Chuyện của bác sĩ nội trú

(ANTĐ) - Đối với ngành y, bác sĩ nội trú (BSNT) có một vị trí đáng trân trọng và là mơ ước của hàng nghìn bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp đại học. Đây là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, được tuyển chọn, đào tạo đặc biệt và là bộ mặt tương lai của ngành y tế nước nhà. 

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2:

Chuyện của bác sĩ nội trú

(ANTĐ) - Đối với ngành y, bác sĩ nội trú (BSNT) có một vị trí đáng trân trọng và là mơ ước của hàng nghìn bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp đại học. Đây là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, được tuyển chọn, đào tạo đặc biệt và là bộ mặt tương lai của ngành y tế nước nhà. 

Các BSNT tham gia cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại BV ĐH Y Hà Nội
Các BSNT tham gia cấp cứu, điều trị bệnh nhân
tại BV ĐH Y Hà Nội

Vinh dự và áp lực

Đầu năm 2009, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã gặp gỡ và tuyên dương 201 bác sĩ trẻ đỗ khóa học BSNT (2008-2011). Cuối năm 2009, cũng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bộ trưởng dành riêng một buổi tọa đàm với các bác sĩ vừa tốt nghiệp khóa BSNT trong năm. Những sự kiện như vậy sẽ trở thành hoạt động thường niên của Bộ Y tế… Điều đó đã nói lên vị trí đặc biệt quan trọng mà Nhà nước dành cho các bác sĩ thuộc diện đào tạo này.

Tạm bỏ những niềm vinh dự hào nhoáng bên ngoài và cả tương lai đầy hứa hẹn phía trước, các BSNT trở lại công việc học tập và làm việc với nhiều gian nan, thử thách cũng như kỳ vọng lớn lao của xã hội.

Nhớ lại những ngày nội trú tại BV Việt Đức, bác sĩ Lê Tuấn Linh, chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh - BV ĐH Y Hà Nội cho biết, nhiều GS.TS trong BV luôn kỳ vọng các BSNT phải giỏi hơn những bác sĩ học cao học hay bác sĩ chuyên khoa I, dù chương trình học như nhau và không hề có phần dạy riêng cho BSNT. Bác sĩ Linh kể “nhiều thầy còn quan niệm BSNT là con đẻ của bộ môn, còn các loại đào tạo sau đại học khác chỉ là con nuôi.

Do đó đối với các BSNT, các thầy tận tình dạy bảo và cũng tận tình… chửi hơn”. Do gần như toàn bộ thời gian phải học tập, làm việc tại BV nên BSNT cũng được thực hành nhiều hơn, thậm chí được giao quyền “tự quyết định xử lý và tự chịu trách nhiệm với mỗi ca bệnh, dưới sự kiểm soát của các bác sĩ trong BV”. Vì vậy, BSNT phải làm việc độc lập hơn và phải tự học nhiều hơn.

Nỗi lo “cơm áo gạo tiền”

Tốt nghiệp ĐH Y sau 6 năm đèn sách với tấm bằng khá trở lên, có tuổi đời dưới 27, sau đó tiếp tục vượt qua kỳ thi vô cùng ngặt nghèo, kỳ thi mà mỗi thí sinh chỉ được thi duy nhất một lần trong đời để trở thành BSNT. Tuy nhiên, 3 năm học nội trú là thời gian khó khăn không kém về tài chính mà các bác sĩ trẻ sẽ phải đối mặt.

Anh Nguyễn Văn Phong (quê ở huyện An Dương, Hải Phòng), BSNT trường ĐH Y Hà Nội, nội trú tại Viện Tim mạch Quốc gia - BV Bạch Mai nhớ lại: “Thời gian đối với một BSNT là từ 7h sáng đến 10h tối trong BV. Cả ngày trong BV, cùng ăn cùng ở và cùng tham gia tất cả các công việc trong BV, từ những việc đơn giản nhất như tiếp đón bệnh nhân, vào hồ sơ sổ sách đến thăm khám và điều trị bệnh.

Thế nhưng chế độ hỗ trợ của Bộ Y tế cho mỗi BSNT chỉ là 220.000đ/tháng, BV hỗ trợ thêm khoảng 200.000đ/ tháng (tùy theo từng BV) và không có thêm bất cứ khoản thu nhập nào. Điều đó khiến cho các BSNT xuất thân từ quê gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Đã 30 tuổi đầu nhưng vẫn phải ngửa tay xin bố mẹ trợ cấp là những trường hợp phổ biến…”.

Những chuyện khó nói khác…

Đối với không ít nữ BSNT, chuyện chồng con trở thành nỗi ám ảnh lớn khi họ quyết tâm theo học khóa đào tạo này. Sau 6 năm học đại học, cộng thêm 3 năm học nội trú nên bác sĩ trẻ nhất cũng đã xấp xỉ 30 tuổi, nhưng đa phần không có thời gian và cơ hội để tính chuyện chồng con. Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Yến (tốt nghiệp nội trú tại BV Bạch Mai năm 2008) kể: “Thời gian lăn lộn tại BV nhiều đến mức quên cả thứ bảy, CN là ngày nghỉ.

Nhiều khi bước chân ra khỏi nhà là cứ thế xách ba lô đến BV, không ý thức được mình đang đi đâu. Nhiều tuổi rồi mà chả có thời gian để yêu đương. Nhiều anh muốn tìm hiểu nhưng thấy mình học nhiều quá nên người ta lại ngại”. Chị Yến còn tâm sự: “Chả riêng gì mình, tại khoa C4 BV Bạch Mai (nơi chị công tác hiện nay) giờ vẫn còn đến 5, 6 cô cựu BSNT, đều cỡ xuất sắc cả nhưng đã hơn 30 tuổi vẫn chưa lập gia đình…”.

Những câu chuyện khác về BSNT như: nhiều người có người yêu nhưng do không bố trí được thời gian để gặp gỡ, quan tâm tới người yêu nên đã tan vỡ. Đặc biệt, với những nữ BSNT đã có chồng thì không được phép sinh con trong 3 năm học.

Một điều đáng suy nghĩ nữa là đầu ra cho các BSNT hiện nay chưa đảm bảo. Mặc dù Bộ Y tế đã có cơ chế cho phép BSNT đăng ký nguyện vọng và phân công công tác theo nguyện vọng sau tốt nghiệp, song trên thực tế rất nhiều trường hợp khi tốt nghiệp không được về nơi công tác theo nguyện vọng của mình vì đơn vị nhận… từ chối nhận với các lý do khác nhau.

Nhiều BSNT khác sau tốt nghiệp được phân công đến những đơn vị không phù hợp với trình độ được đào tạo. Ngoài ra, vấn đề chế độ dành cho các BSNT sau khi tốt nghiệp vào các BV Nhà nước thấp cũng là lý do làm nảy sinh một xu hướng mới: phần không nhỏ BSNT sau khi tốt nghiệp từ chối vào công tác tại các đơn vị Nhà nước để đến làm việc tại các BV tư.    

Tiến Hưng