Yêu cầu các công ty Mỹ rời Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump là hành động sốc nổi

ANTD.VN - Trong một loạt các bài đăng tải trên mạng xã hội vào sáng ngày 23-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện thái độ giận dữ và đả kích Trung Quốc vì kế hoạch trả đũa bằng thuế quan mới của nước này đối với 75 tỷ đô la hàng hóa Mỹ.

Cảm xúc chi phối quyết định?

Việc Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế 5-10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1-9 và 15-12 tới, ngay trước thềm Hội nghị G7, đã khiến Tổng thống Mỹ nổi giận và có những tuyên bố "trả miếng" khi nói rằng “người Mỹ không cần đến Trung Quốc” và nước Mỹ sẽ tốt hơn nếu “không có họ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tiếp "ăn miếng trả miếng" trong cuộc chiến thuế quan

Tổng thống Donald Trump cho biết, ông sẽ yêu cầu các công ty Mỹ dừng sản xuất tại Trung Quốc và chuyển sản xuất về Mỹ hoặc tìm kiếm những địa điểm sản xuất thay thế mới - điều mà Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) gọi là “không thực tế”.

“Trong nhiều năm qua, các nhà bán lẻ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, nhưng việc tìm kiếm các nguồn thay thế là một quá trình tốn kém và lâu dài có thể mất nhiều năm. Thật không thực tế khi các nhà bán lẻ Mỹ rời khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vì 95% người tiêu dùng đang ở ngoài nước Mỹ” ông David French - Phó chủ tịch cấp cao về quan hệ chính phủ của NRF, cho biết trong một tuyên bố với Yahoo Finance.

“Sự hiện diện tại Trung Quốc cho phép chúng tôi tiếp cận khách hàng nước này và phát triển thị trường nước ngoài. Điều này giúp phát triển và mở rộng cơ hội cho người lao động, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ”, ông  David French nói thêm.

Tổng thống Mỹ có lạm quyền?

Không rõ, yêu cầu này của Tổng thống Donald Trump có nằm trong thẩm quyền của ông hay không, nhưng cho đến lúc này Nhà Trắng vẫn chưa có những phản hồi trả lời yêu cầu làm rõ quyết định này của ông Trump.

“Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, giả dụ như đứng trước một cuộc chiến tranh, thì Tổng thống có thể có thẩm quyền để làm những việc như thế này, nhưng chúng tôi chưa gặp phải một trong những tình huống đó”, ông Simon Lester, Phó giám đốc Trung tâm chính sách thương mại của Viện Cato bày tỏ quan điểm, “vì vậy, điều này dường như không giống như một lệnh hành pháp có tính khả thi. Nó chỉ là một cái gì đó được ngài Tổng thống bày tỏ trên mạng xã hội trong khoảnh khắc tức giận nhất thời”.