Hư ảo một chuyện tình

ANTĐ - Việc một tảng đá lớn lên từng ngày có thể là phi lý, song tảng đá có hình người khoác xiêm y lộng lẫy đang có trong am thờ thuộc khu di tích lịch sử thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội là câu chuyện hiện hữu, còn chứa nhiều bí ẩn.

Một năm thay áo 4 lần cho pho tượng. Mỗi áo rộng 50 thước vải lụa


Tảng đá lớn lên từng ngày

Chuyện về Loa Thành vẫn còn đó sừng sững những giá trị về kiến trúc, văn hóa lịch sử của một thời. Lần này tìm đến Loa Thành, tôi không đi tìm hiểu về truyền thuyết hay huyền thoại về một thời đã qua, mà để xem tảng đá hình người không có đầu lớn lên từng ngày ở trong am thờ u tịch dưới gốc đa cổ thụ.

Chị Nguyễn Thị Bình, người dân xóm Chùa, chủ quán cà phê bên cổng am thờ quả quyết: “Tảng đá lớn lên từng ngày. Ngày xưa nó bé thôi, nó mà to như bây giờ thì ai khiêng được. Nó lớn nhanh lắm, người ta phải làm lễ cầu để giữ nguyên hình đấy...!”.  Không gian cây cối ở Loa Thành cũng có nhiều khác lạ. Từ những rễ si buông xuống giếng ngọc cho đến cây hoa sứ mọc bên nhà bia, hay đôi rồng chầu bên tam quan đều chứa vẻ huyền bí. Nhìn kỹ đôi rồng đá bên cổng, người ta sẽ thấy mắt nó rất có hồn vía. Tôi tiến lại chiếc xe ô tô khách, dò hỏi anh lái xe thì được trả lời: “Tôi đưa đoàn đi thăm quan tượng đá ở...”. Bên trạm gác vào khu di tích, một người phụ nữ chỉ cho chúng tôi, nếu các anh muốn làm việc với BQL thì đến khu Nhà trưng bày... “Sếp hôm nay đi sang Hà Nội họp rồi, có việc gì không bạn?”. “Dạ chúng tôi muốn tìm hiểu về tảng đá lớn”. Một cán bộ có tên Hưng chỉ chúng tôi sang phía gốc đa: “Anh đi qua sân, vào trong am thờ ấy, tảng đá vẫn ở đấy”. Theo hướng cánh tay vừa chỉ, chúng tôi đi qua một khu sân rất rộng.

 “Cậu cần gì” - một ông cụ bước ra, giọng nghiêm nghị. "Dạ xin phép cụ, chúng con được nghe về tảng đá đang thờ trong am lớn lên từng ngày, vậy cụ có thể cho phép con được chiêm bái?". “Không được, không được. "Bà" đang ngồi trong đó, cửa đã cài then chốt chặt, tôi chỉ có nhiệm vụ hương đăng, dọn dẹp nơi thờ phụng hàng ngày, tôi không được phép cho ai vào cả. Đó là phòng thiêng…” - ông cụ khua tay. Am thờ “bà” có 3 gian, gian cuối là nơi “bà” ngự. Có cửa khóa, chấn song con tiện bằng gỗ ken đủ để nhìn thấy thấp thoáng hình người to lớn khoác xiêm y màu đỏ ngồi trong tư thế uy nghiêm, tỳ tay lên hai đầu gối. Trên đầu treo mũ công chúa lơ lửng, có đính ngọc trai buông xuống nhưng không thấy đầu. Trước mặt “bà” là một pho tượng nữ vương công chúa với tư thế tương tự uy nghiêm trên ban thờ, với cây hương đang tỏa khói mờ ảo trong ánh sáng yếu. “Đó là nơi hương đăng và tượng của Công chúa Mỵ Châu” - ông cụ đưa ánh mắt sáng quắc nhìn lên ban thờ giới thiệu.

Tượng đá khoác xiêm y được ngự ở gian thờ cuối cùng của am thờ


Tảng đá trôi ngược dòng sông

“Tôi là "cụ Đám" trông giữ hương đăng ở am thờ. Tên thật của tôi là Nguyễn Đức Toàn, ở xóm Mít, xã Cổ Loa. Tôi mới làm được tám tháng nên biết ít, có gì nói thế” - ông cụ bộc bạch. Cụ cho phép chúng tôi được bước sát vào chấn song cửa phòng để thành kính nhìn “bà” kỹ càng. “Bà” khoác xiêm y màu đỏ, thêu rồng chầu ở thân áo, tay áo là đôi phượng lượn trong áng mây. Trên cổ “bà” đeo chuỗi hạt ngọc trai lấp lánh với 2 vòng so le. Ánh sáng trong am mờ mờ, ảo ảo song cũng đủ nhìn rõ hình một pho tượng tựa người to lớn đang ngồi tựa ngai buông xiêm y phủ kín đầu gối… Công việc của "cụ Đám" là vinh dự bởi không chỉ hương đăng cho “bà” mà còn có nhiệm vụ tắm rửa mỗi lần thay xiêm y. “Một năm 4 lần thay áo cho "bà". Mỗi lần như thế tôi phải đun nước sôi để nguội, giã gừng pha rượu lẫn nước dậy mùi thơm tự nhiên để tắm. Từ xưa, việc này vẫn thường xuyên và chỉ "cụ Đám" mới được phép làm. “Áo của bà rộng tới 50 thước vải lụa đẹp kia...” - cụ Đám khẳng định.

Cụ Đám cho biết, xưa thì “bà” không có khoác xiêm, chỉ là khối đá được đặt trong am thờ. Khối đá có màu xám, ánh kim lấp lánh. Cách đây vài năm, những người dân khắp nơi cung kính dâng lên "bà" những bộ xiêm y trang trọng được thêu dệt bằng lụa tơ tằm.

Tương truyền, tảng đá có hình người, nặng hàng tấn đã trôi dạt ngược dòng sông về ngự tại “vườn thuyền, ao mắm”. “Người dân thấy vậy, đã làm lễ rồi rước “bà” về cung. Khi người ta hạ võng xuống thì “bà” nhảy lên võng nhanh lắm, rước vào đến ngự cung chính thì không tài nào vào được. Người dân cố mãi để đưa vào nhưng không được, rồi bị gẫy kiệu. Từ đây, không làm lay động được tảng đá nữa, thế nên người dân đã lập am thờ tại chỗ bây giờ “bà” đang ngự…” - Chị Nguyễn Thị Bình ở xóm Chùa, xã Cổ Loa rành mạch kể từng chi tiết về truyền thuyết tảng đá trôi ngược sông như câu chuyện của ngày hôm qua.

Còn theo ông từ Nguyễn Văn An, người trông giữ hương đăng đền thờ An Dương Vương thì “vườn thuyền, ao mắm” ở thôn Vang, xã Cổ Loa ngày nay. Đó là một nhánh sông chảy qua Loa Thành ra mạn sông Đuống. Truyền thuyết kể rằng, khi lâm nạn, Công chúa Mỵ Châu nguyện khấn rằng, ta trọn tiết trung tín, chẳng dè bị người đánh lừa, vậy, sau khi chết, xin được hoá thành ngọc châu để rửa mối nhục này. Nàng Công chúa Mỵ Châu đã hòa thân xác và những giọt máu vào nước biển. Loài trai, sò dưới biển đã nuốt vào bụng. Người đời sau nếu mang ngọc trai từ biển Đông về rửa ở giếng Loa Thành thì ngọc thêm sáng lung linh. Cũng từ ấy những con sò biển mang trong mình những giọt hồng, mà đến nay người dân vẫn gọi đó là sò huyết…

 Những câu chuyện thực thực, hư hư về tảng đá trong am thờ Công chúa Mỵ Châu vẫn vương vấn đâu đó trong truyền thuyết, dân gian một câu chuyện tình chung thủy. “Bà” hóa thân thành đá rồi quay về đây. Tảng đá từ đâu đến, liệu pho tượng đá trong am thờ nàng Công chúa Mỵ Châu dưới gốc đa trong khuôn viên di tích Cổ Loa có phải là tảng đá trong câu kể của người dân địa phương không thì vẫn chưa ai có câu trả lời cụ thể. Song, ở am thờ Công chúa Mỵ Châu vẫn có một tảng đá to với hình dáng người ngồi, bị mất đầu, được ở ngự cung, có cây hương và thân thể khoác xiêm y lộng lẫy, trên cổ đeo hạt ngọc trai óng ánh vẫn được người dân muôn phương tìm đến chiêm bái với tấm lòng cung kính. Điều đó mới làm nên một sức sống bền lâu cho giá trị lịch sử.