Chất lượng… văn bản

(ANTĐ) - Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp là làm sao để các văn bản ban hành đạt chất lượng cao nhất. Luật tốt chưa đủ, khi dưới luật còn rất nhiều văn bản kém chất lượng, thiếu tính khả thi. Yêu cầu cấp bách mà Thủ tướng Chính phủ đề ra trong năm 2010 về cải cách thủ tục hành chính là: Muốn cho một nền hành chính có hiệu lực, hiệu quả và thông suốt, thì yêu cầu có tính tiên quyết là các văn bản hành chính phải có chất lượng.

Chất lượng… văn bản

(ANTĐ) - Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp là làm sao để các văn bản ban hành đạt chất lượng cao nhất. Luật tốt chưa đủ, khi dưới luật còn rất nhiều văn bản kém chất lượng, thiếu tính khả thi. Yêu cầu cấp bách mà Thủ tướng Chính phủ đề ra trong năm 2010 về cải cách thủ tục hành chính là: Muốn cho một nền hành chính có hiệu lực, hiệu quả và thông suốt, thì yêu cầu có tính tiên quyết là các văn bản hành chính phải có chất lượng.

Vậy, làm thế nào để “cân đo” được chất lượng… văn bản? Thực tế cho thấy, có những văn bản kém chất lượng, trái với Hiến pháp và pháp luật, phi thực tế, không khả thi, thậm chí chứa đựng những sai sót khó chấp nhận. Ngoài những trường hợp hiển nhiên đó, rất khó có thể đánh giá chất lượng của văn bản. Theo ý kiến của một số chuyên gia về pháp luật, một khiếm khuyết lâu nay rất dễ nhận thấy và đã để lại nhiều hệ lụy là việc phân tích chính sách ít được quan tâm đúng mức để làm cơ sở cho việc ban hành văn bản.

Ngay cả trong Luật ban hành các văn bản  pháp luật cũng không đề cập đến công đoạn phân tích chính sách. Có thể nhận thấy các văn bản kém chất lượng thường xuất phát từ những nguyên nhân sau đây. Không thiết lập được những ưu tiên chính sách chủ yếu, không đưa được những lựa chọn khó khăn giữa các mục tiêu mâu thuẫn khác nhau hoặc không chuyển hóa được những ưu tiên thành các văn bản cụ thể.

Có trường hợp né tránh các quy trình, nguyên tắc chính thức trong ban hành văn bản. Do vai trò của tổ chức không rõ ràng hoặc do có sự mâu thuẫn giữa các chương trình công tác của các Bộ, ngành hoặc vì cả hai lý do này, cộng với thất bại trong việc lấy ý kiến của các Bộ có liên quan về các quyết định cụ thể, nên các ý kiến trình lên Chính phủ được soạn thảo sơ sài và không đánh giá đầy đủ các chi phí. Nguy hại nhất là cố tình “cài cắm” những nội dung có lợi cho nhóm lợi ích này, nhưng bất lợi cho nhóm lợi ích kia.

Trong quy trình đưa ra một quyết định, có 4 nguyên tắc chọn đặc biệt quan trọng. Đó là tính kỷ luật, tính minh bạch, tính bền vững và lựa chọn cấu trúc. Nguyên tắc đưa ra văn bản phải có tính kỷ luật cao, các quyết định phải nhất quán, có tính thực tiễn và có khả năng thực hiện. Đây là nguyên tắc hiển nhiên, song trên thực tế nó lại ít được tôn trọng. Ở các nước có nền hành chính kém phát triển, người ta ban hành quyết định mà không có sự cân nhắc, xem xét đầy đủ những chi phí tiềm tàng, đặc biệt là gánh nặng chi phí theo ngành dọc tác động lên chính sách.

Tính minh bạch trong quá trình ra quyết định cũng là yếu tố không kém phần quan trọng. Vì thế quyết định phải phản ánh trung thực các kết luận trước đó. Nguyên tắc cuối cùng của một quy trình ban hành văn bản là “lựa chọn cấu trúc”. Nhiều văn bản trình lên trên chỉ có nội dung thường nhật thường được dễ dàng thông qua. Nhưng cũng có việc dồn trách nhiệm lên cấp trên, dẫn tới tình trạng nhiều vấn đề nhỏ nhặt cũng phải chờ Chính phủ phê duyệt. Vì vậy cần phải thực hiện phân cấp ủy quyền để Chính phủ có thời gian chỉ đạo những vấn đề có tính chiến lược.

Từ những nguyên tắc chung, một cơ chế ban hàng văn bản tốt phải thực hiện hiệu quả 5 nhiệm vụ sau: Cung cấp hệ thống thu thập, xử lý thông tin và cảnh báo sớm về vấn đề cần quyết định. Bảo đảm tham khảo đầy đủ ý kiến của mọi cơ quan, ban, ngành. Cung cấp các phân tích hỗ trợ và xem xét thận trọng khả năng lựa chọn. Phổ biến rộng rãi các quyết định. Giám sát quá trình thực hiện và theo dõi sát các bước tiếp theo. Hiệu quả của việc ban hành văn bản, chất lượng văn bản sẽ cao hơn nếu có một cơ chế nhất định để tổ chức thu nhập ý kiến tư vấn rộng rãi từ các cơ quan của Chính phủ, giới doanh nghiệp cũng như từ công chúng.

Đan Thanh