Tre xanh trong lòng Hà Nội

(ANTĐ) - Theo những tư liệu xưa, Hà Nội ngày xưa, sông, hồ, ao khá nhiều. Hai con sông chảy qua thành Thăng Long cũ là Tô Lịch và Kim Ngưu, hiện nay vẫn còn dấu tích, (cho dù dòng đã đen và ô nhiễm). Đại Nam nhất thống chí, ghi: “Sông Tô Lịch: ở phía Đông tỉnh thành, là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành, vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận, đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng Khương Đình, Quang Liệt, Cổ Điển, Ninh Xá huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, đến xã Hà Liễu mà vào sông Nhuệ. Sông này mùa đông, mùa xuân nông cạn, mùa hè mùa thu nước lớn, phải đi bằng thuyền...” (NXB Khoa học Xã hội, 1971, tập III, trang 177).

Tre xanh trong lòng Hà Nội

(ANTĐ) - Theo những tư liệu xưa, Hà Nội ngày xưa, sông, hồ, ao khá nhiều. Hai con sông chảy qua thành Thăng Long cũ là Tô Lịch và Kim Ngưu, hiện nay vẫn còn dấu tích, (cho dù dòng đã đen và ô nhiễm). Đại Nam nhất thống chí, ghi: “Sông Tô Lịch: ở phía Đông tỉnh thành, là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành, vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận, đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng Khương Đình, Quang Liệt, Cổ Điển, Ninh Xá huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, đến xã Hà Liễu mà vào sông Nhuệ. Sông này mùa đông, mùa xuân nông cạn, mùa hè mùa thu nước lớn, phải đi bằng thuyền...” (NXB Khoa học Xã hội, 1971, tập III, trang 177).

Chỉ một đoạn này, đủ biết sông Tô Lịch xưa chạy bao quanh Hà Nội cũ, khá dài. Và dọc sông thì tre trúc hẳn là rợp đôi bờ. Tre trong lòng Hà Nội cũ hẳn không thiếu, vì Hà Nội xưa, hồ ao nhiều. Và có một ngọn núi ở gần Giảng Võ Đường có tên là Núi Trúc, bây giờ được một con phố mang tên, hẳn là núi trồng tre rợp bóng... Ngày nhỏ, tôi ở gần hồ Hale, những trận mưa to, bèo tây dềnh qua đường, vào tận phố Quang Trung, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du bây giờ. Đi ra ngoại ô thì chỉ cần mấy bước đến làng Kim Liên, xa một chút ra Yên Phụ, thậm chí đi vào phía tả, hữu trong ngõ phố Khâm Thiên là đã thấy tre rồi. Tre còn rất đẹp ở mạn hồ Tây, hồ Trúc Bạch. Rừng trúc Nghi Tàm còn được lưu danh trong Tây hồ bát cảnh. Thơ của Trần Huyền Trân viết ở đầm Liên Hoa năm 1939:

Thu

Mây bay trắng lá rau tần

Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa

Có người về khép song thưa

Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng

Cái đầm Liên Hoa ấy, hẳn là cũng ở trong cái khu Cống Trắng, Khâm Thiên, nơi thi sĩ ở và đã viết hầu hết những bài thơ trong tập “Rau tần”.

Lại nữa, đất Phù Đổng, quê Thánh Giáng, giờ đã thuộc về Hà Nội, khi đuổi giặc Ân, roi sắt gãy, đã nhổ cả một bụi tre đằng ngà để đánh giặc. Làng Phù Đổng xưa có trồng loại tre này. Thực ra tên loại tre này gọi là “trúc đằng ngà”. Ngày xưa, phân biệt tre và trúc khác nhau. Trúc là loại thân nhỏ, đặc, dóng thẳng, lá to ví như trúc cần câu, trúc đùi gà làm gậy cho các bậc trưởng lão... Trúc đằng ngà khác với tre, thân màu vàng, lại có những sọc xanh dọc thân, rất nhã. Người ta hay trồng trúc đằng ngà làm cảnh. Trước đây ở một số biệt thự ở Hà Nội có trồng loại trúc này.

Thời hiện đại, ao đầm lấp hết thành đất ở để bán hoặc làm nhà. Những lũy tre dày ở nông thôn đã chặt hết rồi, huống chi là ở nội thành. Đất Hà Nội giờ đây bói trong thành phố cũng không thấy tre. Có chăng chỉ là những quán rượu, quán cà phê có trồng tre thật (và kể cả tre giả) lấy tên Trúc Lâm, Trúc Sơn... làm tên quán.

Muốn thấy tre phải ra các bờ đê mạn Đông Anh, Gia Lâm thì mới gặp. Tre được trồng ở chân đê để khi nước to, ngăn sóng đập vào đê. Đó là một sáng kiến được thực thi ở các làng có đê, có bãi ngoài đê, được nhiều nơi thực hiện từ những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước.

May mà gần đây, Hà Nội mở rộng gồm cả Hà Tây cũ, huyện Mê Linh của Vĩnh Phúc và bốn xã của Hòa Bình, nên những ai nhớ tre vẫn có thể đến những xã thuộc các huyện mới sáp nhập hẳn sẽ được ngắm tre.

Nội thành ở đầu phố Phan Bội Châu, giờ còn một bụi tre gai khá dày. Đi trong những hàng cây đủ loại trong nội đô như lim đỏ (a-ca-fu), sấu, cơm nguội, sữa, bằng lăng, phượng... đôi lúc lại gặp một cây đa hoặc một bụi tre giữa phố phường, thì của “độc” thành quý. Bỗng dưng lòng cũng xao động, và những ai đó, từng là ở quê ra tỉnh, hẳn là lại nhớ làng xưa...

Lắm lúc tôi cứ nghĩ, trong những khu vườn của những di tích, danh thắng như Văn Miếu chẳng hạn, sao chẳng trồng lấy một bụi trúc đằng ngà. Ví như, trước Khuê Văn Các trong Văn Miếu, có vài bụi đằng ngà thì chắc cũng khá đẹp, bởi nhà nho trước rất yêu trúc, và coi trúc là loại cây tiêu biểu cho người quân tử.

Tôi còn nhớ họa sĩ Trần Đình Thọ, có một bức sơn mài nổi tiếng, trong tranh, cái dáng trúc hiện lên khá đẹp.

Thỉnh thoảng lang thang đến những cửa hàng mỹ nghệ, có những bức tranh tứ bình, lại gặp được trúc trong bốn bức “thông, mai, cúc, trúc”. Bất chợt, tôi lại nhớ câu thơ khuyết danh đề dưới một bức tranh giấy, tứ bình, không biết thuộc dòng tranh Kim Hoàng hay Hàng Trống, có câu thơ rất hay đề dưới bức vẽ cây tre:

“Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết

Đáo lăng vân xứ giã vô tư...”

(Chưa ra khỏi đất đã có khí tiết

Cao tít ngang mây (lòng dạ) vẫn hồn nhiên)

Chữ tiết vừa có có nghĩa là khí tiết mà cũng còn là đốt tre... Đó chẳng là câu thơ vinh danh cho tre, với tính cách đầy cao thượng đó sao!

Ngô Văn Phú