Người đem vẻ đẹp Đà Lạt mừng Hà Nội nghìn năm

(ANTĐ) - Họa sĩ Vi Quốc Hiệp, chàng trai người Tày ấy đã có một phần đời ở thành phố mộng mơ Đà Lạt. Anh đã dâng hiến cho Đà Lạt những rung động nghệ thuật ba mươi năm nay và bây giờ anh đem cái vẻ đẹp hội họa của mình về Hà Nội trưng bày như một nghĩa cử văn hóa trước thềm Hà Nội nghìn năm…

Người đem vẻ đẹp Đà Lạt mừng Hà Nội nghìn năm

(ANTĐ) - Họa sĩ Vi Quốc Hiệp, chàng trai người Tày ấy đã có một phần đời ở thành phố mộng mơ Đà Lạt. Anh đã dâng hiến cho Đà Lạt những rung động nghệ thuật ba mươi năm nay và bây giờ anh đem cái vẻ đẹp hội họa của mình về Hà Nội trưng bày như một nghĩa cử văn hóa trước thềm Hà Nội nghìn năm…

Quen Hiệp mười mấy năm nay, tôi vẫn thấy anh miệt mài vẽ rồi bày tranh ở khắp trong Nam ngoài Bắc, cả ở Thái Lan… Nhưng bây giờ đột nhiên Hiệp gọi cho tôi bảo anh đang chuẩn bị triển lãm tranh mừng Thăng Long - Hà Nội tuổi tròn Thiên niên kỷ… Tôi chỉ biết nói lời chúc mừng... Tiếng là họa sĩ nơi phố núi mờ sương, nhưng có lẽ tầm “phủ sóng” của anh đã vượt ra ngoài ranh giới Đà Lạt - Lâm Đồng. Bằng chứng là lâu lâu lại nghe anh bày tranh ở thành phố Hồ Chí Minh, đùng một cái lại thấy Hiệp mở triển lãm ở Vũng Tàu… Phải là người nghệ sĩ đi lắm, biết nhiều, mở mang tầm nhìn anh mới đủ sức làm những chuyến lãng du như vậy.

Hiệp sống hết mình, chơi hết mình với nghệ thuật, với bạn bè. Hình như trong hồn cốt Hiệp có sẵn máu nghệ sĩ rồi. Bằng chứng là ở đâu Hiệp cũng có thể vẽ, hát và viết nhạc làm thơ. Nhưng thôi, hãy nói đến một Vi Quốc Hiệp của hội họa, và riêng điều ấy cũng đã đủ làm nên một chân dung nghệ sĩ.

Vi Quốc Hiệp đến với hội họa từ rất sớm, khi anh vừa tuổi thiếu niên. 15 tuổi đã được vào học Mỹ thuật Hà Nội. Cái thiên bẩm ấy cộng với một tư duy mang đậm bản sắc dân tộc đã đưa Hiệp đi xa trên con đường khám phá cái đẹp. Hiệp vẽ đủ thứ đề tài, chất liệu, nhưng chủ yếu là chân dung phụ nữ, hoa và Đà Lạt với những biệt thự cổ và thông trong khói sương bảng lảng... Thôi chừng đó cũng đã nhiều!

"Người ta là hoa của đất" - Hiệp tâm sự - Hoa dù đẹp thì muôn đời có thể vẽ về hoa như thế. Khác chăng là cái bình cắm hoa. Còn mỗi người phụ nữ họ mang một vẻ đẹp riêng khó lặp lại. Đó là vẻ đẹp tự nhiên từ làn môi, đôi mắt, cái khuôn trăng ngà ngọc cho đến những đường cong làm nên nét duyên sự gợi cảm.... Đó là những tác phẩm tuyệt mỹ của tạo hóa mà không một nhà nghệ sĩ nào có thể dửng dưng... Và tôi đã vẽ họ như một lần lưu lại bằng tranh đem hiến tặng cuộc đời hình bóng giai nhân. Hàng trăm bức thiếu nữ hiện đang lưu lạc khắp nơi. Có bức thiếu nữ miền Bắc hai mươi năm nay lại đi tìm họ để mượn lại bức vẽ ấy đem trưng bày.

Phải nói tranh phái đẹp của Vi Quốc Hiệp luôn là mảng tươi sáng nhất, lãng mạn nhất của anh.

- Còn Đà Lạt!

- Vâng Đà Lạt với tôi như một cơ duyên. Được sống ở thành phố mộng mơ trong sương huyền ảo ấy đã là một may mắn rồi. Với người nghệ sĩ thì đây còn là một đặc ân nữa, nhưng cũng một bất hạnh, khi ta bất lực trước vẻ đẹp của Đà Lạt. Và tôi đã vẽ Đà Lạt theo cách của riêng mình.

- Đó là gì?

- Đó là cách vẽ. Nhiều người yêu Đà Lạt đến cháy bỏng chứ đâu riêng gì Hiệp. Vậy thì làm sao để tranh Vi Quốc Hiệp có bản sắc, ngôn ngữ và tiếng nói riêng? Hiệp đã đi tìm điều đó ba mươi năm. Và đến bây giờ Linh thấy đấy, Hiệp vẽ Đà Lạt không giống ai. Cũng thông núi nhấp nhô, cũng sương mờ mây khói đấy, cũng nhà cổ thấp thoáng đấy nhưng cảnh sắc ấy vào tranh Hiệp bằng con đường riêng... Đó là một bí mật.

Thân tình lắm với tôi, anh mới "bật mí" về bí quyết làm nên những bức tranh Đà Lạt huyền ảo. Anh bảo đó là cách "in" tranh của anh. Cách "in" độc bản ấy dù có học cũng khó có thể làm. “Tôi in lên tranh dấu vân tay tôi. Bàn tay tôi mài lên giấy, lên toan thì hỏi ai làm giống tôi cho được?”.

Vi Quốc Hiệp kể, bởi yêu Đà Lạt mà từ ba mươi năm trước anh đã vẽ nó như một ký ức, sợ rồi những đổi thay sẽ phá vỡ cái không gian mộng ảo của nó. Có bức vẽ từ năm 1980, khi ấy thành phố còn hoang sơ, nhiều thông và nhà cổ.

Ngắm những bức tranh về Đà Lạt của Hiệp, cảm giác đầu tiên là hình khối lạ lẫm, rồi màu sắc huyền ảo, mờ nhòe, chỉ có đường nét là thực... Tất cả là một thủ thuật để làm nên phong cách Đà Lạt của Vi Quốc Hiệp. Yêu Hà Nội nghìn năm, Hiệp về Hà Nội. Đó là bức vẽ cầu Thê Húc - đền Ngọc Sơn như một hoài niệm về quá khứ Thăng Long.

Và để mừng Thăng Long tròn nghìn tuổi, Vi Quốc Hiệp mở một triển lãm riêng tại 16 Ngô Quyền như một nghĩa cử trước ngày Đại lễ...

Tân Linh