Huyết thư bên ảnh Bác của “thi sĩ một bài”

(ANTĐ) -Sau 35 năm lưu lạc, tấm ảnh Bác Hồ cùng lời quyết tử viết bằng máu của người lính Lê Bá Dương đã được chính tác giả trao tặng cho Ban tổ chức cuộc vận động Những kỷ vật kháng chiến. Có thể xem huyết thư bên ảnh Bác Hồ như một áng thơ của “thi sĩ một bài” Lê Bá Dương về tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của người lính bộ đội Cụ Hồ.

Huyết thư bên ảnh Bác của “thi sĩ một bài”

(ANTĐ) -Sau 35 năm lưu lạc, tấm ảnh Bác Hồ cùng lời quyết tử viết bằng máu của người lính Lê Bá Dương đã được chính tác giả trao tặng cho Ban tổ chức cuộc vận động Những kỷ vật kháng chiến. Có thể xem huyết thư bên ảnh Bác Hồ như một áng thơ của “thi sĩ một bài” Lê Bá Dương về tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của người lính bộ đội Cụ Hồ.

Lời thề viết bằng máu bên tấm ảnh Bác Hồ

Gần 40 năm đã trôi qua, nhưng với người lính chiến trường Quảng Trị năm xưa Lê Bá Dương, anh vẫn nhớ như in ngày 20-6-1971 lịch sử. Sau một tháng “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”, Trung đoàn 27 Triệu Hải của Lê Bá Dương được giao nhiệm vụ tấn công cao điểm 544. Đêm 19-6-2009, Lê Bá Dương được Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Bùi Xuân Các gọi lên giao nhiệm vụ: Cậu chọn mấy tay súng, giữ lấy chốt thám báo để làm bàn đạp đánh chiếm 544. Lệnh trên là trong trường hợp không giữ được chốt, đội của Lê Bá Dương phải hủy trận địa, xóa dấu vết và bắn pháo hiệu để Tiểu đoàn biết triển khai phương án hai.

Ngày 20-6-1971, trận đánh ác liệt đã nổ ra không vơi tiếng súng dường như suốt cả ngày. Hàng loạt trận oanh kích xả vào hầm công sự của tiểu đội Lê Bá Dương, đôi lúc các anh vừa bắn vừa phải nhặt cả lựu đạn địch ném vào hất văng ra khỏi chốt… Đến khoảng 16h, khi cả tiểu đội đều đã bị thương nặng, đạn đã gần hết mà địch lại tiến vào rất sát…

Lê Bá Dương quyết định y lệnh trên, triển khai phương án hai. Trước khi cho nổ đồng loạt các quả mìn DH10 hủy chốt, Lê Bá Dương lấy tấm ảnh Bác Hồ trong túi áo ra viết vội: “Bác Hồ ơi! Bắt đầu từ hôm nay 20-6, con cùng đồng đội đã bắt đầu nổ súng diệt địch giữ chốt đến cùng. Quán đã diệt được 7 tên, Hòe, Dương hơn một chục. Tại mỏm đồi thám báo này con và Hòe cùng trung đội càng ghi sâu lời Bác dạy: Hễ còn tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi. Bác ơi! Quyết tâm của chúng con, trách nhiệm của chúng con là giữ chốt...”.

Lê Bá Dương nhớ lại: “Nhận lệnh chiếm và giữ chốt thám báo coi như là đi vào chỗ chết”. Vì thế, trước lúc lên đường anh đã xé vội hai trang đầu cuốn sổ tay có ảnh Bác Hồ nhét vào túi làm bùa hộ mệnh và tăng thêm ý chí chiến đấu. Hôm đó, viết vội lời thề quyết tử bằng máu đang đổ từ những vết thương của mình, Lê Bá Dương đưa tấm ảnh Bác cùng huyết thư cho hai đồng đội là Hòe và Dương hôn một lượt rồi tháo ngòi cho nổ mìn xóa trận địa. Mãi về sau Lê Bá Dương nghe kể lại, khi đồng đội vào chốt thám báo, tiểu đội Lê Bá Dương vùi dưới đống đất đá tơi tả. Họ đã móc trong túi áo trái của anh tấm ảnh Bác Hồ cùng những dòng huyết thư truyền cho nhau đọc để thêm quyết tâm cho Tổ quốc quyết sinh.

Thêm một áng thơ của “thi sĩ một bài”

Bây giờ, tấm ảnh Bác Hồ cùng lời quyết tử viết bằng máu của Lê Bá Dương đã được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN sau 35 năm lưu lạc. Chả là sau trận đánh chiếm cao điểm 544, chính trị viên đại đội 3 - Tiểu đoàn 2  Ngô Ất đã cẩn thận giao cho chính trị viên Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 27 Triệu Hải  - Lê Văn Dưỡng viết báo cáo thành tích kèm bức ảnh quý gửi về Trung đoàn để làm truyền thống.

Nhà báo Lê Bá Dương (ngoài cùng bên phải) tại cao điểm 544
Nhà báo Lê Bá Dương (ngoài cùng bên phải) tại cao điểm 544

Đến năm 1972, bức ảnh được đem trưng bày trong lễ mừng công, Bảo tàng Quân khu IV đã có ý định xin giữ bức ảnh làm tư liệu về trưng bày, lưu giữ. Bẵng đi mấy chục năm, chính trị viên Lê Văn Dưỡng vẫn tưởng rằng tấm ảnh đã nằm trong Bảo tàng Quân khu IV. Năm 2007, tình cờ lục lại đống tài liệu ông mới tìm thấy bức ảnh nằm ép trong cuốn sổ tay. Hay tin cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu kỷ vật kháng chiến, đầu năm 2009 Lê Bá Dương từ Khánh Hòa ra tận Hà Nội trao tặng lại bức ảnh Bác Hồ cùng huyết thư của mình cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN.

Có thể xem đấy như một “áng thơ” tuyệt đẹp của người chiến sĩ chiến trường Quảng Trị Lê Bá Dương vốn nổi tiếng với danh xưng “thi sĩ một bài”. Thực ra vốn liếng văn chương của Lê Bá Dương cũng không phải ít, nhưng tên tuổi của anh từ lâu đã được nhiều người nhớ mãi với bốn câu thơ nổi tiếng: “Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Bài thơ đã đi vào tâm thức nhiều người, đóng một dấu son ghi lại đỉnh cao thơ ca của Lê Bá Dương. Bài thơ đã được phổ thành bài hát, hợp xướng… Thậm chí, sự lan tỏa trong tâm thức của nhiều người đã tạo cho bài thơ nhiều “hình hài” khác mà có nhà nghiên cứu đã viết hẳn thành một chuyên luận về những dị bản khác nhau về bốn câu thơ của Lê Bá Dương?!

Người lính năm xưa được mệnh danh “thi sĩ môt bài” ấy cũng chính là người hàng năm vẫn trở lại chiến trường Quảng Trị thả hoa tưởng nhớ những người đồng đội năm xưa trên dòng sông Thạch Hãn. Nghĩa cử cao đẹp của anh đã được nhiều người ghi nhận, hưởng ứng để bây giờ đã trở thành một lễ hội thả hoa của Quảng Trị thường được tổ chức vào ngày 27-7 hàng năm.

P.N