Tài chính toàn cầu dễ bị tổn thương hơn bất cứ lúc nào

ANTĐ - “Rủi ro đang leo thang, thời gian không còn nhiều để giải quyết lỗ hổng đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu và quá trình phục hồi kinh tế”, Quỹ Tiền tệ quốc tế  (IMF) trong báo cáo về ổn định tài chính toàn cầu công bố nửa năm 2011 ngày 21-9 nhấn mạnh.

IMF cho biết hệ thống tài chính toàn cầu dễ bị tổn thương hơn bất cứ lúc nào kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Rủi ro đối với thị trường tài chính và ngân hàng trong những tháng gần đây đã tăng lên, báo cáo của IMF cho biết.

Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng đúng lúc các ngân hàng có thể ngừng cho vay để giữ tiền mặt, đe dọa đến sự tăng trưởng tồi tệ hơn trong khu vực. Theo IMF, lãnh đạo các quốc gia châu Âu nên nhanh chóng thực thi thỏa thuận vào tháng 7 vừa qua là làm cho quỹ cứu trợ tài chính của khu vực linh hoạt hơn, trong khi Mỹ và Nhật Bản phải thực hiện từng bước để giảm thâm hụt ngân sách.

Đây là cảnh báo thứ hai từ tổ chức chuyên cho vay tín dụng này trong vài ngày gần đây. Hôm 20-9, trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, IMF đã hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với Mỹ và châu Âu trong 2 năm 2011 và 2012. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ dừng ở mức 4% trong năm 2011 và 2012, tức thấp hơn 0,5% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 6 vừa qua và thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,1% trong năm 2010.

IMF cho rằng dù có thể tăng nhẹ trong năm 2012, song kinh tế thế giới có thể lại rơi vào suy thoái nếu kinh tế các nước phương Tây không đi đúng hướng. Cùng ngày, ông Olivier Blanchard, Cố vấn Kinh tế của IMF cho biết: “Châu Âu cần hành động cùng nhau để giải quyết khủng hoảng nợ đang tiếp diễn hiện nay”. Cuối tuần này, IMF tổ chức hội nghị thường niên tại Washington với đại diện 187 nước thành viên và nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế.

 Trước đó, ngày 19-9, Chủ tịch ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cho hay, sự sụt giảm lòng tin của nhà đầu tư đang lan từ châu Âu sang châu Á đồng thời thúc giục “hợp tác hành động” hợp tác giải quyết vấn đề này. Ông Robert Zoellick cho biết, thị trường chứng khoán ở các nước đang phát triển đã bị ảnh hưởng và dòng vốn chậm lại kể từ tháng 8. “Những yếu tố này bắt đầu cho thấy những dấu hiệu xấu ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi”, Chủ tịch WB Robert Zoellick nói với phóng viên trước cuộc họp với các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tại Washington.

“Cả thế giới đang theo dõi và chờ đợi châu Âu, Nhật Bản và Mỹ giải quyết các vấn đề khó khăn của họ”, ông Zoellick nói. Tuy nhiên, ông Zoellick nói thêm: “Để duy trì được Eurozone với tất cả các thành viên hiện tại, khối này cần một liên minh tài khóa mạnh hơn nhiều so với hiện nay”.