Game và tội ác - Nhìn nhận sao cho đúng? (4)

Game chỉ là một phần gây nên tội ác

ANTĐ - Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, game không phải là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội của con người điển hình là Luyện. Nó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân.

Vụ án Lê Văn Luyện trong con mắt nhà tâm lý

Trao đổi với PV báo An ninh Thủ đô, ông Tùng Lâm phân tích tâm lý dẫn đến hành vi cướp của giết người của sát thủ Lê Văn Luyện. Ông cho biết, trong con người, có phần con và phần người. Đôi khi chỉ vì một phút nóng giận, tham lam, phần con sẽ chiếm lĩnh phần người, tuy nhiên đó chỉ là phút bột phát, bị dồn nén làm lu mờ bản chất tốt đẹp. Nhưng như trường hợp Luyện thì không phải do bột phát. Vì Luyện đã có chủ định từ trước nên lúc này hắn bị hút vào mục tiêu là phải lấy bằng được vàng. Và để đạt được mục đích ấy, hắn sẽ loại trừ hết những ai cản trở.

Vì vậy, dù rằng bé Thảo mới 18 tháng, không thể tố cáo hắn nhưng khi bé khóc, hắn sợ lộ nên giết chết bé. Có lẽ hắn đã quá quen với cảnh giết lợn, máu me, thậm chí quen thuộc với tiếng kêu thảm thiết của con vật khi bị giết nên mới có thể giết người không ghê tay như vậy.

Còn xung quanh ý kiến cho rằng, vì chơi game bạo lực nên Luyện mới có hành vi giết người dã man, ông Lâm cho rằng, game bạo lực cũng như những bộ phim bạo lực là cuộc sống ảo, nó truyền tải cho con người qua những hình ảnh, âm thanh. Nếu xem nhiều phim bạo lực hay chơi nhiều game bạo lực, con người cũng sẽ bị ảnh hưởng một phần bởi nó, đặc biệt là lứa tuổi chưa trưởng thành.

Tuy nhiên, trong vụ án Lê Văn Luyện, game không phải là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội. Nó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân. Để dẫn đến hành vi ấy là do ngay từ bé, trong chính gia đình, Luyện đã không có được sự giáo dục, không được dạy dỗ về tình yêu thương. Lớn lên thì sống buông thả, nghiện ngập. Đặc biệt, vì nghiện đập đá, chơi game và không có tiền trả nợ nên mục đích của Luyện là làm sao để có nhiều tiền. Khi mục đích sống lệch lạc, con người rất dễ làm điều sai trái.

Từ những cuộc chiến trong thế giới ảo, có thể dẫn đến cuộc chiến ngoài đời thực 

Từ những cuộc chiến trong thế giới ảo, có thể dẫn đến cuộc chiến ngoài đời thực


Game và tác hại khôn lường

Cũng theo ông Lâm, tuy game không trực tiếp làm con người phạm tội nhưng nghiện game lại gián tiếp gây ra rất nhiều hậu quả. Theo tâm lý học, game là một trò chơi giải trí, thu hút người chơi bởi hình ảnh ảo, nhưng lại hấp dẫn vì giúp con người thỏa mãn được những thứ mà ngoài đời thực không mang lại cho họ. Trong Game, bạn có thể là một anh hùng, đánh nam dẹp bắc, là một đại gia có tài sản kếch xù, là một người năm thê bảy thiếp... tuy nhiên ngoài đời lại không phải như vậy. Con người luôn có bản năng muốn chinh phục và chiến thắng. Khi ngoài đời không như ý thì họ tìm đến game để thỏa mãn nhu cầu được chiến thắng, được làm anh hùng.

Vì game ảo nhưng lại đáp ứng nhu cầu thực của con người nên nó khiến con người say mê, nghiện ngập như một thứ ma túy. Và khi không có tiền để chơi, nhiều bạn thanh niên đã đi cướp của, giết người để có tiền.  Ngoài ra, với tính chất là game chiến đấu, người chơi sẽ phải nhập vai và tiêu diệt kẻ địch của mình. Trong môi trường quán game đầy rẫy những câu chửi tục, văng thề, trên màn hình là những cảnh chiến đấu, rất dễ để các bạn trẻ xảy ra xô xát, đánh nhau. Từ cuộc chiến trong thế giới ảo đến cuộc chiến trong thế giới thực là một khoảng cách rất mong manh.

Bên cạnh đó, ông Lâm cũng cho rằng con người sống là phải có hoạt động về tinh thần và thể chất, phải có hoạt động ngoại giao. Nhưng những người nghiện game thì sẽ chỉ ngồi im một chỗ, dần dần sẽ phát triển không bình thường.  Đời sống thật mang đến một môi trường thật, giao tiếp thật, tình cảm thật, điều này game không mang lại. Và khi mê game, không có hoạt động thể chất, ngoại giao, con người sẽ không có tình cảm, dễ bị vô cảm, tâm lý dần bị phá hoại. Vì thế, có rất nhiều tội phạm không chơi game bạo lực mà chỉ nghiện chơi game trang trại, trồng trọt nhưng vẫn nhẫn tâm giết đi người thân của mình.

Theo ông Lâm, để dẫn đến các tệ nạn xã hội, hành vi tội phạm còn có nguyên nhân sâu xa do sự giáo dục từ gia đình, nhà trường. Các trường học hiện nay mới chỉ dạy kiến thức bằng lý thuyết, việc thực hành còn rất nhiều hạn chế. Trường học có đưa môn đạo đức, môn giáo dục công dân vào các môn học tuy nhiên hầu hết đó chỉ là lý thuyết (chỉ là phần ngọn) còn phần gốc là chân giá trị đích thực thì hiện chưa có trường nào dạy được. Nếu chỉ là lý thuyết, các em sẽ rất nhanh quên, còn nếu được trải nghiệm một cách thực tế các bài học đó các em sẽ ghi nhớ rất lâu.

Vì thế ngoài việc học lý thuyết trên lớp, nhà trường nên tạo ra nhiều giờ học thực hành cho các em. Đó cũng là sân chơi lành mạnh giúp các em hạn chế tối đa thời gian chơi game để tham gia các hoạt động có ích cho cộng đồng từ đó chân giá trị của các em sẽ được củng cố. Bên cạnh đó, việc nâng cao môn học về pháp luật trong nhà trường cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa, vì khi hiểu được luật các em sẽ hạn chế được tối đa những hành vi sai trái./.