Đúng mực và cao thượng

ANTĐ - Victor là một giáo sư giỏi về lịch sử văn hóa ở một trường đại học danh tiếng của bang. Một lần ông nhận được một mảnh giấy với nét chữ con gái viết: “Thầy có nghĩ rằng có những lúc chúng em nghe mà không hiểu thầy đang nói gì cả? Đôi khi em cho rằng, thầy đang nói với chính mình chứ không phải là đang giảng bài. Một bài giảng sẽ thiếu hấp dẫn nếu như nó không có sự đồng cảm giữa thầy và trò”. Đọc mảnh giấy, Victor bị sốc thật sự, ông có cảm giác như là bị ai đó tát vào mặt. Cả đêm đó Victor không ngủ được, ông càng nghĩ càng bực và quyết định phải tìm ra sinh viên đó là ai.

Sáng hôm sau, Victor cho cả lớp làm một bài kiểm tra 15 phút với đề rất dễ, chỉ để tìm ra người có nét chữ ấy. Sau buổi học, ông bày 60 bài kiểm tra lên bàn, tay cầm mảnh giấy để so nét chữ. Nhưng đúng lúc ấy, thâm tâm đã mách bảo Victor rằng đang phạm phải một sai lầm khó có thể chấp nhận, ông  đang hành động như một kẻ tiểu nhân chứ không phải sự bao dung cao thượng cần có của một người thầy. Victor nghĩ: Tại sao người sinh viên ấy lại viết như vậy, nhất định phải có nguyên nhân, nhất định là có những lúc mình đã không làm chủ được bài giảng để lại sự khó hiểu cho sinh viên. Vậy mà mình không biết trân trọng những ý kiến ấy mà còn coi đó là trò láo, cần phải trừng trị.

Nhiều năm sau, vào ngày kỷ niệm thành lập trường, Victor nhận được một tấm thiếp và một bức thư ngắn với nét chữ rất quen: “Có lẽ cho đến tận lúc này thầy vẫn chưa biết em là ai. Em tin chắc vào điều đó vì sau bài kiểm tra bất ngờ mà thầy nói không chấm nữa, thầy cũng không yêu cầu cả lớp làm bất cứ bài kiểm tra nào khác như thế. Em hiểu thầy không muốn biết ai là kẻ đã hỗn xược dám viết những dòng chữ ấy. Thầy ơi, lần đó em hoàn thành môn học của thầy với điểm 9 nhưng đó vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất. Từ sau khi em viết để bày tỏ ý kiến của mình, những bài giảng của thầy đã dễ hiểu hơn rất nhiều và thầy đã dạy cho em một bài học về sự cần thiết của cái đúng mực, về giá trị của lẽ phải, về lương tâm trong sáng và cao thượng của con người. Em rất biết ơn thầy”.