu vực cạnh tranh mới trỗi dậy, đặc biệt là Ấn Độ Dương và biển Đông. Tôi đã tham gia với các đồng nghiệp của tôi ở Ủy ban Quân lực Thượng viện, Thượng nghị sĩ Carl Levin và Jim Webb, để kêu gọi cho thêm thời gian đánh giá lại kế hoạch về các căn cứ của chúng ta ở Nhật Bản và Guam. Và tôi đã làm như thế không phải để Mỹ rút khỏi châu Á, mà là để tăng cường cam kết của chúng ta đối với an ninh trong khu vực.

Vai trò của Quốc hội không phải là đưa ra các dàn xếp về căn cứ trong khu vực, nhưng khi những thực tế tình hình mới và chi phí vượt quá mức đã đặt thành vấn đề nghi ngờ về các kế hoạch hiện đại của chúng ta, thì Quốc hội phải đặt ra những câu hỏi khó. Mục tiêu của chúng ta cần phải là hướng tới một tư thế lực lượng phân tán về mặt địa lý hơn, ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, như Bộ Trưởng Quốc phòng Gates đã mô tả, và trung tâm của nỗ lực đó sẽ luôn luôn là những cam kết về căn cứ của chúng ta với các đồng minh lịch sử như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cuối cùng, Mỹ phải tiếp tục các khoản đầu tư cần thiết vào khả năng phòng thủ của chúng ta, đặc biệt là lực lượng hải quân, để duy trì sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới. Chúng ta đang phải đối mặt với áp lực rất lớn trong nước buộc cắt giảm chi tiêu, gồm cả chi tiêu quốc phòng, và một số cắt giảm chắc chắn cần thiết. Những người có lý lẽ có thể không đồng ý về việc nên cắt thêm bao nhiêu.

Nhưng gần đây, khi Tổng thống cam kết cắt giảm 400 tỷ đô la về chi tiêu quốc phòng trong thời gian 12 năm, mà không có cơ sở chiến lược hợp lý cho lý do tại sao con số này đã được chọn hoặc những rủi ro gì nó đã gây ra, và Bộ trưởng Quốc phòng chỉ được nói cho biết về điều đó một ngày trước khi sự việc xảy ra, tôi nghĩ rằng những người có lý lẽ cũng có thể đồng ý rằng đây không phải là cách để lên kế hoạch quốc phòng của chúng ta.

Chúng ta phải lên kế hoạch dựa vào chiến lược hướng dẫn, không thể dựa vào những con số tùy tiện.

Những sự kiện hiện đang xảy ra trên biển Đông sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc định hình sự phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ này. Và Mỹ vẫn phải tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình đó. Về vấn đề này, tôi lo ngại bởi những tuyên bố gần đây của một số đồng nghiệp của tôi trong Quốc hội và một số ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, cho thấy mong muốn rút khỏi thế giới và giảm các cam kết của chúng ta ở nước ngoài. Mỹ đã mắc phải sai lầm đó trước đây, và chúng ta nên học bài học lịch sử này, không để nó lặp lại.

Xét cho cùng, lịch sử cho chúng ta thấy rằng, chính người Mỹ được hưởng lợi lớn nhất nhờ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, được duy trì bởi quyền lực và sự lãnh đạo của Mỹ. Chúng ta từ bỏ vai trò đó là nguy hiểm cho thế giới và cho chính chúng ta.

Nếu các bạn đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ để mang một thông điệp về nhà với các bạn, thông điệp đó sẽ là: Luôn có một xu hướng theo chủ nghĩa biệt lập ở Mỹ, nhưng người Mỹ đã bác bỏ nó trước đây, và tôi tin rằng bây giờ người Mỹ sẽ bác bỏ nó một lần nữa. Sẽ luôn có một cơ sở hỗ trợ vững chắc ở Mỹ đối với một chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa quốc tế mạnh mẽ.

Xu hướng đó sẽ không đi đến đâu cả, và ở Mỹ cũng thế. Chúng tôi sẽ không rút khỏi hoặc không bị đẩy ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ ở lại đó, thực hiện cam kết với bạn bè và đồng minh của chúng tôi, và chúng ta sẽ cùng nhau thành công!