Chuyện võ, chuyện đời với "quyền sư"

ANTĐ - Xin số điện thoại của tác giả “Quyền sư” qua một nhà thơ, tôi nhận được lời cảnh báo “hết sức nguy hiểm”. Đến khi gặp được tác giả Trần Việt Trung thì hóa ra, lời cảnh báo “nguy hiểm” kia là… đúng. Ông vừa là một nhà quản lý, vừa bắt mạch bốc thuốc, vừa là thầy của nhiều môn sinh “Vịnh xuân quyền”, lại chuyên nghiên cứu tử vi lý số. Ấy thế mà vóc dáng và khuôn mặt lại như một tài tử điện ảnh.

Cuốn “Quyền sư” gây xôn xao văn đàn

Sách võ nhưng không nói về võ

Khi “Quyền sư” ra đời, cuốn sách gây xôn xao các diễn đàn văn chương. Thế mà, tác giả của cuốn sách lại là một tay viết nghiệp dư, vốn xưa nay nghề nghiệp của ông chỉ liên quan đến võ. Hỏi ông về chuyện văn chương, ông cười bảo: “Cứ coi tôi là con số 0 nhé. Đừng nói chuyện thủ pháp nghệ thuật rồi lớp lang nhân vật. Tôi chỉ viết những gì tôi nghĩ ở trong đầu”. Chính việc bỏ qua các thủ pháp, chẳng màng đến nút thắt nút mở, chẳng đẩy bi kịch đến cao trào khiến “Quyền sư” dù là một cuốn sách về võ thuật nhưng lại nhẹ các chi tiết đấm đá, hơn thua cao thấp. Sách hút người đọc bởi cách đối nhân xử thế của những nhân vật như cụ Tế Công, như thầy Ngô Sỹ Quý, họ đều là những bậc danh sư. Đọc “Quyền sư” cứ rưng rưng mãi về đạo nghĩa thầy trò, tình đồng môn, rồi bỗng thấy tiếc những tình cảm đẹp đẽ ấy. “Ngày xưa chúng ta đã từng sống như thế, nhưng bây giờ cái đạo nghĩa ấy đã mai một nhiều rồi. Tại sao chỉ mấy chục năm chuyển sang kinh tế thị trường mà truyền thống tôn sư trọng đạo xuống cấp nhanh đến thế”- võ sư Trần Việt Trung lắc đầu tiếc nuối! 

Tất cả đều là những câu chuyện có thật, võ sư Trần Việt Trung đã mang đến cho bạn đọc câu chuyện về đạo nghĩa, võ là để rèn nhân cách con người chứ không phải chỉ để đánh nhau, cũng không phải là phương tiện đưa kẻ mạnh hơn đứng lên vai người yếu thế. Có gì thú vị hơn chi tiết, một võ nhân thượng thừa như cụ Tế Công đi trên phố Hàng Đào, bị người khác vô ý dẫm vào chân, trong khi học trò của cụ khó chịu ra mặt với hành động bất lịch sự này thì cụ nhẹ nhàng quay sang xin lỗi, rồi ôn tồn giảng giải: “Người ta có thích dẫm vào chân mình không? Không thích. Mình xin lỗi là tốt nhất, nếu trách người ta thì lại nói đi nói lại”. Rồi lại cũng có lần cùng học trò dạo hồ Hoàn Kiếm, gặp gánh mãi võ bán thuốc kiếm tiền, khi học trò ngứa tay định khoe nghề, cụ véo cho cái thật mạnh rồi bảo “Người ta múa võ mưu sinh, mình phải để người ta kiếm sống chứ”...

Hấp dẫn với người đọc hơn cả có lẽ là chi tiết thầy Ngô Sỹ Quý dạy một học trò ngỗ nghịch. Học trò cậy có võ, lại cũng là người dân tộc vốn xưa nay quen tự do, khi bị ốp vào những quy tắc ở trường học thì khó chịu ra mặt và chống đối. Để thu phục chàng trai đó, thầy Quý phải dùng tuyệt chiêu- hai thầy trò đấu võ. Dĩ nhiên cậu học trò kia thua. Thua tâm phục khẩu phục, từ đó ngoan ngoãn nghe lời thầy cô giáo trong trường. 

Nhà văn Đỗ Chu khi đọc xong Quyền sư đã dành cho tác giả cuốn sách những lời trân trọng: “Trần Việt Trung kể chuyện những bậc thầy của mình trong môn phái võ Vịnh Xuân mà anh theo đuổi. Với tất cả sự kính yêu của một học trò, anh tôn họ là Quyền sư. Những trang văn mộc mạc, sâu đọng, càng đọc càng lôi cuốn, chuyện võ mà cũng là chuyện đời… Quyền sư ở đây quả là những đấng bậc hiếm có, họ từng là những vẻ đẹp Hà thành một thưở và hình như, liệu có phải trong sự lặng lẽ khiêm nhường tác giả cuốn sách này cũng là một quyền sư?”.

Viết trong lúc chờ… ăn

Biết về công việc của võ sư Trần Việt Trung, hẳn nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì một ngày chỉ có 24 giờ, ông làm thế nào cho hết việc. Công việc quản lý của hệ thống nhà máy sản xuất chổi sơn, con lăn sơn xuất khẩu khiến ông phải ra khỏi nhà từ lúc sáng sớm. Tiện đường thì đưa cháu ngoại đi học.  Ông trở về nhà lúc chiều tối, nghỉ ngơi cơm nước xong thì bắt mạch kê đơn, bốc thuốc cho bệnh nhân, rồi dạy võ. Hỏi ông, thời gian đâu để viết, ông kể toàn viết trong lúc chờ bữa cơm chiều. Thế mà ông viết rất nhanh. 3 tháng hoàn thành “Quyền sư” dày dặn với tròn 200 trang. Ông bật mí: “Tôi đã viết xong cuốn thứ 2, đang chờ đọc sửa chút ít. Cuốn này, tôi viết về học trò của tôi”. Hỏi đùa ông, văn chương bây giờ ngay cả tác giả chuyên nghiệp, nhà văn nổi tiếng đi chăng nữa, khi viết vẫn cứ phải để ý chiều độc giả, với đủ tiêu chí “3S” tức là “sex- sốc- sến” mỗi thứ một chút mới mong sách bán được. Võ sư Trần Việt Trung cười giòn: “Ô, sách của tôi cũng có sex- sốc- sến”, chả phải cảnh tôi tả thầy Quý đưa bạn gái đi xem xi-nê rồi cầm tay còn gì. Rồi còn cả cảnh đạp xe ngoài phố, đưa nhau ra nhà Kèn xem người ta tập nhạc còn gì. Thời trẻ của chúng tôi chạm tay vào người con gái mình thích cũng run rẩy mất mấy ngày đấy. Tim đập thình thịch, sợ lắm!”. 

 Không nhiều người biết, võ sư Trần Việt Trung là con út của tướng Trần Tử Bình, một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cha mất sớm, mẹ đau ốm liên miên, Trần Việt Trung cứ thể sống lủi thủi một mình, thời chiến tranh đi sơ tán cũng một mình. Ngày nhỏ, ông cũng chỉ là cậu nhóc gầy gò, yếu đuối và sợ bị bắt nạt. Thế là đi học võ. Chính võ và những bài học nhập môn, lời gan ruột của những người thầy đã dạy ông biết trọng nghĩa khí và hiểu ra một chân lý, học võ không phải để bắt nạt người khác, võ học mang đến cho người ta một cuộc sống đẹp hơn.