Tứ trấn Thăng Long

(ANTĐ) - Tứ trấn của Thăng Long - Hà Nội là nơi thờ bốn vị thần đã được phong sắc qua các thời kỳ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn tồn tại bền vững trong ý niệm tốt đẹp của người dân. Tứ trấn là một trong những kiến trúc văn hóa, đang được tôn tạo để chào đón Hà Nội 1.000 năm tuổi.

Tứ trấn Thăng Long

(ANTĐ) - Tứ trấn của Thăng Long - Hà Nội là nơi thờ bốn vị thần đã được phong sắc qua các thời kỳ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn tồn tại bền vững trong ý niệm tốt đẹp của người dân. Tứ trấn là một trong những kiến trúc văn hóa, đang được tôn tạo để chào đón Hà Nội 1.000 năm tuổi.

Đền Quán Thánh, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phương Bắc
Đền Quán Thánh, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phương Bắc

Nơi hội tụ văn hóa

Sau gần mười thế kỷ tạo dựng, Hà Nội 36 phố phường, cùng nhiều kiến trúc văn hóa, tôn giáo độc đáo, cảnh quan thơ mộng gắn với nhiều hoạt động của con người, cùng nhiều truyền thuyết như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, đền Phù Đổng, tháp Rùa, hồ Tây… Ngoài các đấng anh hùng trong lịch sử có công với dân, với nước, người ta còn tôn vinh bốn vị thần in đậm trong tâm thức người Việt, đó là thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử.

Và cũng chỉ có Thăng Long - Hà Nội có tứ trấn, bốn ngôi đền trấn ngự ở bốn phương. Đó là phương thức sáng tạo không gian thiêng, là quy hoạch của thành Thăng Long xưa, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ linh khí của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Tứ trấn tạo ra sức mạnh huyền diệu, thần quyền, hỗ trợ cho thế quyền, để uy lực của Thủ đô ngày càng vững mạnh, đất nước ngày càng yên vui. Tứ trấn gồm: Đền Bạch Mã (phương Đông), thờ thần Long Đỗ, vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long, đền Voi Phục (phương Tây), thờ thần Linh Lang Đại Vương, đền Quán Thánh (phương Bắc), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, đền Kim Liên (phương Nam), thờ thần Cao Sơn.

Vai trò tứ trấn

Ông Triệu Chinh Hiểu, cố vấn ban biên tập website: ThanglongHanoi.gov.vn chia sẻ: “Thời kỳ đất nước còn sơ khai, có nhiều hiện tượng thiên nhiên lạ mà con người không thể giải thích. Do đó, con người có suy nghĩ là nhờ các vị thần trấn giữ, để cuộc sống của người dân được bình yên, xã hội được phát triển. Hà Nội là trung tâm, là trái tim của cả nước, do đó việc trấn giữ được coi trọng bằng việc nhờ cậy bốn vị thần, trấn giữ bốn phương”.

Cách đây khoảng 1.200 năm, nước ta lúc ấy đang nằm trong ách cai trị của nhà Đường, thời Vua Đường Trung Tông. Cao Biền làm quan Thái Sử, là một người rất giỏi địa lý, được Vua Đường Trung Tông phong làm An Nam Tiết Độ Sứ sang cai trị nước Nam. Trước khi đi, Vua Đường nhủ với Cao Biền rằng: “An Nam có nhiều quý địa kết phát tới thiên tử, sản xuất ra nhiều nhân tài, anh kiệt nên luôn luôn nổi nên chống đối. Qua bên đó, khanh nên tường suy phong thủy, kiến lãm sơn xuyên và làm tờ tấu biểu kèm theo lời diễn giải các kiểu đất, gửi về cho trẫm xem trước. Rồi ở bên đó khanh đem tài kinh luân, đoạt thần công, cải thiên mệnh, trấn áp các kiểu đất đó đi. Đó là cách nhổ cỏ thì nhổ tận gốc vậy, để tránh hậu họa sau này…”.

Cao Biền sang Việt Nam, chọn những nơi đất tốt và những nơi có long mạch lớn để trấn yểm. Nhưng lịch sử Thăng Long đã chứng minh, Cao Biền hoàn toàn thất bại trong việc trấn yểm, chúng ta vẫn bảo vệ được thành Thăng Long bền vững. Trong cuốn “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của hai Giáo sư sử học Việt Nam là Đinh Xuân Lâm và Hữu Quỳnh có viết: “Để trấn áp tinh thần quật khởi của nhân dân ta, Cao Biền đã dùng thuật yểm các nơi truyền là có long mạch. Tuy nhiên, nhân dân ta đã phản ứng kịch liệt. Theo lời truyền, Cao Biền phải kinh hãi, than thở: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được”.

Phía Đông tượng trưng cho màu hồng, thể hiện khả năng phát triển, do đó trấn phía Đông nhằm bảo vệ 36 phố phường Hà Nội, giúp cho việc phát triển công thương, dịch vụ của kinh thành. Trấn phía Tây, nhằm bảo vệ uy lực quân sự. Trấn phía Bắc, nhằm chống ngoại xâm, sự xâm nhập của các thế lực thù địch và trấn phía Nam, bảo vệ sự bình yên của Hà thành. Bốn ngôi đền trấn giữ bốn vị trí huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long. Nói như Tiến sĩ Nguyễn Doãn Tuân, Ban quản lý danh thắng Hà Nội: “Tứ trấn giống như bốn vì sao sáng, không chỉ bảo vệ thế mạnh quân sự mà còn góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn thuần phong mỹ tục và sự hào hoa phong nhã của người Hà Nội”.

Vô Hà