“Nắn” đường vành đai 2,5 nắn "phục vụ" ai?

(ANTĐ) - Đự án đường vành đai 2,5 đoạn đi qua địa phận quận Hoàng Mai sau khi triển khai thu hồi đất đã bị nắn chỉnh sai lệch so với quy hoạch ban đầu.

Chúng tôi nhiều lần phản ánh sự bức xúc của người dân về việc dự án đường vành đai 2,5 đoạn đi qua địa phận quận Hoàng Mai sau khi triển khai thu hồi đất đã bị nắn chỉnh sai lệch so với quy hoạch ban đầu. Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã vào cuộc thanh tra lại toàn bộ dự án.

Tuy nhiên, mới đây Tcty Đường sắt Việt Nam, cụ thể là Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) với sự tham gia của Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội đã đưa ra bản thiết kế kỹ thuật bổ sung, được cho là đã có sự điều chỉnh “kép” để hợp lý hóa việc nắn đường 2,5 đoạn Đầm Hồng đi quốc lộ 1A.

Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội giai đoan I (tuyến số 1) từ ga Giáp Bát đến ga Gia Lâm được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt tại Quyết định số 3304/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2008. Tại quyết định này đã xác định vị trí cầu cạn đi qua phố Định Công tại lý trình Km4+279 (tính từ tim ga Hà Nội). Lý trình này tương đương với lý trình Km4+370 của đường sắt Bắc-Nam hiện tại.

Tại văn bản số 556/DS-RPMU do ông Ngô Anh Tảo - Phó tổng Giám đốc Tcty Đường Sắt Việt Nam ký đã xác định: “tuyến đường sắt đô thị trên cao giao cắt khác mức với đường vành đai 2,5 tại lý trình Km4+256” (lý trình tính từ tim ga Hà Nội). Vị trí bố trí trụ nằm trên vỉa hè đường 2,5 quy hoạch.

“Nắn” đường vành đai 2,5 nắn "phục vụ" ai? ảnh 1
Thay vì đi qua phố Định Công, đường 2,5 đã đi vào phố Kim Đồng và đâm vào chính giữa ga Giáp Bát. “Hành vi” này sẽ dẫn đến hệ quả phải làm cầu vượt qua ga, tiêu tốn thêm hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước. Ảnh: Ga Giáp Bát.

Tuy nhiên, sau khi Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ vị trí giao cắt giữa đường sắt trên cao và đường 2,5 thì RPMU - đơn vị chịu trách  nhiệm thiết kế kỹ thuật tuyến đường sắt trên cao cho rằng: “Vị trí giao cắt khác mức của tuyến đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) với đường vành đai 2,5 tại lý trình Km 4+256 theo thiết kế mới của dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), tương đương với lý trình Km4+442,42 của đường sắt Bắc Nam hiện tại”.

Và lưu ý: “các thông tin trên được cung cấp dựa trên hồ sơ thiết kế kỹ thuật đang được tư vấn thiết kế dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội đề xuất và quy hoạch giao thông của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội”. 

Như vậy, việc đưa ra thông số và lý trình trên có sự sai lệch tương đối lớn so với chỉ giới thực địa mà Bộ GTVT đã phê duyệt (vị trí giao cắt khác mức từ lý trình Km4+370 đường sắt Bắc-Nam hiện tại được “di chuyển” thành lý trình Km4+442,42, nôm na là từ gần đầu phố Định Công dịch chuyển sang phố Kim Đồng, cách xa hơn 200m.

Việc “đặt” thiết kế đường sắt đô thị Hà Nội giao cắt đường 2,5 ở lý trình Km4+442,42 không chỉ sai lệch so với Quyết định 3304 của Bộ GTVT mà còn đi ngược với quan điểm của Tcty Đường Sắt Việt Nam trước đó. Đường 2,5 sau khi bị nắn chỉnh so với quy hoạch được phê duyệt ban đầu, thay vì đi qua phố Định Công đã đi vào phố Kim Đồng và đâm vào chính giữa ga Giáp Bát.

“Hành vi” này sẽ dẫn đến hệ quả phải làm cầu vượt qua ga, tiêu tốn thêm hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước.