Thực trạng các trang điện tử “ký sinh” (1):

Trắng trợn “xào tin, đạo bài” để câu khách

ANTĐ - Công nghệ bùng nổ, nhiều trang web, trang tin tổng hợp hiện nay cũng “làm báo” chạy theo công nghệ, sống “ký sinh” trên lưng những phóng viên, những tờ báo chính thống. Nhiều bài viết chưa ráo mực, phóng viên đi làm về chưa ráo mồ hôi, vừa đăng lên đã bị các trang tin ăn cắp, xào xáo một cách trắng trợn, thậm chí làm sai lệch nội dung để câu khách... 

24h - một trong những trang web sống “trên lưng” các báo chính thống

Phè phỡn trên mồ hôi nước mắt phóng viên các báo

Hầu như ai cũng biết rằng, việc đưa tin của cơ quan báo chí đòi hỏi hàng đầu là sự kịp thời, khách quan, trung thực, đa chiều và có kiểm chứng. Có lẽ vì thế, các toà soạn báo chính thống đều quán triệt cho phóng viên của mình không được “làm báo salon”, xa rời thực tế. Một phóng viên có nghề và có tự trọng không thể là người chỉ ngồi “vợt” tin người khác rồi xào xáo biến thành của mình. Họ phải dấn thân trong nỗi vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để có được tác phẩm báo chí đúng nghĩa, phục vụ bạn đọc. 

Nhiều báo điện tử đã ra đời ở Việt Nam, hoạt động theo đúng tôn chỉ, phục vụ công tác tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, theo chuyên môn, lĩnh vực ngành..., với đội ngũ cán bộ, phóng viên tận tâm với nghề nghiệp, nhưng cũng có rất nhiều tờ báo, đặc biệt là trang tin điện tử núp bóng công ty truyền thông, lại hoạt động theo kiểu bát nháo, bất chấp các quy định của pháp luật. Những trang tin này ngang nhiên “xào” tin, “đạo” bài, ăn cắp thông tin của những tờ báo chính thống, vi phạm luật nghiêm trọng. 

Cũng chính vì lợi ích kinh tế, những trang tin này đã “sống ký sinh” trên mồ hôi công sức của những người làm báo thực thụ. Lâu nay, nhiều tờ báo chính thống phải chi những số tiền lớn để trả lương, nhuận bút cho cán bộ, phóng viên, cộng tác viên. Bởi chỉ có đầu tư như vậy, mới có thể sản sinh ra được những “đứa con tinh thần” mang bản sắc riêng. Trong khi đó, với những trang web “đội lốt” công ty truyền thông thì chẳng cần phải mất nhiều công sức như thế. Họ dễ dàng lập ra những “tòa soạn ảo” chuyên lấy tin bài của báo khác rồi chế lại và đăng lên. Theo đó, chỉ cần dăm ba “chuyên viên xào, nấu”, ngồi phòng lạnh thực hiện các lệnh “Copy - and - Paste” những tin mới, nóng của báo khác là có thể tạo ra những trang tin nóng, thu hút lượng đọc rất lớn, “cướp” đi khá nhiều bạn đọc của chính các tờ báo chính thống.

Nhiều khi, trò đạo bài, xào tin của những trang web này thô thiển, trơ trẽn đến mức… chẳng giống ai. Vì không có chuyên môn hoặc có nhưng vô trách nhiệm, đội ngũ “xào xáo viên” của những trang web này khi ăn cắp bài của báo khác trên mạng về, cũng muốn thể hiện nó là “đứa con tinh thần” của mình nên đã gọt đầu, gọt đuôi một cách vô lối, khiến nhiều tin bài bị biến dạng. Nhiều trường hợp các đoạn video, các hình ảnh đã được đóng dấu logo khẳng định bản quyền, còn bị xóa rồi đóng dấu logo của trang tin đó lên. Thậm chí một số trang còn đóng dấu logo đè lên logo của tờ báo giữ bản quyền thông tin, hình ảnh đó. Lại có nhiều trường hợp, đội ngũ xào xáo viên này loại bỏ những chi tiết mang tính tích cực của sự việc, rồi phịa ra nhiều tình tiết ly kỳ, theo kiểu “vẽ rắn thêm chân”, cốt sao tạo ra những tít bài, những dòng giới thiệu thật câu khách để thu hút lượng đọc, và đích cuối cùng là làm ra lợi nhuận từ quảng cáo…

Trang nhanh.net.vn không đề cơ quan chủ quản, giấy phép,
 ăn cắp “trọn gói” các thông tin từ Báo điện tử An ninh Thủ đô

Điểm mặt những “ký sinh” 

Thời gian gần đây, các bộ, ban, ngành, các cơ quan nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố đều nhận được thông báo 1432/BTTTT-PTTH&TTĐT của Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo về việc nhiều trang web “đội lốt” các cơ quan báo chí. Nhân viên của những trang Web như: cafef.vn; gafin.vn; vietstock.vn; xzone.vn; stockbiz.vn… tham dự họp báo, hội nghị, hội thảo do các Bộ, ngành … tổ chức để đưa tin như các cơ quan báo chí, vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành về báo chí, về thông tin điện tử trên internet.

Trở lại chuyện một số trang web, trang tin chuyên xào tin, đạo bài, thì nhiều lãnh đạo đến phóng viên các tờ báo điện tử cũng chẳng lạ gì. Điển hình như Công ty quảng cáo 24h với trang 24h.com.vn. Chỉ với thao tác “copy-and-paste”, thậm chí là hệ thống tự động copy, là 24h đã có cho mình một sản phẩm. Trang web này chỉ cần đầu tư phát triển công nghệ, lôi kéo độc giả và cứ thế là quảng cáo, thu tiền. Và một điều chắc chắn là doanh thu của 24h cao hơn đa số các tờ báo điện tử ở Việt Nam. Chỉ nhờ vào việc “ăn cắp” thông tin của những trang báo điện tử chính thống khác, 24h nghiễm nhiên leo lên top đầu của trang tin có lượng truy cập khủng, và kéo theo đó là mức doanh thu khủng từ quảng cáo. Nhờ đó mà thu nhập của họ cao hơn cả làm phóng viên các báo chính thống.

Ra đời từ năm 2004, mô hình tòa soạn của 24h tiếp tục tham vọng gom thêm lượng độc giả bằng cách sản sinh ra trang tin “Eva”. Trang “Eva” cơ bản vẫn kế thừa quan điểm sống “ký sinh” của 24h. Tuy nhiên, trang web này còn đáng ngại hơn khi chỉ đề cập đến cuộc sống phòng the, xoay quanh vài mét vuông của chiếc giường... để câu bạn đọc.

Cũng bằng cách “ăn cắp” tin bài như 24h, hiện nay có rất nhiều trang web núp bóng một tờ báo nào đó, hoặc của một công ty truyền thông được lập ra và xây dựng hoạt động như một tờ báo. Nhờ “công nghệ” ăn cắp tin bài rồi “làm mới”, những trang tin này chỉ chọn những tin, bài với những tiêu đề giật gân, câu khách thu hút bạn đọc. 

Một số trang tin thậm chí còn mượn danh “hợp tác” để kiếm tiền trên lưng đồng nghiệp. Vì thực chất, khi tìm hiểu thì những thông tin mà một số trang web ăn cắp, bịa ra theo báo nọ, báo kia lại không có bất kỳ một văn bản ký kết nào về việc thỏa thuận cho phép lấy lại tin bài như: http://nhanh.net.vn; http://socbay.com (trong đó có News.socbay.com); http://www.tin247.com... Đặc biệt với trang Socbay còn có dịch vụ bán tin cho các thuê bao điện thoại di động. Đây là câu chuyện mà chính Báo ANTĐ đang là một trong những nạn nhân.

Trang Tin247 và Socbay cũng thường xuyên đạo bài của Báo ANTĐ

(Còn nữa)