“Thừa thầy thiếu thợ”, trường nghề vắng bóng

ANTĐ - Đào tạo nghề đang là một nhu cầu lớn, nhằm tạo nhân lực đáp sự phát triển của xã hội. Nhưng hiện nay số lượng học sinh theo học các trường nghề là rất ít, việc tuyển sinh cho mỗi trường nghề là rất khó, việc duy trì sĩ số còn khó hơn.

Giảng đường thiếu vắng học viên

Hiện nay mỗi tỉnh thành có rất nhiều cơ sở dạy nghề khác nhau, chỉ cần học hết THCS, THPT là có thể học nghề, có thể chọn bất cứ ngành nghề nào để theo học. Các trường đã có rất nhiều chính sách để thu hút học viên nhưng số lượng người đăng kí học rất ít, và số người bỏ học giữa chừng thì càng ngày càng đông. Như lớp học nguội của trường cao đẳng nghề Phú Thọ, sĩ số đầu năm là 22 học viên,nhưng đến nay chỉ còn lại 13 học viên.

Bạn Hoàng Mạnh Quân đang theo học nghề điện tại một trường nghề cho biết: “Mới đầu theo học chỉ vì em thi trượt đại học, chưa định hướng đúng nghề nghiệp cho mình, em đang tính năm nay thi đại học tiếp và bỏ học nghề ở đây”. 

Rất nhiều lí do để học viên theo học rồi bỏ giữ chừng khiến một số trường  nghề có lớp học, có giáo viên, có cơ sở kỹ thuật nhưng lớp học thì vắng bóng. Một số học viên dù yêu nghề nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên phải bỏ học để lao vào “kiếm cơm”, lo cho “ấm bụng” cần thiết hơn rất nhiều khi lo cho mình có một cái nghề chắc trong tay. Học nghề 2 năm nhưng ít người theo đuổi được vì họ nghĩ  bằng cao đẳng, đại học còn không có giá trị huống chi là bằng nghề, đi làm thuê 2 năm cũng kiếm được kha khá tiền.

Khu thực hành cũng chỉ vài học viên

Trước mỗi kì thi đại học, cao đẳng các trường đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, để tạo ra sự thông thoáng trong tư duy cho bậc phụ huynh và học sinh. Nhưng việc làm đó chỉ có tác động rất nhỏ khi mà vấn đề “cơm áo gạo tiền” còn đang nhức nhối, khi mà các trường đào tạo nghề chưa thật sự hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực hành của học viên. 
Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang là mối quan tâm của rất nhiều trường nghề trong cả nước, vì vậy mỗi trường nên có những hình thức dạy nghề mới mẻ, mở rộng hình thức liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp để tiến hành đạo tạo, đảm bảo chất lượng lao động.

Việc học viên không "mặn mà" với các trường nghề hoặc đang học nghề bỏ học giữa chừng đã, và sẽ là bài toán khó đối với các trường nghề nếu như không có những giải pháp, những chính sách khuyến khích thu hút học viên.