Giấy khai sinh viết thế nào cho đúng?

(ANTĐ) - Quy định mới về đăng ký và quản lý hộ tịch có thể dẫn đến những áp dụng không thống nhất, gây nên những cách hiểu khác nhau.

Giấy khai sinh viết thế nào cho đúng?

(ANTĐ) - Quy định mới về đăng ký và quản lý hộ tịch có thể dẫn đến những áp dụng không thống nhất, gây nên những cách hiểu khác nhau.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thay thế Nghị định 83/1998/NĐ-CP trước đây đã thể hiện một bước ngoặt về cải cách hành chính. Theo quy định mới này, hàng loạt các vấn đề về hộ tịch, quản lý hộ tịch được điều chỉnh theo hướng tiện lợi cho người dân, cũng như thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý. Tuy vậy, cũng trong văn bản này, hàng loạt vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Nơi sinh: Địa giới hành chính hay địa điểm?

Cần quy định cụ thể để thống nhất việc khai giấy khai sinh
Cần quy định cụ thể để thống nhất việc khai giấy khai sinh

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Hoàng Thế Liên, Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch đã thể hiện tư tưởng cải cách hành chính tương đối rõ ràng. Bên cạnh đó, nghị định cũng thể hiện sự phân cấp rất mạnh cho địa phương. Hàng loạt các công việc, như đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài...; nếu như trước đây thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thì nay toàn bộ các công việc đó thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã.

Bên cạnh đó, bản thân văn bản này xác định: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”. Điều này có nghĩa, Giấy khai sinh được coi là giấy tờ gốc của hàng loạt các loại giấy tờ liên quan đến những bằng cấp, hồ sơ khác gắn liền với nhân thân của một con người cụ thể, nó ảnh hưởng đến cả quá trình học tập và công tác của con người này.

 Tuy nhiên, văn bản này vẫn còn khá nhiều điều bất cập, chẳng hạn vấn đề nơi sinh đang còn nhiều điều chưa thống nhất. Thực tế có nhiều địa phương, khi thực hiện đăng ký khai sinh ghi nơi sinh là bệnh viện, hoặc trạm xá. Cũng có nơi lại ghi theo địa giới hành chính (cấp xã, huyện, tỉnh) của địa phương đó. Hoặc có địa phương lại ghi cả 2 nội dung (vừa bệnh viện vừa địa giới hành chính).

Đem những bất cập này trao đổi với bà Đàm Thị Kim Hạnh, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội, được biết, Sơ Tư pháp Hà Nội cũng đã nhận ra nội dung của Nghị định 158 còn nhiều điều chưa rõ ràng, từ đó để xảy ra tình trạng tùy tiện trong việc xác định nơi sinh. Vì lẽ đó, Sở này thống nhất hướng dẫn trong toàn thành phố, sẽ áp dụng ghi nơi sinh đảm bảo có địa giới hành chính của điểm sinh đó.

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng nói thêm, theo thông lệ nơi sinh sẽ được ghi cả bệnh viện và địa giới hành chính đó. Ví dụ: Cháu Nguyễn Văn A, được sinh ở Bệnh viện C Hà Nội, nơi sinh của cháu này sẽ được ghi là: “Bệnh viện C, phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội”.

Quan điểm của bà Hạnh vẫn chưa nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia pháp luật, khi họ cho rằng, việc ghi địa giới hành chính đã là quá đủ, thêm bệnh viện vào sẽ tăng phần rườm rà, không cần thiết. Giả sử, nếu cháu A nào đó được sinh ở nhà, hoặc đẻ “rơi” trên đường đến bệnh viện chẳng hạn, nơi sinh của cháu này chả lẽ lại là: “Ở nhà, phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc: Đẻ rơi, phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội?”

Bố, mẹ hai dân tộc khác nhau: Con theo ai?

Ngoài những bất cập trên, vấn đề ghi dân tộc trong Giấy khai sinh cũng đang có nhiều tranh cãi cũng như nảy sinh những tùy nghi trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký. Cũng ở trong điều 5 Nghị định số 158/2005/NĐ của Chính phủ quy định rằng, mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó. 

 Như vậy, nếu cháu Nguyễn Văn A mà được đăng ký dân tộc Kinh thì các văn bản, hồ sơ, giấy tờ khác đều phải thống nhất theo dân tộc này của cháu A. Điều đáng nói là, Nghị định 158 không hề quy định, cháu A này sẽ phải khai nhận theo dân tộc nào (của bố hay mẹ). Nếu cháu A rơi vào trường hợp bố và mẹ cùng một dân tộc thì không có gì để bàn cãi. Nhưng, bố một dân tộc khác, mẹ một dân tộc khác ắt sẽ nảy sinh xung đột.

Lý giải điều này, bà Đàm Thị Kim Hạnh cho rằng, việc ghi dân tộc của trẻ sẽ theo sự thống nhất của bố mẹ và khẳng định, đây là một quy định khá “mở”, tôn trọng sự thỏa thuận của bố, mẹ đứa trẻ cũng như thể hiện quyền làm bố, mẹ. Tuy vậy, đặt giả sử, bố mẹ đứa trẻ không thống nhất được dân tộc của cháu bé, mỗi người lại muốn ghi cho con mình một dân tộc khác nhau thì phương án giải quyết cho mâu thuẫn này sẽ là gì? Chả lẽ ghi cả 2 dân tộc? Hoặc không theo dân tộc nào?

Hơn nữa, nếu trường hợp bố hoặc mẹ đứa trẻ có thể là dân tộc thiểu số - điều này liên quan rất nhiều đến chế độ, chính sách của Nhà nước, như thi cử, cơ cấu, chế độ đãi ngộ, ưu đãi, phụ cấp... đối với con người này. Nếu không thống nhất cách thể hiện trên các nội dung trên Giấy khai sinh sẽ gây nên nhiều khó khăn cho đứa bé sau này khi tham gia các hoạt động công tác.

Ngoài những bất cập trên, những nội dung của Nghị định 158 còn bộc lộ những thiếu sót, như khi quy định quê quán, nguyên quán của đứa trẻ. Bà Hạnh cho rằng, ghi quê quán một người theo quê của ông nội người đó là hợp lý, nhằm tránh mất gốc, tuy vậy, giả thiết cái địa danh đó (quê của ông nội đứa trẻ) hiện không còn trên thực tế, do chia tách, sáp nhập địa giới hành chính thì quê quán của đứa trẻ sẽ ghi như thế nào.

Tiếp tục lý giải vấn đề trên, bà Hạnh nêu quan điểm, nếu thời điểm chia tách, sáp nhập, địa danh đó rơi vào địa phận mới nào thì sẽ ghi theo địa phận hành chính đó. Nhưng tiếp tục với câu hỏi, giả thiết địa phận hành chính đó chia làm 2 đều cho 2 địa danh mới, đứa trẻ đó quê ở đâu? Không có câu trả lời cho câu hỏi này. Cũng vẫn là vấn đề quê quán, có người lại cho rằng, quê quán của một đứa trẻ nên theo nơi sinh của bố đứa bé đó.

Nhưng có người lại cho rằng, quê quán của một đứa trẻ nên ghi theo nơi thường trú của bố đứa trẻ đó để thuận tiện cho công tác quản lý cũng như công tác hộ tịch. Chung quy lại, sự tồn tại của nhiều ý kiến đã thể hiện sự quy định thiếu chặt chẽ, thiếu khoa học của Nghị định 158.

Việc tưởng chừng nhỏ mà không hề nhỏ. Nó có thể liên quan đến tất cả những hoạt động sau này của một con người. Vậy nên, nhất thiết phải có những quy định cụ thể để thống nhất việc áp dụng cũng như xóa bỏ một thực tế: Văn bản hướng dẫn lại chờ hướng dẫn!

Bảo Thắng