Bài 2:

Sự thật về tảng đá khoác xiêm y hơn hai nghìn năm

ANTĐ -Tảng đá có hình người, nặng hàng tấn đã trôi dạt ngược dòng sông về ngự tại “vườn thuyền, ao mắm” trên bến sông Hoàng Giang liệu có thật?.

 Tảng đá trôi ngược sông?

Giờ vẫn còn đó “vườn thuyền ao mắm” trong câu chuyện của người dân bản địa sinh sống bên thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Tương truyền, đây là nơi vết tích đầu tiên pho tượng đá hình người không đầu đã từng nằm. Giờ thì đã không còn, song câu chuyện truyền thuyết về xuất thân của nó vẫn râm ran, lan tỏa trong đời sống người dân tưởng như mới xảy ra.

Ban thờ Công chúa Mỵ Châu đặt trước ngự cung tượng đá

“Người dân thấy vậy, đã làm lễ rồi rước “bà” về cung. Khi người ta hạ võng xuống thì “bà” nhảy lên võng nhanh lắm. Rồi rước vào đến ngự cung chính thì không tài nào vào được. Người dân cố mãi để đưa vào nhưng không được, rồi bị gẫy kiệu. Từ đây, không làm lay động được tảng đá nữa, thế nên người dân đã lập am thờ tại chỗ bây giờ “bà” đang ngự…”- Chị Nguyễn Thị Bình ở xóm Chùa, xã Cổ Loa rành mạch kể từng chi tiết về truyền thuyết tảng đá trôi dạt ngược sông như câu chuyện của ngày hôm qua.

Giàn hoa quấn quýt vấn vương trước am thờ Công chúa Mỵ Châu

khiến cho nơi đây càng u tịch, rêu phong

Những câu chuyện thực thực, hư hư về tảng đá trong am thờ Công chúa Mỵ Châu vẫn vương vấn đâu đó trong truyền thuyết, dân gian một câu chuyện tình chung thủy. “Bà hóa thân thành đá rồi quay về đây. Trước đây, bà ngự ở “vườn thuyền ao mắm” nơi mà bây giờ thuộc thôn Vang xã Cổ Loa…”- cụ Đám người có trách nhiệm trông nom, hương đăng am thờ cho biết. Chuyện kể rằng, khi ấy, nơi đây trên bến dưới thuyền tấp nập. Con sông chảy qua nơi này. Người dân khi ấy gọi là ngòi Quậy. Bọn trẻ trâu thấy một tảng đá trôi dạt ngược dòng sông, tựa chiếc thuyền có người chèo lái chèo leo lên chơi tinh nghịch. Sau bận ấy, mấy đứa trẻ mục đồng, đứa nào đứa ấy về ốm hết lượt. Hỏi ra mới rõ chuyện… Dân làng khi ấy đã làm lễ cúng tế, cầu xin được đưa bà về nơi để thờ tự.

Tảng đá từ đâu đến, liệu pho tượng đá trong am thờ nàng Công chúa Mỵ Châu dưới gốc đa trong khuôn viên di tích Cổ Loa có phải là tảng đá mà hằn trong câu kể của người dân địa phương không thì vẫn chưa ai biết chính xác. Song ở am thờ Công chúa Mỵ Châu vẫn có một tảng đá to với hình dáng người ngồi, bị mất đầu được ở ngự cung, có cây hương và thân thể khoác xiêm y lộng lẫy, trên cổ đeo hạt ngọc trai óng ánh vẫn được người dân muôn phương tìm đến chiêm bái với lòng đầy cung kính.

Tượng đá Công chúa Mỵ Châu trong ngự cung

Truyền thuyết kể rằng, khi lâm nạn, Công chúa Mỵ Châu nguyện khấn rằng, ta trọn tiết trung tín, chẳng dè bị người đánh lừa, vậy, sau khi chết, xin được hoá thành ngọc châu để rửa mối nhục này.

Nàng Công chúa Mỵ Châu đã hòa thân xác và những giọt máu vào nước biển.  Loài trai và những con sò dưới biển đã nuốt vào bụng. Người đời sau nếu mang ngọc trai từ biển Đông về rửa ở giếng Loa Thành thì ngọc thêm sáng lung linh. Cũng từ khi ấy những con sò biển mang trong mình những giọt hồng, mà đến nay người dân vẫn gọi đó là sò huyết…

“Gặp bà” mối tình chung thủy sẽ được bền lâu.

“Bà” đã hóa vào phiến đá ngược dòng sông về Loa Thành minh chứng về mối tình chung thủy. Trong khi tìm hiểu về di tích thành Cổ Loa, hầu hết tôi gặp người dân quanh vùng đều am tường về truyền thuyết thành Cổ Loa. Sức sống của truyền thuyết, lịch sử đi vào đời sống người dân là điều đáng mừng. Những giá trị truyền thống văn hóa hay những truyền thuyết về thời An Dương Vương cách ta hơn hai nghìn năm sẽ vẫn được lưu giữ bền lâu hơn trong lòng người dân qua những câu chuyện truyền thuyết mà người dân kể lại.

Am thờ Công chúa Mỵ Châu nằm cạnh sân Ngự triều di quy

Câu chuyện về Loa Thành và sự chung thủy về tình yêu của nàng Công chúa Mỵ Châu đã phần nào “hóa thân” vào tình yêu đôi lứa đôi ngày nay. Nhiều bạn trẻ tìm đến Loa Thành như một nơi linh thiêng để thể hiện tình yêu, để thề non hẹn ước. Chị Nguyễn Thị Bình ở xóm Chùa, xã Cổ Loa cho biết: “Nhà tôi ở đây lâu đời rồi, nhưng tôi thấy thanh niên ở bên Hà Nội đến thành Cổ Loa còn ít hơn thanh niên ở tỉnh khác. Nhiều người đến còn trọ ở nhà tôi mấy ngày để chờ đến ngày am thờ Công chúa Mỵ Châu mở cửa để vào cầu xin may mắn, tình duyên lâu bền…”.

Cụ Đám (tên thật là Nguyễn Đức Toàn) người trông nom

hương đăng am thờ Công chúa Mỵ Châu

Cụ Đám, tên thật là Nguyễn Đức Toàn, người xóm Mít đã trông nom hương đăng ở am thờ Công chúa Mỵ Châu, cho biết: “Nhiều đôi thanh niên vào nhờ làm lễ để cầu duyên bền chặt, thủy chung. Một cô gái ở mãi Lào Cai về xin rồi sau khi lấy chồng sinh con đã quay trở lại làm lễ tạ ơn bà”

Được biết, trước đây nhiều người vào thắp hương thường xoa tay vào tượng Công chúa Mỵ Châu để được may mắn, xinh đẹp… Sau này Ban quản lý di tích Cổ Loa sợ bị ảnh hưởng đến hiện vật đã đóng chặt cung bằng khóa. Giờ chỉ được mở cửa trong ngày lễ, và người dân vào chiêm bái chứ không được phép chạm tay vào “bà”.

Đôi rồng đá hướng ra Giếng ngọc

 Bên giếng ngọc trước am thờ “bà” là hàng si buông màn rễ soi bóng nước. Nơi này được xếp ghế đá dưới gốc để tiện nhiều bạn trẻ hàn huyên, tâm sự. Tìm về  thành Cổ Loa để cầu ước một điều may mắn là trong tâm niệm của mỗi người. Song, để hiểu về giá trị di tích lịch sử, biết thêm câu chuyện truyền thuyết về nước Âu Lạc xưa kia mà chưa một lần đến nơi này thì quả là một khiếm khuyết không đáng có. Bởi những di tích lịch sử không chỉ là nơi tâm linh, tín ngưỡng, mà còn là công trình kiến trúc quân sự khoa học, và sự tài ba tinh tế về góc nhìn địa lý của bậc cổ nhân trong việc xây thành đắp lũy để chống lại quân xâm lược. 

Đón đọc bài 3: Sự trở về kỳ diệu của tấm bia đá cổ biết “bay”